Đưa văn hóa dân gian vào âm nhạc

- Với sự phát triển công nghệ thông tin, nhiều hình thức giải trí ra đời, người trẻ dường như ít tìm đến những giá trị văn hóa dân gian truyền thống. Thời gian qua, nhiều người đã sáng tạo, khéo léo đưa văn hóa dân gian vào sản phẩm âm nhạc. Các tác phẩm được “khoác áo mới” thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ tương tác, phản hồi tích cực.

Cũng như các tiktoker khác, em Nguyễn Mai Anh, thôn 6, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) thích thú quay clip cover ca khúc Thị Mầu. Em chia sẻ, ca khúc Thị Mầu do ca sỹ Hòa Minzy thể hiện mang âm hưởng chèo nhưng giai điệu và ca từ dí dỏm, bắt tai. Dù nội dung nói về Thị Mầu, một nhân vật trong tác phẩm văn học Quan âm Thị Kính  song cách kể chuyện lại khác biệt, tươi mới.

Đây không phải là lần đầu tiên một sản phẩm âm nhạc mang hình tượng văn học được khán giả đón nhận nhiệt tình. Hoàng Thùy Linh cũng từng gây sốt với Để Mị nói cho mà nghe, Bánh trôi nước, Kẻ cắp gặp bà già… Đặc biệt, thời gian gần đây ca khúc See tình của Hoàng Thùy Linh trở thành “hiện tượng”, “trào lưu” trên thế giới. Đây là ca khúc mang đậm âm hưởng đờn ca tài tử, tạo lập một vùng không gian với hình ảnh, âm thanh đậm chất miền Tây. Nhiều nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên nổi tiếng ở Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… đã tích cực cover nhạc phẩm này với 1 thái độ thích thú.

Rapper Xuân Trường (mặc áo xanh) cùng ekip thực hiện MV À Lôi mang đậm âm hưởng văn hóa Tày.

Rõ ràng chỉ bằng những nhạc phẩm âm nhạc đã góp phần quảng bá văn hóa dân gian Việt Nam bay xa. Mới đây, trong Lễ trao giải Cống hiến 2023, nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh nhận 3 giải thưởng quan trọng gồm: Ca sĩ của năm, MV của năm và Album của năm. Với số lượt bình chọn cao nhất, MV Gieo quẻ do Khắc Hưng sáng tác, Hoàng Thùy Linh và Đen thể hiện nhận giải thưởng MV của năm. Nhạc phẩm sử dụng đậm đặc chất liệu dân gian truyền thống từ phần âm nhạc đến trang phục với cách thể hiện mới lạ, sáng tạo, hấp dẫn. Qua MV Hoàng Thùy Linh muốn gửi thông điệp chỉ cần tin tưởng bản thân làm chủ vận mệnh thì gặp khó khăn, thử thách nào cũng vượt qua được.

Dường như, văn học, văn hóa truyền thống luôn ở trong tiềm thức mỗi người Việt. Do đó chúng ta cần biết khai thác như thế nào để phù hợp, khơi dậy, đánh thức niềm đam mê văn hóa dân gian với giới trẻ ngày nay.  Khai thác các yếu tố văn hóa dân gian trong ca khúc đang là hướng đi được nhiều ca sỹ trẻ lựa chọn. Thành công của các nghệ sỹ, nhà sản xuất cho thấy, âm nhạc Việt đã có những bước chuyển, dần thu hẹp khoảng cách giữa nhạc trẻ hiện đại và nhạc truyền thống. Những nhân vật bước ra từ tác phẩm văn học, tích truyện dân gian dù rất quen thuộc nhưng khi xuất hiện trong âm nhạc của các ca sỹ trẻ lại có một sức sống mới, mang màu sắc đương đại nhờ những cách sáng tạo riêng.

Đồng tình với quan điểm trên, nhạc sỹ Tân Điều chia sẻ: “Một số nghệ sỹ trẻ ngày nay đã lấy yếu tố dân tộc làm chất liệu chính cho con đường âm nhạc của mình. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Bên cạnh những nghệ sỹ gạo cội, các bạn trẻ đã tham gia tìm kiếm những giá trị mới trong âm nhạc đại chúng nhưng có sự kết nối với truyền thống, góp phần lan tỏa giá trị truyền thống dân tộc. Đây là con đường chúng ta nên đi trong tương lai”.

Tại Tuyên Quang cũng có nhiều bạn trẻ thử sức đưa chất liệu văn hóa dân tộc vào sáng tác của mình. Em Bùi Xuân Trường, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) đã có những bản Rap Nhà em ở lưng đồi, Lồng Tông xuống đồng, MV À lôi sử dụng chất liệu văn hóa Tày.

Ca từ gần gũi giản dị, quen thuộc với đồng bào miền núi hòa vào nhạc Rap hiện đại đã tạo nên bản nhạc hấp dẫn, độc đáo, thú vị: “Lồng Tông là xuống đồng/Cầu cho mùa màng được bội thu/Tuyên Quang miền gái đẹp/Nơi vẻ đẹp được hội tụ/Cầu cho mưa thuận gió hòa, may mắn và bình an/Rộn ràng như tiếng đàn Tính/Tích Tịch tình tang, noong ơi”.

Trường chia sẻ, cũng như các bạn trẻ bây giờ yêu thích âm nhạc hiện đại, em đã kết nối tình yêu quê hương và tình yêu nhạc Rap, Hiphop. Tất cả đó là tâm ý của em với mong muốn “âm nhạc truyền cảm hứng cho mọi người đến với Tuyên Quang”. Với MV Nhà em ở lưng đồi, người nghe được chìm đắm trong khung cảnh bình yên, cảnh sắc nên thơ của quê hương xứ Tuyên và câu chuyện tình đẹp giữa cô gái Mông và chàng trai nhiếp ảnh gia miền xuôi. Đoạn nhạc Rạp không quá sôi động giàu chất thơ được Xuân Trường thể hiện rất thành công: “Noong ơi! Noong ơi! Có rừng có núi, có tiếng sáo mèo, có cả em/Hôm qua anh uống rượu ngô men lá nên giờ có cả men/Say sưa dưới ánh đèn, say sưa cùng tiếng khèn cộng với say cả em/… Nhà em ở lưng đồi, nhà anh ở dưới phố/Rượu cần có thêm mồi, mình cần thành một đôi”.

Âm nhạc truyền thống, văn hóa dân gian luôn gặp khó trong việc tiếp cận các bạn trẻ. Tuy nhiên, với cách làm mới này đã tạo nên những sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn, sáng tạo thu hút người trẻ tìm về cội nguồn một cách hào hứng, chủ động tiếp cận.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục