Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thành phố Tuyên Quang nơi có hàng chục ngôi đền nổi tiếng đang ngự trị, Dương Đình Lộc bị mê hoặc vào điệu chầu văn trau chuốt và trang nghiêm. Rồi Lộc cũng tự tập hát, song hát chầu văn hay cũng không phải chuyện dễ. Người hát chầu văn ngoài lòng say mê và sự nỗ lực thì cần phải có kiến thức và kinh nghiệm về âm nhạc, văn hóa tín ngưỡng, cũng như kỹ năng trình diễn và sáng tác. Để thỏa lòng đam mê ý nguyện của mình, Dương Đình Lộc đã mất một thời gian dài “khăn gói quả mướp” xuống Phủ Dầy, Nam Định để theo các thầy học hát chầu văn.
Trong quá trình học hát chầu văn, Lộc được các nghệ nhân hướng dẫn về kỹ thuật hát, cách phát âm và cách diễn đạt cũng như được giới thiệu về lịch sử, tín ngưỡng và truyền thống của hát chầu văn. Các thầy đều nhấn mạnh, hát chầu văn cũng đòi hỏi người hát phải có sự tôn trọng và đạo đức cao đối với các giá trị văn hóa tín ngưỡng. Ngoài ra người hát chầu văn phải sử dụng thành thạo đàn nguyệt, phách.
Dương Đình Lộc cho rằng, hát chầu văn hay còn được gọi là hát văn hay hát hầu đồng là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền và một phần tín ngưỡng thờ Mẫu của văn hóa Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Nhờ sử dụng lời ca mang tính tâm linh mà chầu văn được coi là hình thức âm nhạc mang ý nghĩa thần thánh. Hát chầu văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các trung tâm của hát văn là Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội.
Nhà văn Dương Đình Lộc.
Thời kỳ thịnh vượng nhất của chầu văn vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, với các cuộc thi được mở ra thường xuyên nhằm lựa chọn người hát cung văn. Tuy nhiên, từ năm 1954, hát chầu văn dần dần bị mai một vì hầu đồng bị coi là mê tín dị đoan và bị cấm. Tưởng chừng như dấu chấm hết cho chầu văn sẽ đặt tại đây, tuy nhiên vào năm 1990 loại hình nghệ thuật này lại phát triển mạnh mẽ trở lại, cùng với các trung tâm hát văn như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam… Hiện tại nghi lễ thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ, giúp cho chầu văn có cơ hội phát triển. Điều này thể hiện giá trị văn hóa lớn lao của chầu văn và sự gìn giữ, phát huy, truyền bá loại hình nghệ thuật này là việc làm cần thiết đối với các thế hệ tương lai.
Khác với chèo, hát chầu văn không cần nhiều người, thường thì một đội gồm 3 người. Một hoặc hai người hát, còn một người phụ trách phần nhạc. Nếu lễ hầu đồng lớn có thể có phường bát âm, lên tới 8 người phục vụ. Các nghệ nhân chầu văn thường được trả tiền theo hình thức “hát quả” từ người tham dự các nghi lễ tín ngưỡng. Trong trường hợp này, người hát sẽ nhận được một số tiền từ người đóng góp để cảm ơn sự biểu diễn của họ.
Tuy nhiên, các nghệ nhân chầu văn thường thực hiện công việc này với tinh thần tâm linh và lòng trung thành với nghề nghiệp của mình và không quá quan tâm đến việc nhận được bao nhiêu tiền cho công việc của mình. Trình tự thực hiện nghi lễ hát chầu văn phục vụ hầu đồng có thể chia thành bốn phần chính: Mời thánh nhập, kể sự tích và công đức, xin thánh phù hộ, đưa tiễn. Bài hát thường chấm dứt với câu: “Thánh giá hồi cung!”.
Lời văn trong hát văn cũng phổ từ thơ ca dân gian và tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ. Các bài văn hát thường sắp xếp như một câu chuyện về xuất xứ của thánh và tôn vinh công đức, kỳ tích của ngài. Câu văn tuy có vần điệu, niêm luật không chặt chẽ như một bài thơ nhưng khi đọc lên mọi người đều cảm nhận được chất thơ của bài văn. Giai điệu của hát văn khi thì mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khỏe khoắn vui tươi. Chất thơ của bài văn đó được nâng lên cao tuyệt đỉnh trong không khí tâm linh thành kính, khấn vái xuýt xoa, khói hương nghi ngút, có dàn nhạc, lời ca phụ họa, đưa đẩy và các điệu múa thiêng của Thánh thể hiện qua người hầu đồng.
Với tính chất này hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi dùng trong nghi lễ mà hát văn cũng được coi như một hình thức ca nhạc dân gian vui tươi lành mạnh và có thể đưa ra công diễn trước đông đảo quần chúng. Với sự đề cao những mô hình nhịp điệu có chu kỳ, âm nhạc hát chầu văn giống như những vũ điệu của thánh thần, dìu dặt và mê hoặc lòng người. Cả cung văn cùng những người có mặt đều như tỉnh như say trong sự hòa quyện đồng điệu.
Bên cạnh việc diễn tấu những khúc nhạc không lời với vai trò độc lập, đàn nguyệt có nhiệm vụ dẫn dụ giọng điệu và nâng đỡ cho lời ca tiếng hát. Giai điệu tiếng đàn, giọng hát chầu văn có một sức quyến rũ đặc biệt. Dập dìu trên nền nhịp phách lúc ẩn lúc hiện, nhiều làn điệu mang đậm tính trữ tình, như dáng vẻ của những gì ngọt ngào, mềm mại, thân thương, rất nữ tính của Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tam, Tứ phủ.
Hiện nay nhà văn Dương Đình Lộc thường theo các giá hát chầu văn tại các đền Hạ, Thượng, Ỷ La, Cấm, Ghềnh Quýt (TP Tuyên Quang) với vai hát chính. Không những tham gia hát văn ở các ngôi đền của thành phố, mà Dương Đình Lộc còn đi hát ở các ngôi đền ngoài tỉnh, tập trung ở khu vực miền Bắc.
Anh cho biết, sau nhiều năm say mê và khổ luyện đến nay tự mình có thể biểu diễn đủ các bài văn cho các giá hầu đồng với rất nhiều bài hát dài, ngắn, kim, cổ khác nhau. Theo anh, trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, nếu nói đến số lượng lớn nhất cần có của một dàn nhạc thì người ta sẽ nghĩ ngay đến dàn nhạc cung đình. Thế nhưng nếu tính đến một cuộc diễn xướng dài nhất thì có lẽ đó chính là dàn nhạc hát văn trong các lễ thức hầu đồng.
Vì thế các cung văn thường phải có một thể lực và một giọng hát khỏe mới theo được nghi lễ hầu đồng. Ở những nhóm cung văn thuộc đẳng cấp “nghệ nhân”, nhiều làn điệu họ có thể hát song ca hay đồng ca ăn khớp. Hát chầu văn hay rất khó, vì nó có 13 điệu hát khác nhau, phù hợp từng giá hát vui hay buồn, nhanh, chậm mà cung văn thể hiệnn
Gửi phản hồi
In bài viết