Sức sống của đề tài nông thôn

- Từ lâu, dòng sáng tác về nông thôn luôn được khơi nguồn và hòa mình vào dòng chảy văn học tỉnh nhà. Đây là một đề tài không mới thế nên để tạo sự hấp dẫn các cây viết cần biết cách tìm đường đi mới mẻ, lôi cuốn. Thời gian qua, các tác giả xứ Tuyên đã tạo dựng một phong cách riêng, cách nhìn khác lạ tạo nên bức tranh muôn màu của văn học nông thôn.

Vẻ đẹp người nông dân miền núi luôn là niềm cảm hứng của nhà văn xứ Tuyên. Ảnh: Hà Ngọc Hà

Nhắc đến đề tài nông thôn, độc giả cả nước luôn nhớ đến một tác giả gạo cội xứ Tuyên, đó là nhà văn Trịnh Thanh Phong. Cuộc đời gắn bó với người nông dân “một nắng hai sương” nên tác phẩm của ông luôn thao thức, trăn trở với những thân phận, mảnh đời lầm lũi ấy. Đọc tiểu thuyết Trịnh Thanh Phong, độc giả nhận thấy đây là một ngòi bút có trách nhiệm, tâm huyết với xã hội.

Bức tranh làng Lộc (Ma làng), làng Bâm Dương (Ông Mãnh về làng), làng Thông (Đồng làng đom đóm), làng Rồng, bản Vòn (Cổ tích đời người)... được tác giả tái hiện sinh động. Trong đó, tiểu thuyết Ma làng được viết năm 2002 và tạo nên “cơn sốt” khi được chuyển thể thành phim dài tập phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Tác phẩm là bức tranh nông thôn miền núi trong “đêm trở dạ” trước ngày đổi mới. Đó là những thói tục xưa cũ, lối sống làng xã truyền thống, những toan tính nhỏ nhen, manh mún. Năm 2011, Trịnh Thanh Phong tiếp tục chắp bút viết tiểu thuyết Ông mãnh về làng. Tiểu thuyết tái hiện cuộc sống của làng quê Bâm Dương với biết bao bi hài trước thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Với cách viết mộc mạc tự nhiên, ngôn từ gần gũi với người nông dân, tiểu thuyết Trịnh Thanh Phong đã tạo sự sức hấp dẫn tựa như ma lực khiến người đọc không thể bỏ dở chừng.

Nhà văn Vũ Xuân Tửu khá đầu tư và tâm huyết với mảng đề tài nông thôn. Tiểu thuyết Chuyện trong làng ngoài xã được ví như một cuộn phim sinh động tái hiện bức tranh nông thôn miền núi và miền xuôi ở nhiều giai đoạn lịch sử, từ năm tháng chiến tranh đến cuộc sống hôm nay. Với giọng kể của ngôi thứ nhất, giọng văn giản dị, gắn liền với cuộc sống thường ngày nên rất gần gũi và dễ chạm vào trái tim người đọc.

Các hội viên Phân hội Văn học Tuyên Quang trong chuyến đi thực tế viết về nông thôn.

Tác phẩm gửi đến thông điệp, dù ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn thế nào người nông dân vẫn luôn giữ phẩm chất tốt đẹp, luôn kiên cường vượt qua biến cố để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, bình an. Tác phẩm độc đáo bởi lối viết linh hoạt, sử dụng nhiều ca dao, tục ngữ, dân ca.  Tiểu thuyết được tái bản 2 lần và được nhiều sinh viên lựa chọn làm đề tài bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Cuộc sống và sự biến chuyển của bức tranh nông thôn trong xã hội ngày nay được nhiều tác giả thể hiện sinh động, đặc sắc.

Tác giả Ngọc Hiệp tạo dấu ấn ở mảng đề tài này với nhiều bút ký nhẹ nhàng tựa như một bài thơ. Với khoảng trên 100 bài thơ, bút ký về người nông dân, nông thôn mới hôm nay. Điển hình như: Phù Lưu nay đã phong lưu, Đường xuân rộng mở, Năng Khả nhiều khả năng...

Ngọc Hiệp khéo léo biến những số liệu khô khan với giọng văn uyểnchuyển: “Dọc theo hai bên đường là màu xanh của rừng cây, đồi cam nên nắng hè dịu mát cảm giác như nắng mùa thu. Nằm tựa lưng vào dãy núi Cham Chu, phía trước nhìn ra sông Lô cuộn chảy, vì thế mà đất Phù Lưu cây cối tốt tươi, khí hậu trong lành”(Phù Lưu nay đã phong lưu).

Đôi khi cách dẫn dắt khá dí dỏm: Tôi cười và nói vui với anh: - “Về với thôn Chè 6 của các anh, đi mãi mà chẳng thấy đồi chè nào”. Anh không ngần ngại trả lời luôn: “Thôn Chè 6 chúng em bây giờ đã chuyển hướng rồi. Từ cây chè sang cây bưởi và chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn. Cơ chế thị trường, sản xuất nông nghiệp cái gì thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao là bà con nông dân chúng em thay đổi hết...” (Sắc xuân Lưỡng Vượng).

Còn rất nhiều cây viết giàu kinh nghiệm xông pha ở mảng đề tài này. Những trang viết giàu cảm xúc, vui mừng trước sự đổi thay cuộc sống người nông dân. Từ những con đường bê tông mọc lên, ngôi nhà cao tầng khang trang, những triệu phú nông dân tự tin trước thời đại 4.0. Nhiều bút ký mang hơi thở cuộc sống khiến người đọc như được chứng kiến những điều thú vị, hấp dẫn, mới mẻ của vùng quê cách mạng.

Ta đến với cảm xúc ngập tràn tự hào về làng quê của người dân trong tác phẩm Đường quê rộng mở, Con đường ý Đảng lòng dân của Nguyễn Hữu Dực. Hay cảm nhận được nỗ lực vươn mình của người nông dân miền núi ở Sức sống vùng đất khó của Tạ Bá Hương. Niềm vui của người nông dân khi được Nhà nước đầu tư hạ tầng trong Điện về bản Nà Ta và Chi Thiết xây dựng nông thôn mới của Đỗ Anh Mỹ...

Hiện thực đổi thay ở nông thôn trong đời sống hôm nay luôn là mảng đề tài hấp dẫn, phong phú để các văn nghệ sỹ khai thác. Mỗi tác giả mang đậm một phong cách riêng, cách nhìn khác lạ tạo nên bức tranh muôn màu của văn học nông thôn xứ Tuyên.

Tin cùng chuyên mục