Tượng đài về hoàng đế cuối cùng của Etiopia

- Hoàng Đế của nhà văn Ba Lan Ryszard Kapuscinski được xuất bản thành sách lần đầu năm 1978. Hoàng Đế được in trên 20 lần tại Ba Lan và được dịch ra hơn 40 thứ tiếng, giúp Ryszard Kapuscinski trở thành một trong hai nhà văn Ba Lan có tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới. Tác phẩm được Thư viện sách New York bầu chọn vào danh sách 150 cuốn sách hay nhất thế kỷ và được Nhà xuất  bản Lao động dịch và giới thiệu đến độc giả Việt Nam năm 2018.

 

Với Hoàng Đế, Ryszard Kapuscinski không chỉ tạo được danh tiếng nhờ tài năng của mình mà còn “chứng minh một cách thuyết phục rằng phóng sự văn học không chỉ là văn học đích thực, nó còn mang trong mình những giá trị rất lớn, đặc biệt là trong một thế giới không ngừng thay đổi”.

Tác giả đã từng chia sẻ về đứa con tinh thần của mình rằng, “Trong đời chỉ có thể viết được một cuốn sách loại này. Ý tưởng chỉ xuất hiện một lần và không bao giờ lặp lại, bởi nếu lặp lại thì coi như thất bại. Hoàng Đế được viết từ một tình huống khá đơn giản. Khi đó, tôi đã là người viết phóng sự có thâm niên ở châu Phi 10 năm. Tôi đã viết rất nhiều phóng sự, hay có, dở có, rất khác nhau. Khi tôi được cử đi Ethiopia để viết về cuộc nổi dậy ở đây, tôi nghĩ sự kiện này là một cuộc đảo chính quân sự bình thường. Tôi đã thu thập tài liệu để viết loạt bài phóng sự như thường lệ. Nhưng khi trở về nước, tôi cảm thấy không thể viết như kiểu đã viết trước đây. Trong cuốn Hoàng Đế, ông vua Ethiopia thực sự không xuất hiện. Đây là cuốn sách về đám quần thần của ông và người đọc có thể nhận ra một điều: những người dưới quyền có thể tạo ra một chế độ độc tài như thế nào”.

Hoàng Đế được chia thành ba phần chính: Ngai Vàng, Đi Đi & Sụp Đổ. Ngoài ra còn có một phần nhỏ về những ngày cuối cùng của hoàng đế Ethiopia Hajle Sellasje. Cho đến cuối cùng, Hajle Sellasje vẫn luôn coi mình là hoàng đế của Ethiopia. Kể cả khi ngài đối diện với quân đội cách mạng đang chĩa họng súng vào mình, kể cả khi ngài bị quản thúc trong lâu đài cổ Menelika nằm trên vùng đồi gần thủ đô Addis Abeda.

Trong suốt 44 năm trị vì, ngài đã phạm sai lầm, từ việc tuyển chọn người phục vụ triều đình chỉ để thỏa mãn nỗi trống rỗng trong tâm hồn và tình yêu bản thân. Hoàng đế Hajle Sellasje không tuyển chọn quan lại dựa trên sự thông minh, chính trực. Ông cần những kẻ phục tùng trung thành. Họ có thể tham lam, dối trá, ích kỷ, vô học nhưng miễn sao trung thành, họ được là cận thần được kề cận với vành tai của hoàng đế.

Mặc dù chỉ gần 300 trang nhưng Hoàng Đế vẫn là một cuốn sách lịch sử thời kỳ của Hajle Sellasje đồ sộ với những sự kiện lịch sử nối tiếp nhau và lượng thông tin khổng lồ. Cuốn sách không bày tỏ sự phê phán hay ngợi ca, cũng không thể hiện sự tiếc thương hay hờ hững. Tượng đài về hoàng đế đã được tạc xong, nhưng đó không phải là tượng đài bất hủ mà là tượng đài của hủ hóa. Mọi nhà cầm quyền đều có khao khát được lưu danh thiên cổ, được tạc tượng, nhưng họ thường hay quên rằng không phải nhà điêu khắc, mà mỗi hành vi của họ sẽ góp phần tạc thành bức tượng trong lòng dân chúng.

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục