Những người phụ nữ truyền cảm hứng

- Cuốn sách “Khi phụ nữ lên tiếng” của Yvette Cooper do Thanh Tú dịch, được Nhà xuất bản Dân Trí phát hành năm 2021 đã đem đến một cái nhìn mới rằng diễn thuyết không chỉ là mảnh đất của đấng mày râu. Trên thế giới có rất nhiều người phụ nữ dũng cảm, họ đã vượt qua rào cản và định kiến để cất lên tiếng nói của chính mình và giành được những vị trí quan trọng trong xã hội.

Tác giả Yvette Cooper là nữ đại biểu Quốc hội đại diện cho các vùng Normanton, Pontefract, Castleford và Knottingley của Anh. Cuốn sách là tập hợp 35 bài diễn văn vĩ đại nhất mọi thời đại, đặc biệt nó được cất lên từ những người phụ nữ đã làm thay đổi thế giới. Họ có thể là những nữ hoàng chiến binh, những lãnh đạo quốc gia, hay là những thiếu niên, người hưu trí… nhưng đều có điểm chung là tích cực tham gia hoạt động xã hội và dám đấu tranh cho lẽ phải, cho sự bình đẳng để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Người đọc sẽ được tìm hiểu bài diễn văn cách đây hơn 2 nghìn năm trước của nữ hoàng chiến binh người Anh Boudica. Đây là một trong những bài diễn văn hùng hồn đầu tiên của phụ nữ trước công chúng được ghi lại và là tiếng gầm đầy phẫn nộ chống lại sự xâm lăng. Hay bài diễn văn của Nữ hoàng Elizabeth I trước quân đội ở Tilbury. Khi đọc bài diễn văn năm 1588, Nữ hoàng đã tại vị được 30 năm, thế nhưng nước Anh vẫn còn chia cách, không bình yên và sống trong nỗi lo sợ sẽ bị hạm đội Tây Ban Nha hùng mạnh xâm lược. Bài diễn văn của Nữ hoàng đã khơi dậy chí sỹ và người dân của mình hãy cứu lấy đất nước trước họa xâm lăng.

Sojourner Truth sinh ra là một nô lệ ở bang New York với cái tên Isabella Baumfree, không biết đọc, không biết viết, nhưng lại có tiếng nói đầy sức mạnh. Hơn 30 năm đầu cuộc đời bà sống trong cảnh bị mua đi, bán lại, vì vậy bà đã quyết tâm đứng lên đấu tranh để chống lại chế độ nô lệ. Đồng thời là một diễn giả dũng cảm, mạnh mẽ đấu tranh cho quyền của phụ nữ. Trong bài diễn văn của mình bà đanh thép khẳng định “Tôi chính là nữ quyền… Tôi có thể mang nặng như bất cứ người đàn ông nào, cũng có thể ăn nhiều như họ, nếu tôi có đủ thức ăn. Bây giờ tôi mạnh như bất cứ đàn ông nào”.

Đặc biệt, người đọc sẽ tìm thấy bài diễn văn đanh thép của bà Benzir Bhutto, một người Hồi giáo được bầu làm Thủ tướng Pakistan vào năm 1988. Bà đã đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ, khẳng định đó là quyền của con người. Đồng thời, cá nhân bà cũng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Trong bài diễn văn của mình bà đã khẳng định đanh thép “Ngày nay, trên thế giới này, trong cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ, không thể tồn tại sự trung lập”…

Còn bài diễn văn của cô gái mới 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới R20, Vienna vào tháng 5-2019 đã khẳng định: “Hãy hành động ngay bây giờ” vì môi trường và chống lại biến đổi khí hậu. Từ bài diễn văn và những hành động tích cực của cô về môi trường đã góp phần buộc các nghị sỹ lần đầu tiên bỏ phiếu để ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Bài diễn văn đã kêu gọi tất cả mọi người, ở mọi tầng lớp, vị trí khác nhau trong xã hội nhìn nhận đúng vấn đề biến đổi khí hậu và cùng hành động vì chính tương lai của mình và con, em mình.

Dù khác nhau về không gian, thời gian, hoàn cảnh xuất thân, nhưng những người phụ nữ được nhắc đến trong cuốn sách đã dám đứng lên đấu tranh cho hòa bình, cho bình đẳng và hơn hết vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục