Một buổi ngoại khóa về sách của Trường Tiểu học Phan Thiết. Ảnh: Quang Hòa
Lâu nay văn học thiếu nhi vẫn được xem là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn học đương đại. Những khúc đồng dao, truyện cổ tích, bài thơ, truyện ngắn... luôn là món ăn tinh thần bồi đắp tâm hồn cho trẻ nhỏ. Suốt một chặng đường dài, nhiều nhà văn Việt Nam đã dành trọn tâm huyết cho những sáng tác dành cho các em như Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Phùng Quán, Huy Cận, Nguyễn Nhật Ánh... Các tác phẩm “kinh điển” sống mãi với tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ trẻ em Việt Nam như: “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi), “Quê nội” (Võ Quảng), “Chuyện hoa, chuyện quả” (Phạm Hổ), “Búp sen xanh” (Sơn Tùng), “Kính Vạn Hoa” (Nguyễn Nhật Ánh), “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần)...
Những năm gần đây xuất hiện một số gương mặt mới, ít nhiều đạt được dấu ấn và thành tựu bước đầu: Lý Lan, Quế Hương, Lê Hữu Nam, Lãm Thắng, Nguyên Hương, Trần Đức Tiến, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Kim Hòa... Tuy nhiên trên thực tế, số lượng người viết chuyên tâm về mảng thiếu nhi lại không nhiều. Đa phần các tác giả thi thoảng nhảy qua viết một vài tác phẩm thiếu nhi để tự làm mới chính mình, hầu hết mối quan tâm, sự đầu tư là dành cho văn học người lớn.
Tại Tuyên Quang, điểm lại trên văn đàn xứ Tuyên, từ nhiều năm trở lại đây, một số tác giả cho ra đời tập sách viết cho thiếu nhi. Tiêu biểu như: “Cuộc phiêu lưu của Chấm anh” (Lê Ngọc), “Jerry lên rừng học hái thuốc nam” (Đỗ Anh Mỹ), tập thơ đố “Con gì nhăn nhó suốt ngày”, “Nhớ về Lũng Cú” (Cao Xuân Thái), tập thơ “Giấc mơ của bé”, “Phiên chợ trên sân” (Hoàng Kim Yến)...
Là một trong những người thường viết về thiếu nhi, tác giả Đỗ Anh Mỹ, Phân hội trưởng Phân hội Văn học Tuyên Quang nhận định, sự thiếu vắng nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi có thể lý giải bởi nhiều nguyên do. Trước hết, trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển nở rộ, các hình thức giải trí đi kèm vô cùng phong phú khiến văn hóa đọc của thiếu nhi bị thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó, một số cây bút đang ở độ tuổi khao khát thể hiện mình, văn học thiếu nhi quá “nhẹ đô”, chưa “xứng tầm” để họ khẳng định tài năng. Ở một phương diện khác, quan niệm văn học thiếu nhi chỉ là mảng phụ khiến không nhiều tác giả không mặn mà với đề tài này.
Những cuốn truyện tranh thiếu nhi thiết kế nghệ thuật, nội dung gần gũi thu hút độc giả nhí.
Còn nhà thơ Cao Xuân Thái lại cho rằng, khi xuất hiện đối tượng độc giả mới với nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ khác, không ít người viết tỏ ra lúng túng trong việc lựa chọn lối viết và hình thức trình bày phù hợp. Một số tác phẩm vẫn còn nặng tính chất hoài cổ, giáo huấn, chưa bắt kịp tinh thần, tâm lý thời đại, khiến độc giả nhí cảm thấy xa lạ.
Từ năm 2020, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện nhiều cuộc thi, vinh danh tác phẩm đề tài thiếu nhi. Điển hình như giải thưởng Khát vọng Dế mèn, Giải thưởng Sách Quốc gia... Từ các cuộc thi xuất hiện nhiều tên tuổi “gieo mầm xanh” cho mảng đề tài này. Một số tác giả nổi bật như Cao Khải An, sinh năm 2009 với tác phẩm “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm”, từng đoạt giải Dế mèn lần thứ nhất năm 2020; tác giả Cao Việt Quỳnh, sinh năm 2008 với tác phẩm “Người sao Chổi”, tác giả Nguyễn Hoàng Vũ, sinh năm 1993 với bộ sách tranh 4 cuốn “Khác biệt mới tuyệt làm sao”.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây các Nhà xuất bản đã khuyến khích phát hành dòng sách tranh, artbook (sách nghệ thuật) cho trẻ nhỏ. Những cuốn sách được minh họa màu rất đẹp đã dần thu hút được các bạn nhỏ, mang đến sự khởi sắc cho văn học thiếu nhi. Điển hình như sách tranh: “Ai ở sau lưng bạn thế?”, “10 chú ếch”, “Pao và những người bạn”... Các tác phẩm được trang trí bắt mắt, nghệ thuật, nội dung đơn giản mà mang tính nhân văn, giáo dục cao.
Rõ ràng văn học thiếu nhi không còn là câu chuyện của riêng các em. Mỗi tác phẩm có giá trị được ví như một người thầy bồi dưỡng tâm hồn và định hướng cho các em trong cuộc sống. Hy vọng rằng trong thời gian tới, độc giả nhí cả nước sẽ được thưởng thức món ăn tinh thần từ những tác phẩm văn học gần gũi, giàu giá trị nghệ thuật và nhân văn sâu sắc.
Gửi phản hồi
In bài viết