Những vần thơ đi cùng tuổi trẻ

- “Thanh xuân giống như một cơn mưa, dẫu từng bị cảm vì tắm mưa thì bạn vẫn muốn quay lại đó một lần nữa”… Đó là câu nói mà nhiều người đồng tình khi đã và đang bước qua tuổi trẻ. Bởi thanh xuân là những tháng năm tươi đẹp với biết bao hoài bão và khát vọng cống hiến. Và hành trình đó là nguồn cảm hứng để nhiều nhà thơ gửi gắm tiếng lòng cho thế hệ trẻ.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn quan tâm và dành nhiều tình cảm sâu sắc đối với lớp lớp thanh niên, Người dành nhiều tâm huyết cho việc tổ chức, dẫn dắt các thế hệ trẻ đến với cách mạng. Vào năm 1951, ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, từ An toàn khu Định Hóa, Bác Hồ đi kiểm tra việc sửa chữa đường Thái Nguyên - Cao Bằng, thăm lực lượng Thanh niên xung phong, các đơn vị vận tải và kho tàng dọc tuyến quốc lộ 3. Chiều 30-3-1951, khi thăm phân đội Thanh niên xung phong 312, tại đây Bác đã đọc tặng bài thơ 4 câu: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

Bác đọc xong tất cả đồng thanh nhắc lại, tiếng thơ ngân vang núi rừng. Những vần thơ ấy đã trở thành niềm động viên to lớn, trở thành lời hiệu triệu thanh niên với quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người cho rằng, thanh niên luôn phải tự mình nâng cao chí khí, quyết tâm, rèn luyện bản lĩnh vững vàng để thực hiện được những khát vọng, ước mơ và hoài bão lớn lao.

Nhiệt huyết sức trẻ luôn là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sỹ sáng tác.

Cũng với nguồn cảm hứng cổ vũ, động viên ý chí, quyết tâm của người trẻ, Tố Hữu có khá nhiều tác phẩm đặc sắc. Những bài thơ đầu tiên của Tố Hữu được viết trong “máu lửa”, gông cùm, “xiềng xích” tạo được ảnh hưởng rộng lớn đối với nhiều tầng lớp công chúng xã hội, đặc biệt tầng lớp thanh niên.

Trong bài Một khúc ca xuân của Tố Hữu chia sẻ: “Nếu là con chim, chiếc lá/Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/Lẽ nào vay mà không trả/Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” (Một khúc ca xuân).

Đoạn thơ với giọng điệu nhẹ nhàng, giàu chất tự sự mang đến người đọc nhiều cảm xúc và suy tư. Nhà thơ Tố Hữu mượn hai thực thể chiếc lá và tiếng chim để minh họa cho quan niệm của mình. Tạo hóa đã tạo ra loài chim và ban cho chúng giọng hót tuyệt vời thì cũng có nghĩa rằng đã là chim thì phải hót và tương tự như vậy, chiếc lá thì phải xanh. Và con người chúng ta cũng vậy phải làm gì để cho xã hội, cho Tổ quốc? Đặc biệt là thế hệ trẻ làm gì để không hổ danh thế hệ rường cột của nước nhà. Đó là luôn phải biết nỗ lực hết mình để đáp lại công lao, sự kỳ vọng của gia đình, nhà trường và xã hội; sẵn sàng cống hiến, hy sinh bản thân mình bảo vệ, dựng xây quê hương, đất nước bình yên, giàu mạnh.

 Cũng với thông điệp nhắn nhủ tuổi trẻ cống hiến, tác giả Thanh Hải gửi đến người đọc với giọng thơ tha thiết, thủ thỉ qua tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ”. Từ những cảm xúc về mùa xuân, tác giả đã chuyển mạch thơ một cách tự nhiên sang bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm của mình về lẽ sống, về ý nghĩa, giá trị của cuộc đời mỗi con người: “Ta làm con chim hót/Ta làm một cành hoa/Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến”.

Làm “con chim hót” giữa muôn ngàn tiếng chim vô tư, cống hiến tiếng hót vui, làm “một cành hoa” giữa vườn xuân rực rỡ, làm “một nốt trầm” giữa bản hòa tấu muôn điệu, làm “một mùa xuân nho nhỏ” góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung. Mỗi người hãy làm một mùa xuân, hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh túy để cống hiến. Và thông điệp mà thi nhân muốn gửi gắm cho thế hệ hôm nay và mai sau rằng hãy: “Lặng lẽ dâng cho đời/Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc”.

Xuyên suốt hành trình thi ca cổ vũ lòng nhiệt huyết cho tuổi trẻ, các tác giả xứ Tuyên có nhiều bài thơ mang đến nhựa sống tích cực hun đúc nhiệt huyết tuổi trẻ thông qua nhiều thi phẩm như: Vào mùa thi của Trần Xuân Việt, Anh ở đâu của Phạm Thúy Mơ, Lửa hàn đêm sông Lô của Nguyễn Bình, Nói với con của Huyền Nhung, Hoài bão của Bích Hậu…

Tác giả trẻ 9x Tạ Thanh Hà mang đến một giọng thơ đầy nhiệt huyết, như lời nhắn nhủ đến người trẻ về sự vươn mình, cống hiến dựng xây quê hương. Chúng ta luôn giữ trọn vẹn lòng tự hào được sống nơi mảnh đất hình chữ S - nơi có những người anh hùng, người lính đã không tiếc thân mình bảo vệ non sông. Chúng ta tự hào về lịch sử oai hùng, người Việt cần cù, chịu thương chịu khó, đoàn kết một lòng. Tất cả đó là điểm tựa để mỗi người trẻ tiến bước vươn lên: “Ôi tuổi trẻ cứ thẳng đường tiến bước/Chẳng quản khó khăn bởi niềm tin đã chọn/Tình yêu quê hương, yêu đất nước vô bờ/Là nỗ lực, là sức mạnh, là điểm tựa tương lai” (Khát vọng trong tôi).

Cũng mang dòng tự sự, gửi gắm thế hệ trẻ, nhà thơ lão làng Nguyễn Kim Thanh thể hiện cảm xúc qua bài thơ: “Tài năng duyên dáng”. Đó là tiếng lòng người đã bước qua gần 1 thập kỷ với những thăng trầm cuộc sống, nhắn gửi rằng: Thế hệ trẻ là quãng thời gian vô giá và mang đến nhiều trải nghiệm ý nghĩa thế nên hãy dám sống, dám nỗ lực, cống hiến hết mình. Bài thơ là khúc ca ước vọng, lời nhắn nhủ của người cha, người ông dành cho người con, người cháu hãy luôn biết rèn giũa để trở thành người có tài, có đức, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng: “Đỏ rực mầu cờ trường lớp yêu thương/Đất nước ta bước sang trang sử mới/Đem đức tài mở mặt non sông/Nguyện hết mình xứng danh với cha ông/Trách nhiệm, niềm tin nắm giữ tương lai”.

Tuổi trẻ là quãng thời gian đẹp nhất của đời người, là món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng. Những dòng chảy thi ca viết về tuổi trẻ được ví như nguồn nhựa sống hun đúc nhiệt huyết, tạo khí thế phấn khởi để lớp lớp thanh niên hôm nay và mai sau vững tin cống hiến cho quê hương, đất nước.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục