Từ hừng đông mặt trời còn chưa kịp ló rạng thì những cơn mưa lũ lượt kéo đến, mưa giông gió lớn mấy cành cây va vào nhau rồi không chịu được rẩy rụng rớt xuống đất. Dì năm nhìn mớ rau đã được chất đầy cái xịa đặt trên chiếc xe đạp cũ kỹ mà thở dài.
"Mưa này không bán buôn gì được thì lấy cái gì mà ăn đây".
"Trời mưa to quá má hé, con nghe đâu lại có bão đổ bộ vào".
Thủy nhìn xe rau của má rồi lại nhìn trời đang mưa to mà cũng sầu não thả hồn trôi theo những giọt nước mưa ngoài hiên.
***
"Thủy, anh xin lỗi nhưng cha má anh lớn tuổi rồi, anh lại là con một cho nên…".
"Em hiểu mà… một đứa con gái tật nguyền như em làm sao xứng đáng có được hạnh phúc nữa".
Thủy vừa tốt nghiệp đại học sư phạm được mấy ngày thì không may gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cuộc đời vốn dĩ rạng rỡ hạnh phúc khi Thủy sẽ làm lễ ăn hỏi vào cuối tháng cùng với Hưng nhưng bánh xe cuộc đời rẽ ngang, bão tố ập đến cướp đi đôi chân của Thủy. Một cô gái duyên dáng thướt tha với tà áo dài chuẩn bị ngày ngày đến lớp truyền dạy điều hay lẽ phải cho các bạn nhỏ, bỗng chốc phải nương tựa vào xe lăn đến suốt quãng đời còn lại. Ước mơ hoài bão mất đi cứ nghĩ vẫn còn tình yêu ủi an xoa dịu nỗi đau mất mát. Thế mà ngày Thủy xuất viện cũng là ngày Hưng nói lời chia tay. Thủy hụt hẫng đau khổ khóc nức nở nhưng lại không dám níu kéo Hưng.
Minh họa: Bích Ngọc
Thủy rời Sài Gòn trở lại quê nhà, vùng quê nghèo chỉ thấp thoáng vài căn nhà tường ngói đỏ. Trẻ em ở đây cũng ít có đứa nào được học đến nơi đến chốn, Thủy ngày xưa nếu không được đoàn từ thiện từ nơi khác đến giúp đỡ chỉ sợ rằng không đủ điều kiện để lên thành phố học. Những ngày học đại học ở nơi xa, vì hoàn cảnh khó khăn, vì muốn đỡ đần cho má ở quê đỡ khốn khó hơn. Thủy vừa học vừa làm, chi tiêu tiết kiệm, cố gắng học tập để mỗi năm đều giành được học bổng. Cứ ngỡ sẽ quay về giúp cho những bạn nhỏ ở quê mình được học tốt hơn bằng chính chuyên môn của mình thế mà cuộc đời thật trớ trêu.
***
"Mưa lớn quá, bây ở nhà cẩn thận cửa nẻo".
Dì năm mặc áo mưa đầu đội nón lá đã sờn màu tưa rách chuẩn bị dắt chiếc xe rau ra khỏi nhà.
Thủy hoảng hốt giữ xe dì năm lại, bên ngoài mưa to gió lớn, chẳng biết khi nào cây lớn sẽ ngã, cành cây lại bất ngờ rơi làm sao Thủy có thể yên tâm để dì năm ra khỏi nhà. Thủy đã không có cha, chỉ còn hai mẹ con lầm lũi sống với nhau. Thủy rất sợ má lại đột ngột rời bỏ mình.
"Má ở nhà đừng đi, mưa lớn nguy hiểm lắm".
"Không đi thì mớ rau này biết làm thế nào?".
Thủy cắn môi rồi lại nhìn xuống hai chân tật nguyền của mình. Giá mà Thủy có đôi chân lành lặn thì hay biết mấy, Thủy có thể đội mưa thay má đi bán hết chỗ rau kia.
"Giông bão người ta không đi chợ được chắc là bán hết nhanh thôi. Bây ở nhà nấu cơm, có khi cơm còn chưa chín má về rồi đó”.
Thủy nhìn theo bóng dì năm khuất dần trong màn mưa càng lúc càng nặng hạt mà lặng lẽ rơi nước mắt.
***
Dì năm cực khổ nuôi Thủy khôn lớn ăn học thành tài, ngày Thủy làm lễ tốt nghiệp đại học, dì năm bán hết mớ rau dành dụm tiền lên Sài Gòn dự lễ chúc mừng cho Thủy. Dì năm còn chơi lớn mua bó hoa hướng dương xinh đẹp được bán trước cổng trường đem tặng cho Thủy. Mọi điều tốt đẹp dì năm đều mong muốn dành hết cho đứa con gái bé nhỏ duy nhất của mình. Dì năm đặt rất nhiều kỳ vọng vào Thủy, ước mong Thủy sẽ có cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn. Lúc đi bán rau gặp ai dì cũng khoe con gái sắp trở thành cô giáo.
Ngày dì năm nhận được hung tin Thủy bị tai nạn giao thông, dì năm ngất xỉu được bà con hàng xóm đưa lên trạm y tế xã cấp cứu. Dì đau đớn khóc rống lên, tiếng khóc đau lòng xé ruột gan của người bên cạnh. Dì năm cầu nguyện với ông trời đừng cướp đi con gái, dì hứa sẽ ăn chay niệm phật hết quãng đời còn lại.
Lúc Hưng bạn trai của Thủy gặp dì năm để hủy bỏ việc cưới xin đã được hai gia đình bàn bạc. Dì năm chỉ lặng lẽ rơi nước mắt thương cho số phận con gái mà không một lời trách móc Hưng. Con gái dì tật nguyền phải ngồi xe lăn đến cuối đời thì làm sao có thể chăm sóc được cho cha má chồng đã tuổi cao sức yếu. Hưng là con một sau khi cưới vợ rất cần có đứa con nối dõi nhưng sau tai nạn Thủy lại có khả năng không thể có con.
***
Mưa càng lúc càng nặng hạt, dù đã mặc áo mưa nhưng cả người dì năm cũng ướt nhem. Dì đạp xe đi một vòng xóm đã bán gần hết số rau, cũng không biết hôm nay là ngày gì mà ai mua rau cũng tặng thêm tiền cho dì dù chỉ vài ngàn lẻ, chắc bởi vì trời mưa nên họ trả thêm tiền cho dì. Lúc chạy xe qua chỗ trường học, xe đạp sụp ổ gà trũng nước. Dì năm ngã nhào, rau văng tứ tung. Đang loay hoay nhặt lại từng bó rau bỏ vào xịa thì một chàng trai từ đâu chạy đến phụ giúp dì.
"Dì có sao không? Mưa lớn quá sao dì không ở nhà mà còn đi bán chi vậy nè”.
"Cảm ơn chú”.
"Gió lớn quá dì vào trong trường đục mưa chút đã, chờ lặn gió bớt mưa hãy về”.
Dì năm từ chối nhưng chàng trai thuyết phục mãi lại còn chủ động dắt xe cho dì, cuối cùng dì chỉ đành đi theo chàng trai vào bên trong trường học. Dì nhìn ngắm ngôi trường rồi bất chợt thở dài buồn bã. Nếu không xảy ra tai nạn đáng tiếc thì có lẽ giờ đây Thủy cũng là giáo viên của trường.
Chàng trai tốt bụng rót cho dì ly nước ấm rồi kéo ghế đến ngồi trò chuyện với dì.
Dì nhìn chàng trai xa lạ trước mặt rồi hỏi thăm có phải cậu chàng là người ở nơi khác mới tới. Dì bán rau mấy chục năm, ai trong xóm này dì cũng biết hết, thầy cô giáo dạy ở trường dì cũng biết mặt rõ từng người nhưng mỗi cậu chàng dì thấy lạ.
Chàng trai cười gãi đầu rồi tự giới thiệu về mình.
"Con là Nghĩa, thầy giáo dạy thể dục, con vừa chuyển công tác ở huyện bên cạnh sang đây".
Dì năm gật gù gió lạnh thổi qua làm dì run rẩy.
Nghĩa liếc nhìn bầu trời đen xám xịt, mưa gió không có dấu hiệu ngừng, cơn gió vừa rồi làm cây phượng già không chịu được gió to cũng đổ gãy một nhánh lớn. Nghĩa trầm tư rồi đề nghị được đưa dì năm về nhà, rau của dì Nghĩa cũng giúp dì mua hết. Nhưng dì năm lắc đầu từ chối dì bảo rau dì trồng bán để cho người ta ăn chứ không phải để người ta mua rồi bỏ. Một mình Nghĩa làm sao ăn hết được số rau của dì. Nghĩa phải giải thích rằng hôm nay trường có tổ chức hội thi ẩm thực cho các giáo viên, chắc chắn số rau này sẽ được sử dụng. Nghĩa còn chỉ về phía tấm biển đề hội thi để dì năm tin tưởng.
"Dì để xe ở đây, ngày mai hết mưa rồi dì hãy lên lấy. Giờ con lấy xe máy đưa dì về nhà nhé”.
***
Ngồi trên xe lăn Thủy dõi mắt nhìn qua màn mưa bên ngoài thỉnh thoảng có sấm chớp mà bồn chồn lo lắng. Chốc chốc lại nhìn đồng hồ đã hơn hai tiếng nhưng không thấy má về, Thủy cảm thấy bất an vừa định mặc kệ bản thân di chuyển khó khăn đội mưa đi tìm má thì đột ngột có tiếng xe máy dừng ở trước cổng nhà. Thủy điều khiển xe lăn ra cửa cố mở to mắt nhìn ra ngoài. Một bóng dáng quen thuộc lướt qua mưa chạy nhanh vào nhà.
"Má về rồi, con lo cho má quá. Mà ai đưa má về thế? Xe của má đâu?".
Dì năm đặt chậu hoa lan trên tay xuống rồi cởi bỏ lớp áo mưa đã ướt đẫm từ khi nào.
Thủy chớp mắt nhìn chậu hoa lan, có những bông hoa màu tím vẫn còn đọng nước mưa đang rũ xuống.
"Thầy Nghĩa trên trường học đưa má về, chậu hoa này là của thầy tặng cho con".
Dì năm mỉm cười đặt chậu hoa lên tay Thủy rồi thuật lại cuộc trò chuyện với Nghĩa.
Dì năm kể cho Nghĩa nghe về Thủy, về cô sinh viên sư phạm vừa tốt nghiệp chuẩn bị trở về quê làm cô giáo giảng dạy cho các em nhỏ ở quê hương thì bất ngờ gặp tai nạn không may. Nếu Thủy không mất đôi chân thì có lẽ Thủy và Nghĩa đã thành đồng nghiệp chung trường. Dì năm nhìn những chậu hoa lan đầy đủ màu sắc được treo lơ lửng trang trí trước cửa các lớp học mà mê đắm, rồi buột miệng nhắc đến Thủy cũng thích hoa lan nhưng vì gia đình nghèo khó nên ở nhà không có chậu hoa lan nào. Nghĩa nghe vậy liền chọn chậu hoa đẹp nhất đến gửi dì năm đem về cho Thủy. Dì năm kiên quyết không nhận nhưng Nghĩa bảo đây là mấy chậu hoa của riêng Nghĩa, Nghĩa vừa đem lên cho trường hôm qua nên dì năm không cần lo sợ Nghĩa lấy của trường.
***
"Thầy Nghĩa vô đi, nhà này của chị Thủy nè. Chị Thủy ơi! chị Thủy! có nhà không chị Thủy ơi!".
Giọng bé Mén thánh thót vang lên làm Thủy đang xem số bài vở của các bạn nhỏ trong xóm cũng phải giật mình vội vàng đáp lời.
"Chị đây này".
Thủy ngước mắt nhìn ra phía cổng, một chàng trai ăn mặc nghiêm trang chỉnh tề trên tay cầm theo chậu hoa lan đi cùng một bé gái cột tóc hai bên đang tươi cười đi vào sân.
"Chị Thủy đây là thầy giáo của em. Thầy đến tặng chị chậu hoa lan nè. Hôm nay là ngày phụ nữ Việt Nam nên người phụ nữ nào cũng được tặng hoa, chị nhận đi đừng có ngại". Con Mén hưng phấn giành phần nói trước.
Nghĩa cười hiền đưa chậu hoa cho Thủy.
"Thủy cười lên xinh như những bông hoa lan này vậy, nên Thủy hãy cười nhiều hơn nhé. Không đứng trên bục giảng được nhưng Thủy ở nhà đã dạy kèm cho các em rất tốt. Tôi thay mặt các giáo viên ở trường đến chúc mừng Thủy ngày phụ nữ Việt Nam".
Thủy đỏ mặt nhận lấy chậu hoa rồi rụt rè nói lời cảm ơn.
Kể từ hôm có mấy chậu hoa lan treo ở hiên nhà, ngày nào Thủy cũng đến ngắm và chăm sóc cẩn thận. Vừa ngắm hoa vừa nhớ đến nụ cười hiền của Nghĩa trong lòng Thủy dâng trào cảm xúc lâng lâng khó diễn tả.
Gửi phản hồi
In bài viết