Sách đẹp và xu hướng người đọc

- Bản sách đặc biệt, bản sách giới hạn, bản sách hạn chế là câu chuyện thú vị mới xuất hiện trong những năm gần đây. Nhiều bản sách được thiết kế khá nghệ thuật in ấn, bọc bìa cầu kỳ, tinh tế hoặc có thể làm thủ công, với số lượng có hạn “cháy” hàng ngay khi phát hành. Điều này không chỉ kích thích sự sáng tạo của những người làm sách, mà còn tạo nên một “thú chơi” tri thức, thúc đẩy văn hóa đọc và thưởng thức sách phát triển.

Tác phẩm Miền dâu dại của tác giả Jill Bakklem phiên bản đặc biệt được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Về nội dung sách bản đặc biệt không khác biệt với bản phổ thông nhưng chúng được chăm chút về mặt hình thức và chỉ in số lượng hạn chế... Bìa sách được đóng thủ công, có thể bọc da hoặc vải, ký tự và hoa văn ép nhũ, ruột sách in trên giấy chất lượng cao. Mỗi cuốn sách được đánh số thứ tự, trở thành bản duy nhất.

Chị Phạm Lê Hương, công tác tại trường Đại học Tân Trào là một trong những người yêu thích và thường xuyên “săn” những cuốn sách phiên bản giới hạn. Chị chia sẻ: “Mình thích những tác phẩm văn học kinh điển nước ngoài như Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Cuốn theo chiều gió, Ruồi trâu… Bên cạnh say mê nội dung sách mình cũng muốn được cầm trên tay những tác phẩm có hình thức bắt mắt, cảm thấy vô cùng hào hứng và hạnh phúc khi được sở hữu những ấn phẩm sách có phiên bản giới hạn”.

Tại Hội nghị tập huấn phê bình sáng tác văn học do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tại Tuyên Quang, khi bàn về vấn đề xuất bản sách để tạo sự lôi cuốn, các nhà phê bình đã khẳng định, việc đổi mới tạo vẻ đẹp cho sách, “khoác áo mới” cho sách là một trong những yếu tố ban đầu thu hút bạn đọc đến gần hơn với tác phẩm.

Những năm gần đây, khi “ra mắt” những ấn phẩm mới, bên cạnh những ấn bản thường thì nhà văn Đỗ Bích Thúy đầu tư những ấn bản đặc biệt có ấn số thứ tự từ 1 đến 1.000. Trong đó, có bản sách đặc biệt Tiếng đàn môi sau bờ rào đá phần tranh bì, tên tác giả, tác phẩm được thêu trên vải lanh bọc bìa cứng. Bìa áo được in bằng giấy mỹ thuật chất lượng cao. Đỗ Bích Thúy chia sẻ, đây là món quà đặc biệt được họa sỹ Lê Thiết Cương và nhà văn dành cho bạn đọc có nhu cầu sưu tầm sách đẹp. Một phần tiền bán sách sẽ được chuyển thành quà tặng cho trẻ em miền núi.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy ký tặng sách tại buổi giới thiệu ấn phẩm đặc biệt tiểu thuyết Tiếng đàn môi sau bờ rào đá.

Và đúng như mong đợi, những ấn bản giới hạn đã được bán nhanh chóng trong 1 thời gian ngắn. Điều này không chỉ nói lên độ “hot” của nhà văn mà còn nói lên tình yêu sách và nhu cầu sở hữu sách đẹp của độc giả rất lớn trong thời đại ngày nay.

Chia sẻ vấn đề này, nhà văn Vũ Xuân Tửu, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, theo thời gian cùng với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ ngày một nâng cao. Ví như trước đây “ăn đủ no, mặc đủ ấm” thì nay hướng đến “ăn ngon, mặc đẹp”. Văn hóa đọc cũng vậy, bên cạnh sở hữu những tác phẩm có nội dung hay thì người đọc cũng rất thích được sở hữu ấn phẩm sách có hình thức độc, lạ, đẹp. Đó là điều mà các tác giả địa phương cần hướng đến để tác phẩm tiếp cận gần hơn với độc giả.

Tác giả Lê Ngọc, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh là một người trẻ yêu thích sách đẹp. Anh khẳng định, sách đẹp, ấn bản đặc biệt có thể là một cuộc chơi văn hóa, nhưng nhìn vào đời sống của những tác phẩm văn chương trong hình hài đặc biệt, dễ thấy đó sẽ là mặt hàng đáng đầu tư để có những trải nghiệm văn hóa đọc khác biệt, mới mẻ.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều sách bản đẹp, bản đặc biệt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả, tạo nên nét văn hóa tri thức mới. Theo thời gian, xu hướng này mang đến cho người đọc những tác phẩm không chỉ hay về nội dung, đẹp về hình thức mà còn truyền cảm hứng đến đông đảo bạn đọc về tình yêu sách. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ phát triển văn hóa đọc trong thời đại hôm nay.

Hoàng Niềm

Tin cùng chuyên mục