Chiến tranh vẫn còn trong đời chị

- Bức thư của đứa cháu gửi vợ chồng tôi chỉ ghi vài dòng ngắn gọn: “mấy bữa nay mẹ cháu yếu bệnh, có thời gian cô chú về chơi. Biết đâu sự có mặt của cô chú mẹ cháu lại khoẻ ra!... Mẹ con cháu chờ cô chú”.

Cháu Lụa!

Tôi nhẩm đọc thuộc lòng mấy dòng thư của đứa cháu và hình dung ra ngôi nhà bé nhỏ núp dưới chân quả đồi nhìn ra dòng sông Lô, chỗ có cái bến ghềnh quanh năm ào ào nước réo. Bốn mươi năm trời nay chị lặn lội một mình chờ chồng, nuôi con trọn nghĩa với bố mẹ chồng. Ngày xã làm lễ truy điệu anh tôi, chị tơi tả như thế nào! Và bây giờ ngoài tuổi thất thập rồi chị vẫn thui thủi một mình trông nom gia cảnh, khói nhang cho tổ tiên nhà tôi. Bao nhiêu gió bão đổ xuống mái nhà này, chị âm thầm hứng chịu để chúng tôi yên phận, yên bề. Biết làm nào được, anh em kiến giả nhất phận. Sự đời vốn thế. Nhưng dù sao vợ chồng tôi vẫn là người đáng trách. Tôi lặn lội về quê. Chiều cuối tháng mười đồng làng phơi gốc rạ. Sông Lô thao thao chảy, con sóng chỗ bến ghềnh ập òa tung bọt trắng nhàu.  Phong cảnh quê hương gợi về bao kỷ niệm xa ngái. Tôi bâng khuâng nhìn trời, nhìn đất rồi rẽ vào cái cổng quen thuộc. Lối cổng vào nhà tôi vẫn dày kín hai hàng cây ô rô. Nhìn hai hàng cây ô rô hình ảnh cha tôi lúc sinh thời lại hiện lên. Ngày ấy cứ chiều chiều ông cụ lại dắt đứa cháu con giai của anh tôi ra cổng ngóng. Thấy anh bộ đội nào qua đường hoặc ở quanh vùng về nghỉ phép là ông cụ lặn lội đến hỏi tin tức của anh tôi. Những phút ấy tôi thấy chị hay thở dài! tiếng thở dài của chị giờ vẫn còn vẳng thấy! Thoắt đấy mà đã ngót năm mươi năm trời trôi qua. Cha mẹ tôi đã thành người thiên cổ, xương cốt anh tôi vẫn gửi nơi góc bể chân trời! vợ chồng tôi thì ấm bề một chỗ! Ngôi nhà này chỉ còn mẹ con chị!

Minh họa: Bích Ngọc.

Tôi lẳng lặng bước vào nhà. Chị ngồi kia, một tay vịn vào cánh cửa trông ra. Thấy vợ chồng tôi, chị nhoàng đứng dậy. Chắc là mừng quá, chị không nói được ra nhời. Biết chị đang xúc động, vợ tôi vội bo lấy vai chị cùng ngồi xuống ngưỡng cửa. Chị tần ngần lần tay khắp người vợ tôi, giọng âu yếm, hiền lành:

- Cô vẫn trẻ như thời mới cưới chú! chắc là nhà tôi phù hộ cho đấy! chị mừng lắm. Nói vậy nhưng nước mắt chị cứ ứa ra!

Để chị đỡ tủi, tôi hỏi len vào:

- Chị mệt mà các cháu đi đâu cả?

Chị gạt tay ngang mặt nói từng câu dẽ giọt:

- Vợ chồng thằng Tận, cô chú biết rồi. Nó làm ăn ở trên phố, khổ! cái nghề thương nghiệp thời nay vất vả quá. Suốt ngày phơi mặt ở ngoài chợ mà lương bổng chả được bao nhiêu. Thi thoảng nó mới đảo về ngó tôi một tý rồi lại đi. Dạo hè nó đưa cún Thanh về ở mấy tháng. Bà cháu đang quấn quýt thì lại vào năm học. Nó đón nhau đi rồi! trời sinh ra cái số tôi trời bắt suốt đời phải thương nhớ, ngóng chờ.

Chị lại thở dài! còn cái Lụa, con bé khổ từ trong bụng mẹ. Tôi nhặt thêm được nó là đợt anh ấy về nghỉ phép đi B (tháng 8/1964) con bé có biết mặt bố đâu! khổ! Số nó lại cao ngoài ba mươi tuổi mới lấy chồng. Chồng nó lại là người đứt gánh giữa đường, có hai đứa con riêng. Lúc đầu tôi cũng ngại. Sau thấy chúng nó thương nhau thật, hai đứa trẻ nó cũng coi cái Lụa như mẹ. Tôi mừng lắm. Nhà mình hiếm người, tự nhiên được hai đứa cháu. Thế là trời cho đấy. Chị cười phúc hậu. Chồng con Lụa nó cũng là bộ đội phục viên, chịu khó lắm. Giờ vẫn đang cắt cỏ bò ở trong dộc ổi ấy. Vợ nó bận việc dưới nhà trường, một mình nó vừa ruộng nương, vừa trâu bò, lợn gà mà chả kêu ca, phàn nàn gì với vợ. Nhiều lúc nghĩ cũng tội! chị chép miệng thở dài: Mấy năm trước tôi khỏe còn đỡ được việc nọ việc kia, sang năm nay chả biết thế nào tự nhiên các móng tay nó long ra. Nhức buốt lắm. Đi khám các bác sĩ bảo bị cái bệnh loãng xương. Tắc quái thế. Nhìn thấy việc, biết con cái vất vả mà phải chịu. Chị lại thở dài.

Tôi bảo:

- Các cháu nó trưởng thành rồi. Chúng nó phải tự gánh vác lấy gia đình. Chị vất vả suốt đời rồi còn gì nữa!

- Ừ, tôi biết thế nhưng phận làm cha mẹ không đành được. Lại nghĩ chúng nó suốt đời thiếu thốn tình cảm của nhà tôi, tôi phải cố gắng để bù đắp lại.

Chị im lặng, một lúc lại nói thêm: về bản thân, tôi cũng chả phải lo gì. Giờ mỗi tháng cũng được hơn trăm ngàn đồng tiền trợ cấp chính sách, lại hoa trái, lợn gà. Một mình ăn hết thế nào được. Vì con, vì cháu mà phải gắng thôi. Năm ngoái nhà nước cũng hỗ trợ cho ít tiền, mẹ con sửa lại được cái nhà này. Chả to đẹp bằng ai nhưng cũng kín trên, bền dưới. Không lo gió bão gì nữa. Có điều chả biết vì sao dạo này tôi hay mơ thấy nhà tôi. Có đêm vẫn thức mà tôi lại nom thấy cả cánh rừng bạt ngàn, toàn là bộ đội mắc võng ngủ. Đến lúc đoàn quân hành quân đi, anh ấy vẫn nằm trên võng. Hai đầu võng cứ rung lên. Cơn sốt rừng to quá, anh ấy cứ gọi tên tôi rồi tắt thở. Đơn vị thì đi vào sâu rồi, anh ấy cứ nằm một mình trên võng. Thế rồi nắng gió, mưa rừng cứ cuốn dần xương thịt của anh ấy đi!… Lại có lúc chập chờn, tôi thấy cảnh chiến trường mù mịt khói lửa, súng nổ bốn bề. Anh ấy bị trúng đạn gục dưới hầm hào. Tàu bay của thằng Mỹ nó lại đổ bom xuống. Thế là xương thịt và đất đá cũng tan thành tro bụi. Trời đất ạ! Chiến tranh sao mà tàn khốc! tôi cứ kêu, cứ gào, cứ chửi thằng giặc độc ác!… Lại có lần tôi đang gầy lửa nấu cơm chiều, ngọn lửa vừa bén lên thì thấy có bàn tay vỗ vào vai. Tôi ngẩng lên, anh ấy đứng lặng cứ nhìn tôi chằm chằm rồi bảo: “Tôi đợi ở bờ sông, chỗ có cây Lộc Vừng… mẹ con đến đón tôi về nhá”… Thế rồi anh ấy lẫn vào ngọn lửa! Tôi kêu toáng lên. Con Lụa vội chạy vào, tôi bảo:  - Tý nữa thì lửa cháy vào tay mẹ. Nhưng rồi tôi vẫn kể chuyện này ra cho các cháu và cho mọi người biết. Con Lụa thì đi nhắn tin lên đài truyền hình. Một hôm có tin mách: ở Bình Ca có người cùng đơn vị với anh ấy!… Mẹ con tôi lặn lội đến. Tiếc quá, ông ấy bị bệnh não mới đi đột ngột. Vợ con ông ấy mang những đồ kỷ niệm ra. Đúng có tấm ảnh hai người chụp chung với nhau thật. Mấy chị em nhìn nhau nhưng chả biết làm nào được. Mẹ con đành bấm bụng ra về! Chị lại thở dài! Bây giờ tôi chỉ cần trời mách cho tôi biết chỗ anh ấy nằm, dù góc bể chân trời nào tôi cũng đi!… chị kéo vạt áo lau nước mắt. Vợ tôi cũng khóc theo. Tôi ngồi im lặng, lại nghe con sóng ở bến ghềnh gào réo. Hơn bốn mươi năm trời qua ở mái nhà này có biết bao nhọc nhằn đè lên đôi vai gầy guộc của chị và không biết bao nhiêu đêm đằng đẵng chị nằm nghe con sóng cào xé! Chị kiên nhẫn chịu đựng. Kiên nhẫn sống! Sống giản dị, trong sáng không một mảy may tính toán, bon chen. Giờ trong lòng chị chỉ có một khát vọng, khát vọng to lớn là làm sao tìm và đưa được hài cốt của anh về quê. Tôi hiểu nhưng biết làm nào được. Chuyện chiến tranh đã thuộc về ngày hôm qua rồi. Tôi muốn an ủi chị nhưng chưa tìm được lời thích hợp. May quá vừa lúc này vợ chồng con cái nhà  cái Lụa cũng về. Căn nhà vui rộn lên. Mấy đứa trẻ mồm miệng tíu tít khoe chuyện học hành. Chị âu yếm kéo mấy đứa cháu vào lòng cười phúc hậu. Không khí trong căn nhà càng rộn ràng, ấm cúng hơn. Nhưng ai mà biết được ở sâu kín lòng chị, lửa chiến tranh vẫn còn âm ỷ cháy.

Truyện ngắn: Trịnh Thanh Phong

Tin cùng chuyên mục