Ơi sông Lô...

- Những cơn rối loạn tiền đình xuất hiện tần suất ngày một dày, mặc người nhà ngăn cản,  tôi vẫn nhất định đi Yên Nguyên và Vị Xuyên. Biết có lần sau nữa hay không mà dùng dằng.

Yên Nguyên, xã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, hơn mười di tích lịch sử cấp quốc gia; Vị Xuyên gắn với nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, với những địa danh  “Lò vôi thế kỷ”, “Cao điểm Một năm xương trắng”.  Hai nơi ấy đâu chỉ với riêng tôi mà hẳn là nằm trong khảm bao nhiêu người khác nữa.

Hơn một giờ, xe đã tới Đồng Vàng. Bàn chân chạm mặt đường, kỷ niệm ùa về ào ạt như dòng chảy. Xưa kia, lối vào đất cát pha luôn khô ráo, bây giờ đường bê tông rộng hơn, vẫn nguyên cảm giác ấy. Ngôi nhà hai tầng xây trên nền cũ thay cho ngôi nhà cột gỗ, mái lá. Vườn trước, vườn sau luống mía, vồng khoai sạch cỏ, vun cao. Nhà vắng, cửa khép hờ. Ở đây, nếp xưa vẫn thế. Hàng xóm láng giềng phi nội tác ngoại, người người đối với nhau như thể một nhà, làm gì phải mất công đóng cửa cài then. Bâng khuâng đẩy cửa bước vào, bày đĩa quả, lấy nước vào lọ cắm hoa, đánh diêm, thắp nhang. Đứng trước ba bức hình, hàng trên là vợ chồng chủ nhà xưa; hàng dưới là chân dung anh bộ đội trẻ măng, nét mặt tươi tắn, phía phải là Bằng Tổ quốc ghi công. Nghẹn ngào khấn niệm tỏ niềm thương nhớ ba con người đã đi xa, vừa xong, quay ra thì tôi thấy một phụ nữ trung tuổi bước vào. Chị nhìn tôi, vẻ thảng thốt, lại nhìn lên bàn thờ thấy nhang bén gần đến chân đang còn tỏa khói, biết rằng người lạ này vào nhà đã lâu.

Minh họa: Bích Ngọc

 Để chị khỏi ngỡ ngàng, tôi lên tiếng trước: 

- Chị Liên vừa về?   

Chưa hết ngạc nhiên, mất một lúc lâu chị mới nói:

- Cháu hỏi không phải, ông là thế nào với nhà này mà lại đến thắp hương ạ?      

Chỉ lên ba tấm hình trên tường bàn thờ, tôi nói: 

- Tôi tên Mạc, gọi hai người trong bức hình treo ở hàng trên bằng anh, chị.

Chừng vẫn chưa thật rõ mối quan hệ giữa tôi với gia đình, Liên tất tả pha nước mời, lại hỏi: 

- Ông cũng biết cả tên cháu nữa?  Cháu về ở nhà này đã hơn hai mươi năm, chưa nghe bố mẹ cháu có người em như ông nói.    

- Được rồi chị ngồi xuống đi.

*

Chủ nhiệm hợp tác xã Đồng Vàng là anh hùng lao động ông Bàn Hồng Tiên. Nhà có hai cô con gái rất xinh đang tuổi dậy thì. Cô chị tên Tâm, cô em tên Xuân, trai chưa vợ thấy ở đó không được tự nhiên, nên tôi đến ở nhà phó chủ nhiệm. Anh tên Nhượng, họ Nguyễn, dáng vẻ giống một công chức hay một thầy giáo hơn là một nông dân miền núi. Nghe kể cha anh quê dưới xuôi. Hồi Tây thực dân mộ phu mở đường đi Đầm Hồng để khai thác kẽm, anh làm cai lục lộ, tức là quản lý dân phu làm đường. Anh lấy chị Lụa, người sở tại, đường xong, thì không đi làm cho Tây nữa. Chị Lụa thì đúng như tên gọi, xinh đẹp mềm mại, nhanh nhẹn, nói năng dịu dàng. Có lẽ nhan sắc trời cho, tính tình hiền hậu mẹ cha truyền lại ấy đã níu chân anh cai lục lộ. Anh chị chỉ có một con trai là Toàn. 

Có thời gian tôi ở nhà này cả tháng trời.  Không hiểu sao chị Lụa không gọi tôi là chú như thường thấy mà lại gọi bằng cậu. Rồi anh Nhượng cũng gọi theo thế. Còn Toàn gọi cậu xưng cháu. Người ngoài cứ tưởng chị em ruột. Chiều chiều hai cậu cháu lủng lẳng mỗi người bốn cái bắng ra suối Nhụng ngay sau nhà  gánh nước. Ngày ấy nước suối trong veo, nhìn thấy cá bơi,  mọi nhà đều dùng nước suối cả ăn uống, tắm giặt. Nhiều hôm nhà đợi cậu cháu đem cá về làm canh mới ăn cơm. Ngày không làm chuyên môn, tôi theo anh chị đi nương, tra bắp, vun khoai. Hết đợt công tác về cơ quan, một hôm thấy có người đem đến một túi ngô nếp, bẹ còn xanh nguyên. Đó là một tài xế xe khách. Người đó nói, chị Lụa dặn gửi cho cậu Mạc ở ty Văn hóa. Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ đặt ra là Xây dựng Yên Nguyên trở thành điển hình phong trào văn hóa các tỉnh miền núi toàn miền Bắc. Từ sau đó, nhất là sau khi thành lập tỉnh Hà Tuyên thì tôi ít có dịp qua lại nhà này, có hay tin cháu Toàn đã đỗ vào trường đại học tài chính, chuyên ngành kế toán. 

Liên lắng nghe, nét mặt xúc động. Đợi tôi ngừng lời mới hỏi:  

-  Ông gặp cháu khi nào ạ?       

-  Được rồi để tôi kể, trước ngày Toàn lên đường, nhà có nhắn qua người quen,  bảo cậu Mạc về dự liên hoan tiễn cháu Toàn nhập ngũ.

Nhận tin này, tôi cũng hơi bất ngờ, bụng nghĩ, nhà con một, thuộc diện miễn hoãn, lại chưa có vợ con mà anh chị cũng đồng ý cho đi bộ đội. Chị được nhận về làm con chính ngày hôm ấy. Mẹ nuôi chị nói với tôi: “Thật may cậu ạ. Cháu Toàn nhập ngũ, anh chị nhận cháu Liên về làm con, cho sớm tối vui cửa vui nhà,  lúc trái nắng trở trời có con sai bảo đỡ đần. Mai ngày Toàn hoàn thành nhiệm vụ trở về thì tìm nơi tử tế gả chồng cho Liên. Vợ chồng Liên muốn ở gần thì cho đất làm nhà”.  Tuy lâu không gặp nhưng gương mặt chị vẫn mang những nét hồi trẻ. Với lại, ai có thể là chủ nhà này ngoài chị.

 Liên rưng rưng nghe chuyện cũ, cuối cùng nói:    

- Cháu cảm ơn ông. Đâu ngờ ông là người thân thiết với cha mẹ cháu và anh Toàn đến thế. Xin ông đừng gọi cháu bằng chị nữa được không ạ?

- Ông cảm ơn cháu đã coi ông là người nhà.

*

 “Anh nhìn sang đấy, tôi nhìn sang đây, sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy dồn” là hai phía đối phương trước cuộc chiến.  Phía ta, tiền tuyến liền với hậu phương, phức tạp thêm do chỗ dân cư hai bên biên giới thân tộc, thông gia, đan cài. Tiếng súng chát chúa xen lẫn sự âm thầm của những chuyến buôn lậu. Cuộc chiến nào cũng gây thương vong cho cả hai phía, dù là phía chính nghĩa, hay phía phi nghĩa.

...Bầu trời đen sầm. Mây vần vũ nặng nề chở đầy nước xối xả dội xuống. Trung tuần tháng Bảy ta, tháng mưa nhiều nhất trong năm, đây lại là rốn mưa. Con sông Lô về mùa đông nước trong ngời ngợi, nhìn rõ cả những hòn cuội trắng tinh khôi dưới đáy. Nhưng lúc này là một dòng sông khác. Mặt sông mênh mang như biển. Mực nước áp vở, đây đó đã tràn bờ, tạo ra dòng chảy mới cũng không kém hung hãn. Mặt sông ngầu đỏ, đặc quánh phù sa, lừng lững cổ thụ nguyên thân cành rễ, nghềnh ngàng vướng vào cáp treo khiến cây cầu rung lên từng đợt như trong cơn địa chấn. Sau mấy lần dập dềnh chao đảo, cuối cùng,  cổ thụ lừng lững trôi qua gầm cầu. Dòng sông chẳng khác con mãng xà không lồ thở dốc, lúc nín hơi, con nước vẻ bằng lặng. Phút sau lại ầm ầm, là lúc mãng xà phóng mình rượt đuổi con mồi. Giữa lúc đó, một anh bộ đội, lưng đeo chiếc ba lô bọc vải che mưa, khẩu súng trường khoác vai, áo mưa rộng trùm đầu, trùm cả ba lô, cả súng. Nhìn cây cầu chênh vênh, oằn oại phía dưới là dòng sông cuộn chảy, anh dừng chân, chần chừ, định quay lại. Một giây có lẽ nhanh hơn thế anh mạnh mẽ bước lên.  Mặt cầu, rồi cả thân cầu tròng trành, chao nghiêng, anh như người đánh võng chao theo, suýt ngã. Vội khom người định bám lấy thanh gỗ sàn. Nhưng có một phản lực rất mạnh đẩy bật trở lại. Những tiếng rắc rắc nghe  buốt óc. Có quay lại cũng không được nữa. Con quái vật nổi cơn giận dữ quật đứt dây cáp đầu cầu phía bên kia. Trong chớp mắt,  anh và một nửa thân cầu phía đó chìm xuống dòng nước.  

*

Người đàn bà luống tuổi ngồi bất động như pho tượng, đầu đội chiếc nón lớp lá lợp ngoài mấy chỗ rách bươm. Đôi mắt chị ướt nhòa, chăm chắm nhìn theo phía dòng chảy... Đó là chị Lụa.

Đã hai ngày trôi qua từ sau giây phút dòng sông nổi cơn thịnh nộ cuốn đi người lính vừa tròn tuổi hai mươi. Tin dữ được thông báo đến nhân dân dọc sông Lô, đơn vị đã cử lực lượng không phải phiên trực chia nhau ra tìm kiếm. Sau cơn cuồng nộ, dòng sông ngầu đỏ phù sa mệt mỏi hạ mực nước. Cơ hội tìm người không còn trong muôn một. Mưa vẫn lúc xối xả, lúc ngừng rơi... Thoảng khi màn mây muôi mỏng đi giây lát rồi lại ùn tới phủ đen bầu trời. 

Chợt chị đứng lên bước thẳng lều chỉ huy. Tưởng chị đã chịu vào trú mưa, chỉ huy đơn vị kéo vội chiếc ghế bạt gấp mời ngồi. Chị không ngồi, chỉ ngả nón, lau nước mắt nói giọng trầm trầm:

- Thưa chỉ huy. Ba ngày qua bộ đội dầm mình dưới nước lạnh. Có người đã cảm sốt. Không nên để bộ đội phải chịu vất vả thế này mãi. Tìm người không thấy chỉ e lại mất thêm. Đơn vị đã hết lòng tìm kiếm đồng đội. Song sông nước mưa gió thế này thật khó đem lại kết quả. Vì thế đề nghị chỉ huy ra lệnh cho bộ đội rút về, ngừng việc tìm kiếm. Chỉ có một nguyện vọng là, dù chưa tìm thấy thi hài em nhưng xin đắp cho em nó ngôi mộ. Gọi lấy nơi cho linh hồn tụ về bên gia đình đồng đội.

 Chỉ huy đơn vị nói:                                                                                        

-  Xin chia sẻ cùng bà nỗi đau của người mẹ mất con. Cũng xin thay mặt chiến sĩ toàn đơn vị cảm ơn bà đã đề nghị dừng tìm kiếm để bộ đội sớm trở lại mặt trận. Nguyện vọng của gia đình sẽ được thực hiện ngay.   

Xế chiều. Mưa đã tạnh hẳn. Trời quang mây. Triền núi bên kia sông phản chiếu nắng vàng rực rỡ. Thiên nhiên hối hận về cơn nóng giận bất thường vừa qua, muốn tạ lỗi đã làm nên màn phông lộng lẫy tiễn đưa người lính.

Ngôi mộ đắp cách phía đầu cầu chưa bị đứt cáp, một nửa thân cầu còn trụ lại. Chính chỗ này đã ghi dấu những bước cuối cùng trên đường ra trận của Toàn. Một tiểu đội bồng súng xếp hàng trước mộ. Bộ đội, đại diện chính quyền và nhân dân sở tại đứng chật khu đất.    

 Người chỉ huy bước lên đứng trước hàng quân, xúc động nói:                                                                                             

- Thưa bà Hoàng Thị Lụa, thưa các chiến sĩ toàn đơn vị, thưa các đồng chí đại diện cấp ủy chính quyền cùng toàn thể bà con. Hôm nay, chúng ta tập trung tại đây để vinh danh và tiễn đưa một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vừa anh dũng hy sinh.  

Dừng lời giây lát, người chỉ huy ra lệnh:     

 - Phủ quốc kỳ lên mộ liệt sĩ!

*

Tháng Bảy năm nay, dự báo thời tiết không mấy ngày nào nhiệt độ chạm ngưỡng ba mươi bẩy độ, nắng gay gắt. Ông cháu tôi đến Đạo Đức, xã phía nam Vị Xuyên trời đã nhạt nắng. Gió sông mơm man xua đi nóng nực ban ngày. Nhìn thấy ngôi mộ xây khá to, mới được quét vôi trắng tinh tươm, nổi lên giữa thảm cỏ xanh rờn, quanh mộ nhiều chân hương còn mới, cháu Liên bỏ tôi lại phía sau, chạy vội lên trước. Đến nơi, đọc hàng chữ ghi đầy đủ quê quán, đơn vị, ngày hy sinh, chắc chắn đấy là mộ anh mình mới đặt hoa, thắp hương. Đợi tôi đến, cháu hỏi:                                                                                        

- Thế có hài cốt anh cháu trong mộ không ạ?

  Chợt nghĩ, chị tôi ít chữ nghĩa, không hiểu sao lúc đó nghĩ ra được việc đắp mộ không hài cốt. Chỉ có thể là do tình mẫu tử mách bảo. Thấy tôi chưa trả lời, cháu Liên như sợ có điều khó nói, hết nhìn ngôi mộ lại nhìn tôi. Cuối cùng tôi cũng phải nói sự thật.

 - Cháu ơi, ngày anh cháu hy sinh, trời mưa sầm sập, nước sông tràn bờ, liền mấy ngày bộ đội, nhân dân hai bờ sông xuôi dòng mãi tận ngã ba Việt Trì nhưng tìm không được nên phải đắp mộ gió để làm lễ truy điệu. 

- Mộ gió là thế nào hả ông? Cháu không hiểu.

 - Là trong mộ không có hài cốt, mộ tượng trưng. Nhớ một ngày giỗ anh Toàn, mẹ cháu dặn thế này: “Cậu nói với đơn vị cùng bà con nơi đây, đừng làm ngôi mộ khác trong nghĩa trang. Cứ để nguyên thế. Cháu hy sinh ở nơi này, linh hồn cháu sẽ về đây nương náu”.

 Chị ơi!  Lời chị đã được làm theo, mộ cháu vẫn ở đó, được xây cất vững chắc.  Cây cầu bê tông vững chãi hai làn xe thay cho cầu treo năm xưa. Cây cầu này sẽ  nối với đường cao tốc đang gấp rút thi công. Rồi đây, trên con đường xuyên biên giới, ngày đêm hàng đoàn xe nối nhau chuyên chở hàng hóa, giao thương giữa hai đất nước.

Lặng nhìn dòng sông mùa lũ đang cuồn cuộn, bất giác tôi thầm gọi:  

- Ơi sông Lô, hãy chỉ giùm ta, xương cốt người liệt sĩ tên Nguyễn Văn Toàn nằm lại nơi nào? Dù ở đâu, gần hay xa thì sông hãy bao bọc như đất mẹ Việt Nam bao bọc bao người con hy sinh cho ấm no hạnh phúc của nhân dân.

Truyện ngắn: Phù Ninh

Tin cùng chuyên mục