Một lòng một dạ cùng thi ca

- Khi nhắc đến nhà thơ Trần Khoái, bạn văn chương luôn thể hiện sự quý mến một con người nhiệt huyết nồng nàn với thi ca. Bất cứ cuộc đàm đạo nào, thi sỹ già luôn thể hiện hết mình, cháy hết mình, đam mê trong từng tác phẩm. Tất cả như khiến bao người được truyền lửa, truyền tình yêu thơ một cách mãnh liệt.

Một thế giới văn chương lấp lánh

Nhà thơ Trần Khoái có cả một thời tuổi trẻ gắn bó với nhiều thế hệ học sinh trường THPT Tân Trào, Tuyên Quang. Những năm gian khổ đó thầy và trò từng phải đi sơ tán tránh máy bay giặc Mỹ ném bom. Sau Hiệp định Pari - 1973, trường lại về thị xã xây dựng mới. Hơn hai mươi năm gắn bó với Tuyên Quang ông luôn một lòng, một dạ thương yêu học trò và thăng hoa vào mỗi bài giảng, “truyền lửa” lớp lớp thế hệ học sinh.

Nhà thơ Trần Khoái

Ông có thật nhiều bài thơ dành riêng cho những người học trò với đủ các cung bậc, các câu chuyện, các nỗi niềm buồn, vui: “Tôi đi tìm mùa hạ/ Nơi có cơn mưa học trò/Em ướt áo/Nơi có loài hoa trong mưa cháy đỏ/Tiếng trống tan trường áo trắng bâng khuâng”  (Đi tìm mùa hạ).

Với thầy Khoái, dạy văn là công việc khá vất vả, không chỉ đơn thuần người thầy giáo lên lớp giảng dạy tác phẩm văn học và còn phải thổi hồn vào đó niềm say mê học văn dành cho học trò. Dạy Văn là dạy làm người, người thầy phải dạy cho học trò những kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống, để các em vững bước trên đường đời.

Thế hệ các học trò đều thừa nhận rằng thầy Khoái là người rất cá tính, giảng văn như là người dắt nhân vật, hoàn cảnh, sự đời về trước mắt mình, dễ nhớ, dễ hiểu. Trong giờ học thì nghiêm như quan võ nhưng ra ngoài lại vui rộn chan hòa với học trò như người thân. Thầy truyền tình yêu thi ca, yêu quê hương đất nước vào những bài giảng. Thầy giảng bài, thầy làm thơ với câu chữ “neo đậu” vào tâm hồn thế hệ trẻ: “Huyền thoại Tổ quốc tôi/ Là ngựa sắt tràn lên xác giặc/Là nỏ thần hàng vạn mũi tên bay/Là tiếng đàn Thạch Sanh đẩy lui binh hùng, tướng mạnh/Niêu cơm nấu gạo sông Hồng xới mãi không vơi” (Huyền thoại tổ quốc).

Bên cạnh tình yêu nghề, hết lòng tận tụy vì học trò, Trần Khoái còn là một thi sỹ tràn đầy nhiệt huyết. Năm 2019, ông chính thức trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nói về ông, nhà văn Trịnh Thanh Phong luôn dành thái độ kính trọng, mến yêu: “Khi tỉnh thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật Tuyên Quang, Trần Khoái là một trong những hội viên sáng lập, có nhiều đóng góp tích cực cho mọi hoạt động của Hội nhất là tờ báo Tân Trào. Trần Khoái sáng tác thơ, bình thơ đều sôi nổi. Mỗi kỳ báo ra, mỗi ấn phẩm của hội được xuất bản ông đều tham gia nhận xét, đánh giá sâu sắc cả cái hay, cái dở của tác phẩm với mong muốn làm sao cho văn nghệ Tuyên Quang ngày càng phong phú và phát triển. Làm được bài thơ nào hay là ông nhoàng đến hội, gọi mọi người đến đọc say sưa, đọc xong rồi mới gửi cô văn thư chuyển cho ban biên tập. Có ông đến, cơ quan văn phòng hội rộn rã hẳn lên. Vui, thơ văn tràn ngập khắp ngôi nhà. Thế nên khi ông chuyển vùng về xuôi, mỗi khi hội có kỳ cuộc nhất là trong các đêm thơ nhạc, mọi người thường ca cẩm, vắng Thầy giáo Trần Khoái, mất hết cái tưng bừng sôi động...”.

“Miền xa” - miền ký ức êm đềm

Gia tài văn chương của Trần Khoái hiện có 2 trường ca Chìm nổi làng quê, Quê làng và tập thơ Miền xa được tái bản nhiều lần. Hiện nay ông đã về quê hương Vĩnh Phúc sinh sống thế nhưng tâm hồn vẫn vương nặng với xứ Tuyên. Chính vì thế Miền xa ra đời như một lẽ tự nhiên. Đó là sự gom nhặt xúc cảm tình yêu một thuở, tình yêu quê nhà, tình yêu “miền gái đẹp”. Đó là những kỷ niệm tháng năm tuổi trẻ và những khắc khoải, rung động sau những lần trở lại mảnh đất nghĩa tình này: “Tôi trở về gặp mùa vải bên sông/ Chim tu hú trong vòm xanh gọi nắng/Cầu - dải - yếm chông chênh bến cát/ Tôi muộn mằn chẳng dám đặt chân” (Đứng trước dòng sông).

Tập thơ Miền xa của nhà thơ Trần Khoái.

Ngôi trường bên sông ấy gắn liền với những mùa trong đục của dòng Lô. Trong thơ ông có hương di lăng mang nắng chiều vàng. Có tiếng sóng vỗ chuyến phà Nông Tiến. Có màu xanh áo thợ và hơn hết là màu phượng đỏ, tiếng ve ngân... Con sông Lô oai hùng đã chảy dọc một thời trai trẻ, mang nhiều khát vọng, tình yêu của thầy giáo, nhà thơ Trần Khoái. Và cũng từ cảm xúc đó, ông làm nên một thi phẩm đặc sắc Đêm trăng sông Lô. Lời thơ lấp lánh, giàu nhạc điệu, hình ảnh sống động như bức họa tươi sáng: “Người xuống phà nhường nhau từng bước/ Vai áo nào cũng có trăng theo/Để lòng em luống những vui theo/Như đợt sóng dàn lên bờ cát/Êm dịu thế một làn gió mát/Tóc em bay bối rối bờ vai”.

Thơ không chút cầu kỳ cứ êm đềm như dòng sông mùa thu hiện lên cảnh vật, con người trong nhịp sống vừa tấp nập vừa nền nã hiền hậu một nét Tuyên đậm đà bản sắc văn hóa. Tác phẩm được nhạc sỹ Trần Công Khanh phổ nhạc tạo nên giai điệu đi cùng năm tháng, làm giàu kho tàng âm nhạc Việt Nam. Đây không những chỉ là thành quả trong sáng tạo nghệ thuật mà chính là những gì ông nâng niu, ôm ấp từ trái tim tràn ra thành những kỷ niệm gửi lại đất Tuyên qua nhiều năm ông gắn bó.

Miền xa là tập thơ của hoài niệm của khát vọng một người thơ lục tìm mảnh ký ức thân thương. Ở đó những tiền bối, bạn văn chương luôn được nhắc đến với thái độ trân trọng, mến yêu. Nhiều bài thơ ông thân thương dành tặng cho nhà văn Lan Khai, nhà văn Đinh Công Diệp, nhà thơ Gia Dũng, nhà thơ Mai Liễu... Và mỗi lần trở lại xứ Tuyên, tâm hồn ông như trẻ lại, xao động cùng với những kỷ niệm đất và người nơi đây: “Thành Tuyên/Tôi về/Người có nhận ra không/Mà tưng bừng đến thế/Chưa sang hạ ve đã ran ran phố/Chưa mùa mưa sông Lô đã đỏ dòng” (Thành Tuyên ngày trở lại).

Với ông thơ không phải là cái gì xa lạ mà chính là tấm lòng, tấm lòng chân thực với điều mình yêu, mình ghét. Con người ông là vậy. Thẳng thắn và đằm thắm nên thơ ông chân thật, tươi sáng giàu kỷ niệm lại thấu đáo mọi lẽ đời: “Ít có dịp về thăm/Nhưng lòng luôn gửi nhớ/Đường bờ sông phượng đỏ/ Vẫn cháy hoài trong tôi” (Về Tuyên).

Hiện nay nhà thơ Trần Khoái đã trở về quê hương Vĩnh Phúc sinh sống và nghỉ hưu. Thế nhưng hồn thơ ấy vẫn luôn khắc khoải nhớ về một xứ Tuyên êm đềm, tươi sáng. Và khi được trò chuyện cùng ông, ai nấy đều cảm nhận giọng nói nhiệt huyết, đôi mắt lấp lánh, trái tim cháy bỏng hướng về một miền ký ức bình yên thời trai trẻ.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục