Tình người, tình đời trong “Gáy người thì lạnh”

- Tập tản văn “Gáy người thì lạnh” của tác giả Nguyễn Ngọc Tư do Nhà Xuất bản Trẻ phát hành năm 2017 là những câu chuyện ngắn chất chứa tình người, tình đời.

31 tản văn trong cuốn sách là những hồi ức của tác giả về mảnh đất và con người miền Tây. Ở đó có hình ảnh người mẹ, người ông, người bạn, những em nhỏ… phải vất vả mưu sinh, cuộc sống thiếu thốn nhưng vẫn luôn tràn ngập tình yêu thương và niềm tin vào cuộc sống. Qua đó, người đọc sẽ cảm nhận được sâu sắc hơn tình cảm gia đình, tình cảm giữa con người với con người trong cuộc đời còn lắm xô bồ, rối ren… “Ờ thì cái phận người của chúng ta cũng mỏng manh vậy, mà ham sống thôi là ham, tôi nghĩ bụng”.

Đọc cuốn sách chúng ta bắt gặp nỗi niềm day dứt của tác giả về những mảnh đời bất hạnh. Đó là những ông hành nghề vá nồi niêu xoong chảo, vá dép, vá chài… ở cái thời thiếu thốn mà cái gì cũng phải vá; những đứa bé sống cô đơn không nơi nương tựa ở góc chợ phải xin ăn từng ngày… Ai đã từng bắt gặp, rồi suy ngẫm và mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ những mảnh đời ấy: “Bao nhiêu người đã từng đi qua, chứng kiến những thân phận nhỏ bé khốn khổ. Dù ngoái lại, dù áy náy, dù thấy thương và bất an… nhưng chậc, mình lại phải đi rồi”.

Đặc biệt với cái nhìn tinh tế, sự quan sát tỉ mỉ, khung cảnh thiên nhiên miền Tây đã hiện lên qua từng trang viết của nhà văn một cách chân thực, gần gũi. Đó là những dòng kênh, rạch bị bóp nghẹt dòng chảy bởi hai dãy nhà san sát; giàn bông giấy cứ rực lên dưới nắng, những giàn phơi “càng về gần cuối năm càng bận rộn”… Hay những địa danh đã đi vào ký ức, để mỗi khi nhắc đến tác giả lại thấy bồi hồi như: Khâu Băng, Rừng Lạnh, Khâu Phạ, Cành Nàng, Đồng Bụt, Thứ Mười Một… Để rồi, đi qua hết những tháng năm khó khăn, vất vả, nghèo khó, mỗi người sẽ cảm nhận được mọi cảnh đẹp trên đất nước mình, quê hương mình “không phải vì cảnh đẹp”, mà đơn giản vì nơi đó đem đến cho bạn sự bình yên trong tâm hồn.

Đọc tập tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, mỗi chúng ta như muốn sống chậm lại để cảm nhận, để nhớ về những kỷ niệm buồn có, vui có. Qua đó, tự mình so sánh cái được, cái mất, những gì đã qua, những gì vẫn đang tồn tại và phát triển. Và trên hết là biết trân trọng tình cảm gia đình, biết vun đắp tình người cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục