Biết mấy tự hào

- 50 năm đã trôi qua, nhưng niềm vui về ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong mỗi người con đất Việt. Đã có lớp lớp chàng trai, cô gái trong độ tuổi mười tám đôi mươi tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu và hy sinh anh dũng. Đã có những người mẹ, người vợ tiễn chồng, con ra trận, không còn nước mắt để khóc người thân đã hy sinh... Nhưng khi đất nước đón ngày vui toàn thắng, tất cả cùng hòa ca “Ngày vui như trong đêm mơ... Biết mấy tự hào, Cờ sao đang tung bay cao...”. Và hôm nay cũng thế, niềm tự hào lại dâng lên gấp bội.

Một thời máu lửa

Những ngày cuối tháng 4 đầy ý nghĩa, trong căn nhà của Cựu chiến binh La Đức Kế, thông Đồng Lũng, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) không khí trở nên ấm áp và tấp nập hơn bao giờ hết. Những câu chuyện về tháng năm đầy gian khổ và hào hùng của cuộc chiến được sống lại trong tiếng cười và cả những giọt nước mắt. Dù đã 81 tuổi nhưng ông Kế vẫn giữ được dáng người khỏe khoắn, nhanh nhẹn của người lính trinh sát đặc công năm xưa. Ông tâm sự rằng, lính trinh sát đặc công là nỗi khiếp sợ của quân địch. Trước khi mở các đợt tấn công, lính trinh sát như ông Kế phải đi trước để dò đường đi, phát hiện mìn do địch gài cắm và nắm được những điểm nào có địch mai phục, vẽ lại sơ đồ đường đi… Bởi vậy, lính trinh sát cũng rất dễ hy sinh.

Cựu chiến binh chia sẻ những câu chuyện lịch sử với các em học sinh trường THPT Nguyễn Văn Huyên.

Giọng ông Kế trở nên trầm ấm khi nhớ lại những trận đánh chấn động. Ông chia sẻ: “Tôi đã cùng đồng đội tham gia tiến đánh một số mục tiêu quan trọng, trong đó có trận tấn công, phá hủy, làm tê liệt hoạt động của Căn cứ Ra - đa Phú Lâm ở ngoại ô Sài Gòn. Chiến thắng này không chỉ làm tê liệt hoạt động của địch mà còn là một phần quan trọng trong thắng lợi chung của dân tộc vào ngày 30/4/1975. Nghe tin chiến thắng từ đài phát thanh, cả đơn vị lặng im, nhiều người rơi nước mắt. Đó là những giọt nước mắt tràn đầy cảm xúc, bởi chúng tôi đã chờ đợi khoảnh khắc ấy rất lâu rồi”.

Trong câu chuyện chia sẻ với các em học sinh trường THPT Nguyễn Văn Huyên, ông Bùi Minh Tuyên, tổ 12, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang), người chiến sỹ bộ binh năm xưa không giấu được những giọt nước mắt khi nói về những ngày tháng chiến đấu, những ký ức hào hùng và cả những mất mát đau thương. Ông Tuyên nhớ, nhiệm vụ của đơn vị ông đó là phải đánh được địch ra khỏi cầu, nhưng vẫn phải giữ được cầu để các cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn. Trong trận đánh bảo vệ cầu Sáng, đơn vị của ông phải chuyển từ lối đánh bí mật sang lối đánh thẳng, địch chống cự ác liệt, 6 đồng đội của ông ngã xuống, trong đó có 5 đồng đội cùng quê Tuyên Quang với ông, còn bản thân ông bị thương ở trán nhưng ông vẫn cầm súng tiếp tục chiến đấu. Giây phút ấy, ông chỉ nghĩ, ông phải chiến đấu cho cả phần những đồng đội đã hy sinh và phải trở về, để thắp cho đồng đội mình một nén hương thơm, báo tin chiến thắng.

Kỷ vật chiến tranh được Cựu chiến binh Nguyễn Đức San, thôn 7, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) giữ gìn qua năm tháng.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Tuyên Quang có 12.760 người lên đường tham gia nhập ngũ. Nhiều người con Tuyên Quang lập công xuất sắc được Chính phủ, Quân đội phong tặng các danh hiệu cao quý. Tiêu biểu như các Anh hùng lực lượng vũ trang: Lương Sơn Tuyết, Hoàng Thế Cao, Triệu Tiến Xuân..., nhưng cũng có rất nhiều người đã nằm lại nơi đất mẹ mãi mãi không trở về.

Nước mắt người ở lại

Bao nhiêu người lính đã nằm lại chiến trường là ngần ấy những bà mẹ khóc con, những người vợ khóc chồng, người thân khóc người thân... Bà Phan Thị Nụ, vợ Liệt sĩ Lê Công Tấn, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) là một trong gần một triệu người vợ, người mẹ cả nước phải chung nỗi đau ấy. Hai vợ chồng bà có 2 người con, khi chồng mất các con đứa lên 4, đứa lên 2. Là một người quân nhân, bà nén nỗi đau thương, ở vậy thờ chồng. Nhớ lại những ngày tháng ấy, bà không khỏi nghẹn ngào, bà kể: “Các con còn quá nhỏ để hiểu chuyện, nỗi đau mất chồng bà âm thầm níu lại trong tim, cố gắng vượt qua khó khăn nuôi dưỡng các con nên người. Lúc ấy, do đặc thù công việc, bà phải nay đây, mai đó, từ Lào Cai rồi đến Thái Nguyên, các con phải gửi họ hàng chăm sóc hộ, xong việc bà mới có thể đón về”. Các con chính là động lực cho bà cố gắng, thay chồng vừa làm mẹ, vừa làm bố không có khó khăn nào bà không vượt qua, để đến hôm nay, bà được sống hạnh phúc, sum vầy bên con cháu.

Cựu chiến binh thôn Cầu Bâm, xã Sơn Nam (Sơn Dương) phụ trách tuyến vườn hoa tự quản trên địa bàn thôn.

Hay câu chuyện về người Mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Giã tiễn 3 người con trai đi chỉ còn duy nhất 1 người trở về, Mẹ Nguyễn Thị Nhớn tiễn 1 người con trai duy nhất đi lính và nằm lại nơi chiến trường, vẫn làm nhói lòng mỗi khi được nhắc đến… Những nỗi đau, mất mát ấy chắc chắn không gì có thể bù đắp được.

Những nỗi đau ấy được các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Mỗi đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có những việc làm ý nghĩa như: Thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, tổ chức bữa cơm tri ân..., thể hiện sự tri ân sâu sắc công lao của các Mẹ, các gia đình có công với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Xứng đáng người lính cụ Hồ

50 năm sau ngày giải phóng, mang theo ký ức của những ngày chiến đấu gian khổ, mất mát đau thương, Cựu chiến binh Nông Hải Dự, tổ dân phố Tân An, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) vẫn đau đáu những ngày chiến đấu oanh liệt, nhất là những đồng đội đã ngã xuống qua mỗi trận chiến cam go, khốc liệt. Nhiều thông tin đồng đội đã hy sinh được ông ghi chép cẩn thận từ tên, năm sinh, địa điểm chôn cất.

Ông Dự tâm sự: “Được gia đình ủng hộ, năm 2013, ông bắt đầu hành trình đi khắp các chiến trường cũ để hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tìm kiếm thông tin, kết nối làm thủ tục đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà. Ông đã đi cùng thân nhân liệt sĩ trở lại chiến trường miền Nam, cùng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ K70 (Cục chính trị, Quân khu 7) tìm kiếm những đồng đội còn nằm lại. Suốt những năm qua, ông đã trực tiếp gửi trên 5.000 bức thư đến các gia đình thân nhân liệt sĩ, Hội Cựu chiến binh các tỉnh để phục vụ công tác tìm kiếm thi hài liệt sỹ, qua đó đã kết nối được hơn 500 thân nhân liệt sĩ lần đầu tìm mộ. Ông còn lập trang Facebook cá nhân để kết nối, liên lạc với bạn bè, đồng đội cũ và sử dụng để đăng tải cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ giúp các gia đình ở xa có được thông tin hữu ích đó”.

Gia đình bà Phan Thị Nụ, vợ Liệt sĩ Lê Công Tấn, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).

Câu chuyện về một thời hoa lửa được chính những người lính năm xưa chia sẻ đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay. Cựu chiến binh Trần Xuân Tạng, thành phố Tuyên Quang đã trực tiếp tham gia chiến dịch  giải phóng Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ đánh chặn địch tại căn cứ Đồng Dù không cho địch co cụm về Sài Gòn. Những trận chiến ấy  được ông Tạng kể lại cho thế hệ trẻ thông qua các buổi nói chuyện nhân dịp kỷ niệm 30-4, 22-12 hằng năm. Ông Tạng hy vọng thông qua các buổi nói chuyện sẽ giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về tình yêu nước, biết ơn các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc.

Những người lính năm ấy trở về địa phương, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, vẫn từng ngày, từng giờ miệt mài cống hiến, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày thêm tươi đẹp. Hội Cựu chiến binh thôn Cầu Bâm, xã Sơn Nam (Sơn Dương) có hơn 30 hội viên nhưng có đến hơn 10 hội viên có mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao như: Sản xuất chè, nuôi ong lấy mật, nuôi vịt lấy trứng, kinh doanh… Kinh tế ổn định, các cựu chiến binh tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội như: Xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp; ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, góp phần giúp thôn Cầu Bâm không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, nhiều hoạt động tri ân được đồng loạt diễn ra trên địa bàn tỉnh. Hội Cựu chiến binh tỉnh đã tổ chức cho các hội viên về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, nơi có những đồng đội đã nằm lại vì hòa bình của dân tộc. Các hoạt động giao lưu, nói chuyện về lịch sử; thăm, giáo dục truyền thống tại các địa chỉ đỏ được tổ chức đồng loạt tại các trường học thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Đồng chí Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ được triển khai đa dạng với nhiều hoạt động. Thông qua các hoạt động tuyên truyền giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về truyền thống cách mạng của Đảng, quê hương, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tin của thế hệ trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng”.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là “mốc son bằng vàng” tạc vào lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Chiến tranh đã qua đi nửa thế kỷ nhưng âm hưởng hào hùng của một thời đánh Mỹ, thắng Mỹ vẫn mãi là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Hoàng Trang

Tin cùng chuyên mục