Nở rộ các tiểu thuyết lịch sử

- Thời gian gần đây, sự khởi sắc ở thể loại tiểu thuyết lịch sử của các tác giả xứ Tuyên cho thấy sự đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm của các nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử trên địa bàn tỉnh ở địa hạt này.

Lan tỏa tình yêu lịch sử

Viết tiểu thuyết lịch sử là chủ đề khó, một sự lựa chọn thật sự dũng cảm, bởi lẽ nó không chỉ đòi hỏi phải viết sao cho hấp dẫn mà còn cần giữ nguyên vẹn được tính chính xác, giá trị của lịch sử. Để có chỗ đứng trong lòng độc giả đương đại ở thể loại này là điều không dễ dàng.

Nhà văn Phù Ninh nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ tại Lán Hang Bòng.

Thế mạnh về thể loại tiểu thuyết lịch sử trên địa bàn tỉnh, không thể không nhắc tới nhà văn Nguyễn Văn Mạch, bút danh Phù Ninh. Khi tôi viết bài này, ông đang trong cuộc phẫu thuật ở Viện, không trực tiếp trò chuyện được cùng ông, nhưng những cuộc trò chuyện cùng ông trong nhiều năm qua cho thấy, ông không chỉ là một nhà văn, nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp với lịch sử văn hóa địa phương, mà ông còn là người có tình yêu, trách nhiệm với lịch sử văn hóa địa phương theo một cách rất riêng.

Nhà văn Phù Ninh từng là Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Tuyên; Giám đốc Sở Văn hóa; Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang; Chánh văn phòng Tỉnh ủy… Những cương vị đó không chỉ giúp ông có được một vốn kiến thức lịch sử văn hóa đầy đặn, am hiểu sâu sắc mà qua nghiên cứu, điền dã, qua các cuộc hội thảo khoa học, ông đã hệ thống hóa, biến những mốc thời gian quan trọng của lịch sử địa phương thành những cuốn tiểu thuyết có giá trị, giúp người đọc du lịch về quá khứ, là cách để truyền bá lịch sử dân tộc. Qua những cuốn tiểu thuyết lịch sử, thôi thúc người đọc tìm kiếm nhiều hơn những mảnh ghép lịch sử để làm dầy dặn hơn kho tri thức của mình.

Nhà văn Phù Ninh viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, kịch, thơ, viết sử địa phương. Các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến là “Tân Trào rạng ngày độc lập”, “Bác Hồ ở Tân Trào”; “Tân Trào toàn cảnh”, “Về Tân Trào”; “Trần Nhật Duật”; “Di tích lịch sử Tuyên Quang”, “Người con gái Thăng Long”, “Dòng Lô êm trôi”, “Đền thiêng”, “Tha hương”; “Tháng ngày Việt Bắc”, “700 năm danh xưng Tuyên Quang”... cùng nhiều bài viết về lịch sử văn hóa địa phương.

 Năm 2018, cuốn tiểu thuyết tư liệu “Về Tân Trào” của ông đã đạt Giải C giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Đặc biệt, cuốn “Tháng ngày Việt Bắc” của ông xuất bản cuối năm 2023 thực sự đồ sộ về tư liệu lịch sử gắn với mảnh đất Tuyên Quang trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sách dày gần 500 trang.

Khẳng định vai trò quan trọng của tiểu thuyết lịch sử trong đời sống hiện đại

Mảng đề tài tôn vinh lịch sử văn hóa dân tộc, làm sống lại các nhân vật lịch sử, các giai đoạn và sự kiện lịch sử cụ thể, mang đến cho người đọc những góc nhìn chân thực, khơi dậy niềm tự hào sâu sắc về những trang sử hào hùng của dân tộc. 

Một số tiểu thuyết của nhà văn Phù Ninh.

Chị Lành Thị Kiên, Phó trưởng phòng Trưng bày, tuyên truyền, Bảo tàng tỉnh cho biết: Để có nội dung giới thiệu hấp dẫn, nêu bật được giá trị của di tích lịch sử tại điểm đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, hướng dẫn viên cần có nguồn tin chính thống, cần tham khảo các tác phẩm, các chuyên gia am hiểu sâu về lịch sử văn hóa địa phương. Từ đó đảm bảo thông tin cung cấp cho du khách không chỉ hay mà phải chính xác, chuyên nghiệp, để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng cho du khách. Chính vì vậy những tác phẩm của nhà văn Phù Ninh đặc biệt giá trị đối với công việc của một Hướng dẫn viên Du lịch như chị.

Nhà văn Vũ Xuân Tửu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang cũng là một trong những người có nhiều tâm huyết trong việc tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc. Ông có tiểu thuyết lịch sử “Chúa Bầu” viết về những dấu tích của thành nhà Bầu tại Tuyên Quang, tiểu thuyết của ông cũng góp phần làm ấm lại linh hồn của các bậc tiền nhân xưa trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Cùng với đó, tuyển tập kịch bộ ba tác phẩm “Công thần triều Lý” của tác giả Dương Đình Lộc, Hội viên Hội VHNT tỉnh viết về ba vị công thần tiêu biểu của nhà Lý gồm danh tướng Lê Phụng Hiểu, nguyên phi Ỷ Lan, thái sư Lê Văn Thịnh, về những đóng góp cũng như công lao của họ với một triều đại nhiều biến động nhưng cũng rất đỗi tự hào đó là triều đại nhà Lý. Qua đó, người đọc có thể hiểu thêm được một lát cắt lịch sử, sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác nơi chốn cung đình nhiều đố kỵ. Tuyển tập kịch đã được nhiều nhà hát trên toàn quốc tham khảo, xem xét để dàn dựng.

Sự lao động thầm lặng, cần mẫn của các cây bút ở mảng tiểu thuyết lịch sử với nhiều tín hiệu khởi sắc giúp độc giả có thể hình dung rõ hơn về giá trị các sự kiện trọng đại của dân tộc, thêm hiểu, trân trọng giá trị lịch sử cha ông để lại, tự hào và có trách nhiệm hơn với tương lai, tiền đồ của đất nước.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục