Tiếng thơ ngày độc lập

- Mỗi độ thu về sống lại trong mỗi chúng ta những cảm xúc đẹp gắn với những sự kiện trọng đại của đất nước. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, từ Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Những xúc cảm trong ngày lễ trọng đại đó luôn là mạch nguồn cảm hứng cho văn nghệ sỹ. Nhiều bài thơ đã trở thành bất hủ để mỗi lần đọc lại chúng ta như được sống lại trong khoảnh khắc thiêng liêng.

Một tiết mục tại Liên hoan các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng của thế hệ trẻ Tuyên Quang Chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9 (1945 - 2023).

Bao nhiêu năm đợi chờ, ngày lịch sử cũng đã đến! Ngày 2-9-1945, giữa Quảng trường Ba Đình tràn ngập cờ đỏ sao vàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đã có rất nhiều vần thơ, ca khúc viết về thời khắc lịch sử ấy. Những câu thơ nói hộ cả “muôn triệu trái tim” dân tộc Việt Nam: “Hôm nay sáng mồng Hai tháng Chín/Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín/Bỗng vang lên tiếng hát ân tình/Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!/Người đứng trên đài, lặng phút giây/Trông đàn con đó, vẫy hai tay/Cao cao vầng trán, ngời đôi mắt/Độc lập bây giờ mới thấy đây”. (Ngày mồng 2 tháng 9).

Nhà thơ Tố Hữu không dùng nhiều thủ pháp khi viết thi phẩm này, mọi thứ được tuôn trào bằng cảm xúc. Bởi khi muôn triệu trái tim Việt Nam ngóng chờ và đón chào phút giây thiêng liêng: Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, thì xung quanh đó mọi thứ đều lặng yên kể cả loài chim cũng… nín! Không nhân cách hóa đâu, tất cả là sự chân thực, tự nhiên nhất. Đồng bào lặng im để chỉ nghe mỗi lời Bác, muôn triệu con tim như cùng nhịp đập hướng đến khoảnh khắc thiêng liêng.

Cũng trong niềm cảm xúc mãnh liệt đó, nhà thơ Xuân Thủy đã viết những câu thơ thật xúc động tái hiện hình ảnh của Bác Hồ kính yêu nghiêm trang, uy nghi trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập. Sau hơn 80 năm trời nô lệ, đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam mới giành được độc lập, niềm vui sướng và hạnh phúc vỡ òa như được tái sinh: “Trên Chính phủ lễ đài lồng lộng/Hồ Chí Minh hiện ra/Ka ki bộ áo hiền hòa… Hợp quần sức mạnh vô song/Nghe tôi nói, có rõ không đồng bào/Thưa rõ lắm trời cao đất rộng/ Lời mỗi lời rung động tâm can/Chao ôi! Nước mất nhà tan/Hôm nay lại thấy giang san bốn bề”. (Ngày độc lập).

Bác đúng nghĩa như một người Cha dưới ngọn bút tài tình của nhà thơ cách mạng Tố Hữu. Chân dung Người hiện lên với khí phách anh hùng mà vô cùng gần gũi, thân thương. Mỗi một người đều mang hình ảnh Bác trong tim! Mỗi lần kêu lên tên Bác là mỗi lần xúc động; là mỗi lần như được tiếp thêm sức mạnh diệu kỳ: “Giọng của Người không phải sấm trên cao/Thấm từng tiếng ấm vào lòng mong ước/Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”. (Sáng tháng Năm).

Tiết mục văn nghệ quần chúng chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9 (1945 - 2023) tại xã Minh Dân (Hàm Yên).

Hòa vào âm hưởng hào hùng ấy, cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi có những câu thơ như reo vui, khẳng định chủ quyền dân tộc. Bức tranh đất nước độc lập, niềm hân hoan hạnh phúc được thi sỹ tái hiện đầy cảm xúc: “Mùa thu nay khác rồi…/Trời xanh đây là của chúng ta…/Xiềng xích chúng bay không khóa được/Trời đầy chim và đất đầy hoa/Súng đạn chúng bay không bắn được/Lòng dân ta yêu nước thương nhà/Súng nổ rung trời giận dữ/Người lên như nước vỡ bờ/Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. (Đất nước).

Câu thơ gợi đến sự giao hòa giữa niềm vui của con người và niềm vui của đất trời trong ngày độc lập. Bằng cách sử dụng nhịp điệu mạnh mẽ và ngắn, ông đã hòa nhập cái tôi của mình với cái chung của cả dân tộc, và sử dụng hai từ “chúng ta” để nói đến cảm giác kiêu hãnh, tự hào. Đây là sự thay đổi về cách xưng hô so với thời Pháp thuộc, khẳng định một công dân tự do của một đất nước độc lập.

Hồi ức về “Ngày Độc lập 2/9/1945”  trích trong “Tuyển tập Xuân Diệu, 1987” có đoạn viết, trong biển người đổ về Ba Đình hôm đó, có thi sĩ Xuân Diệu. Thi sĩ Xuân Diệu nhớ như in lần đầu tiên được trông thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh từ xa tắp. Bác đội một cái mũ màu trắng đã ngả vàng, đi đôi dép cao su, tay cầm chiếc gậy cong đầu như cái cán ô. Bộ quần áo kaki màu vàng, rất ấn tượng. Khi cất tiếng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, thì được nghe một giọng nói đặc biệt như hãy còn pha các thứ giọng trên thế giới, một giọng hãy còn phảng phất chiến khu rừng núi. Và cảm xúc đó đã viết nên thi phẩm “Ngọn Quốc kỳ” với những câu thơ hào sảng, đầy năng lượng: “Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!/Những ngực nén hít thở ngày độc lập/Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp!/ Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca/Bốn nghìn năm trông mặt mẹ không già… (Ngọn quốc kỳ).

Nhiều độc giả say đắm những thi phẩm thơ tình xuất bản trước năm 1945 của Xuân Diệu - chàng thi sĩ với những nỗi buồn trong áng thơ tình: “Hôm nay, trời nhẹ lên cao/Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn…”. Thế nhưng ngày hôm nay lại có thể trở thành tác giả của tráng ca “Ngọn Quốc kỳ” đầy chất sử thi, hào hùng. Và chắc chắn rằng chỉ có cách mạng mới có thể chuyển đổi điều kỳ diệu ấy!

Thế hệ trẻ được sinh ra khi đất nước hòa bình ấm no luôn cảm thấy biết ơn, trân quý nền tự do độc lập. Và mỗi lần đọc những vần thơ đầy hào khí lại trào dâng nhiều cung bậc cảm xúc và đầy kiêu hãnh tự hào, về ý nghĩa trọng đại về ngày độc lập 2-9. Những vần thơ bất hủ đó mãi là minh chứng lịch sử quý giá để thế hệ đời sau khắc ghi công lao to lớn của cha ông đi trước, quyết tâm phấn đấu dựng xây đất nước Việt Nam mãi trường tồn.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục