Tuổi thơ bất hạnh
Chị Hờ Thủy, một hôm đi ngang ngôi nhà vách đất, tình cờ gặp cảnh đau thương đứt ruột: cô bé Châm Huyền Thư lay gọi: mẹ ơi, đừng ngủ nữa, con đói…, tay lay, mắt nhòe đến nỗi chẳng thấy chị Thủy đã bước vào. Tiếng cô bé đã khàn đặc, chị cầm tay bé lại, “để mẹ ngủ, con!!” rồi rất tự nhiên kéo bé vào lòng, giang tay ôm chặt.
Tội quá, hết tai ương này đến tai ách khác. Đi hết kiếp nạn thì bỏ con khờ bơ vơ. Bé Thư càng khóc, chị Thủy càng không cầm được nước mắt. Càng nghĩ lại càng thương. Hoàn cảnh của mẹ con chị Hờ Loan thật khổ trần ai. Lấy chồng chưa được bao lâu thì căn bệnh ung thư gan đổ ập xuống đầu người đàn ông không rượu chè hút hít. Không khuất phục, anh kiên gan chống lại những cơn đau để rồi cuối cùng phải đầu hàng căn bệnh quái ác, anh mất lúc bé Châm Huyền Thư được hai tuổi. Oan nghiệt thay, mãn tang chồng được ba năm, chị Hờ Loan bắt đầu thấy mắt mờ, sức yếu, khám ra mới biết mình bị ung thư vú giai đoạn hai. Không có tiền chữa chạy, từ giai đoạn hai sang giai đoạn cuối chỉ là một vạch mỏng.
Mẹ bệnh, con thơ, chị lây lất kéo lê sự sống từng ngày. Gắng gượng được bao nhiêu đó đã giỏi chứ bệnh đau không chữa mong gì sống hơn. Người ta xì xào bàn tán và không khỏi xót xa khi nhìn đứa con nhỏ hoang mang ngồi khóc bên xác mẹ.
Chị Hờ Thủy xấp ngửa chạy đi gom góp, rồi cũng có tấm áo quan cho người đàn bà xấu số. Xong hậu sự cho người không thân thích, nhìn cô bé mồ côi ngồi co ro như con chim non bị rơi khỏi tổ ấm, chị nách luôn Châm Huyền Thư về nhà.
Oan nghiệt thay cho cô bé, hẩm hiu lại càng hẩm hiu khi không lâu sau đó chồng cô Hờ Thủy đổ bệnh. Ban đầu chỉ đau lưng, nhưng mì đang vào mùa nên dời lời hẹn khám, những cơn đau tăng cấp số nhân sau những ngày khuân vác để rồi cuối cùng ngã khuỵu. Nằm bất động trên giường, người chồng giỏi mưa nắng quay ra đổi tính đổi nết, rủa nộp và cay nghiệt với cả những người trước đây anh yêu thương nhất. Và như thế, chị Hờ Thủy phải đứt ruột để cô bé học lớp 1 phải quay về ngôi nhà với hai chiếc bàn thờ nguội lạnh.
Minh họa: Bích Ngọc
Gặp trái tim tình nguyện
Bé Châm Huyền Thư về nhà, sống bằng sự cưu mang của bà con lối xóm. Dù thôn Suối Trai chỉ chục nóc nhà, dù nghèo rớt thì bà con cũng không thể làm ngơ với một cô bé không còn ai thân thích. Cứ như thế, người cho đôi dép cái mũ, người chén cơm cái bánh, cô bé trở thành đứa con chung của cả thôn.
Tháng ba năm đó, thôn Suối Trai đìu hiu bỗng trở nên hoạt náo khi đón về một đoàn áo xanh từ thành phố lên núi. Những chiếc áo xanh đầy năng lượng mang những trái tim nhiệt huyết và chan chứa yêu thương. Đoàn đến với bà con theo chương trình “Ngày chủ nhật xanh”. Không phải một và tất cả những ngày chủ nhật của tháng Ba, những trái tim tình nguyện đều về với bà con.
Những căn nhà tạm bị gió thốc xộc xệch được đậy ràng tinh tươm, những ngôi nhà neo đơn được ngoài những túi quà còn được quét dọn, dựng rào kéo dậu. Mỗi một ngày chủ nhật qua đi, thôn như cậu bé nhếch nhác được mặc cho bộ đồ bảnh bao hơn. Bà con vui lắm, chủ nhật nào cũng nôn nao chờ đón chuyến xe xanh.
Ngày chủ nhật cuối cùng của chương trình, những thanh niên dành cả ngày cho ngôi nhà của Châm Huyền Thư. Thật may, đã có sự sắp đặt nào đó của Thượng Đế chí nhân, ngài đã đem đến ngôi nhà đơn chiếc một cụ già bị con cái hất ra khỏi nhà, đi lang thang đến thôn Suối Trai xin ăn, bà con hỏi sự tình rồi chỉ về ngôi nhà có cô bé mồ côi đang cần người ở cùng. Những người khốn khổ thường ít dè chừng lễ nghĩa hay câu nệ thân sơ, một già một trẻ sống với nhau, đối với nhau thân tình như… bà cháu. Thấy ngôi nhà của bà cháu tạm bợ quá, những thanh niên lăn vào, người một tay, sắp đặt vén khéo các thứ. Điều mừng đến rớt nước mắt là những thanh niên đã ngay lập tức xây vách, lợp tôn cho bà cháu một ngôi nhà nhỏ.
Những chủ nhật sau đó, không phải một đoàn mà chỉ có một thanh niên, tuần nào cũng một mình một ngựa đến thăm hai bà cháu.
Đó là anh Hải, sinh viên trường Đại học Xây dựng, đều đặn, tuần nào cũng cộ từ phố lên núi nào dầu ăn, mắm muối, rau củ quả. Anh Hải chỉ Châm Huyền Thư học và tập Thư làm vườn nữa. Hai anh em nói cười, cuốc xới, làm một vườn rau nhỏ sau nhà. Mỗi lần về, Hải đều dúi tiền vào tay bà, bảo là tiền đóng góp của Đoàn trường cho chương trình “Tiếp bước cho em”. Bà xúc động nhận tiền, vuốt vuốt xoa xoa mu bàn tay chàng trai nói cảm ơn sâu sắc. Cảm động là vậy nhưng bà làm sao biết số tiền của quỹ chỉ có một phần ba, phần còn lại là kết quả của những giờ sau học, Hải đến từng nhà, gõ cửa, kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng dành cho một đứa bé mồ côi học giỏi.
Và vào một ngày cuối tuần định mệnh, trên con đường có nhiều cua dốc tức rực lên núi, Hải ra đi trong một tai nạn giao thông. Châm Huyền Thư khóc nức nở như lại vừa mất đi một người thân thích. Sau này, Huyền Thư đã nghĩ, anh sinh viên Hải đó giống như một thứ ánh sáng diệu kỳ, đã ngang qua và soi sáng trái tim Thư.
Mang trái tim tháng Ba
Châm Huyền Thư học giỏi, trở thành học sinh ưu tú của trường Dân tộc nội trú tỉnh và trở thành sinh viên Đại học Báo chí sau đó.
Những ngày làm sinh viên, phụ trách chân Phó Bí thư Đoàn trường, Châm Huyền Thư hoạt động như một cây đuốc sống, tâm niệm muốn châm ngòi cảm hứng tình nguyện đến với từng thanh niên đi qua mình. Những mùa hè làm sinh viên là những mùa hè tình nguyện, Châm Huyền Thư cháy hết mình, như cách để trả ơn những trái tim tình nguyện năm nào.
Ra trường, Thư về làm cho Đài phát thanh và truyền hình tỉnh. Công việc mình phụ trách, Thư làm rất tốt, thời gian còn lại, Thư dành hết cho đam mê… thiện nguyện.
Cách đây chưa lâu, giữa những ngày cả xã hội đang oằn mình chống chọi với Covid thì có một cô gái thanh mảnh, trưởng một nhóm thiện nguyện ngày đêm dấn thân bất kể những lời cảnh báo rợn người của gã người yêu con nhà hào môn. “Thời điểm này không thích hợp, không có chỗ cho những cuộc hẹn hò”. Câu trả lời thẳng thắn của cô gái Chăm Hroi làm anh người yêu điển trai nổi giận, đòi chia tay. Tùy duyên đi, đây không phải lần đầu tiên anh hung dữ và lạnh lùng buông câu đó, như một sự trừng phạt, dành cho cô người yêu ngang bướng. Không si nhê. Thư vẫn thiện nguyện bất chấp. Mặc cho cái nóng nung người của miền Trung những ngày cao điểm, cô gái và những người bạn ngày ngày mặc đồ bảo lộ, lăn vào các khu cách ly tiếp tế thực phẩm - kết quả của việc đầu hôm và khuya sáng nấu hàng trăm suất cơm, hàng trăm chai nước nha đam, hàng trăm ly chè đậu...
Đó là ở khu cách ly, còn ở những nơi bị phong tỏa, dưới cái nắng gần 39 độ, lụi cụi trong những bộ đồ bảo hộ kín không lối thoát, cô và bạn bè gồng lưng đẩy xe hàng lên các dốc, mệt lả người, ngồi bệt xuống đường thở dốc, thở đã đời rồi lại động viên nhau đứng dậy, tiếp tục hành trình đem đến cho bà con khu phỏng tỏa những thực phẩm thiết yếu. “Chưa có hành trình nào kiệt sức như hành trình này, nhưng bạn nào cũng vui, cũng hạnh phúc khi bà con trong khu phong tỏa mừng rớt nước mắt lúc nhận quà” - Huyền Thư tâm sự với người yêu, mong tìm dấu gạch nối sau những ngày căng thẳng nhưng Dương vẫn hờ hững như không nghe không biết.
- Sau này, khi chúng ta lấy nhau, em có tiếp tục công việc phù phiếm này ?
“Công việc phù phiếm”, ra vậy, Dương không có chút đồng cảm với đam mê của mình. Tình yêu đầu đời, Huyền Thư đã nghiêm túc và tâm huyết với nó, yêu trân trọng nắn nót, biết rằng không thể ra khỏi quy tắc ngầm “anh là anh, em vẫn cứ là em” nên Huyền Thư đã chấp nhận những khác biệt của người yêu nhưng chàng thì không như vậy. Nhưng Thư vẫn vững tin, tình yêu hay hôn nhân cũng như một cái cây, sự chăm sóc chu đáo và đúng cách sẽ làm nó xanh tốt.
Ngày đôi trẻ dắt nhau đi thử áo cưới, khi chiếc áo được mặc vào, vừa vặn ôm sát người, cô gái xinh như mộng trong chiếc áo cưới tinh khôi, chàng trai đã nghẹt thở khi nhìn nữ nhân của mình nhu mì bội phần trong chiếc váy thần thánh. Nhưng khi chàng tiến lại cầm tay cô gái thì cũng là lúc câu nói định mệnh lại tuôn ra: “Anh hy vọng lấy nhau về, em sẽ sinh cho anh những đứa con kháu khỉnh và toàn tâm ý làm hậu phương cho doanh nhân trẻ chứ??”. Một câu nói thăm dò, thăm dò mà đau như vạn tiễn xuyên tâm. Anh trước sau vẫn chỉ nghĩ cho mình, cô gái bỗng lúng túng và thấy tưng tức với chiếc váy bồng bềnh. Vừa lúc đó, điện thoại rung lên, một cô bạn trong nhóm báo có một hoàn cảnh thương tâm đang cần hỗ trợ gấp để phẫu thuật, Huyền Thư vội lột chiếc áo cưới, tháo chạy theo tiếng gọi trái tim…
Gửi phản hồi
In bài viết