Thế nên khi được tham gia Trại sáng tác do Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tổ chức, được ở hẳn nơi này đến bảy ngày, thì dường như tôi mới cảm nhận được chút “chất” Tuyên Quang. Không, tôi không dám nói đến những điều to tát về vùng đất tráng ca với thành cổ ngút ngàn huyền tích, với đền đài, với Thủ đô Kháng chiến... Tôi chỉ dám chấm phá đôi nét đơn sơ những điều ở quanh mình.
Đến Trại lần này, tôi lại được ở Mai Sơn, một khách sạn tư nhân nằm trên con phố nhỏ, lần trước, lên Tuyên Quang xem Lễ hội Trung thu tôi đã ở. Điều tôi ngạc nhiên là mâm quả đặt trên bàn lễ tân: “Cháu mời các cô ăn tự nhiên ạ”. Chúng tôi nhón lấy quả chuối chín thơm lựng, quả ổi giòn hoặc quả hồng đỏ tươi ngọt lịm. Món quà đầu tiên người Tuyên Quang đón khách, như lời giới thiệu về đặc sản quê mình. Lần này cũng vậy, vẫn mâm quả quen thuộc. Cháu lễ tân bảo: Mùa nào thức ấy cô ạ, chúng cháu bày lên mời khách, ai ăn bao nhiêu cũng được.
Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức hàng năm đã để lại dấu ấn tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước.
Trùng hợp thú vị thế, tôi vừa nghe câu nói tương tự của chị bán phở. Chả là buổi trưa đến Trại, chúng tôi tản bộ đi tìm hàng ăn. Phố “thiu thiu” trong giấc trưa, nhiều quán đề biển bán bánh cuốn, bún, phở nhưng không thấy khách cũng không thấy chủ. Chúng tôi bảo nhau cứ bước vào một quán đề chữ: “Phở tim cật, sốt vang”. Chủ quán lim dim trên ghế choàng dậy làm đồ ăn cho khách. Nước dùng đun lại nóng bỏng, bát đũa sạch sẽ, chanh ớt tươi rói. Mọi người tíu tít gọi thêm bánh phở, rau thơm, nộm chua. Lúc tính tiền, chủ quán chỉ lấy 30 nghìn/bát theo giá niêm yết. “Còn bánh phở gọi thêm?”. “Ôi, khách ăn được em càng vui, không lấy thêm tiền ạ”. Rồi chị kể dịp Trung thu khách du lịch các nơi về đông lắm, nhà nghỉ quán ăn tấp nập, “nhưng bọn em không tăng giá, bắt chẹt, muốn làm du lịch thì mình cũng phải có văn hóa du lịch chứ”.
Chuyện của người bán phở khiến tôi nhớ lại chuyện tháng trước. Tối hôm ấy, sau khi ăn ở nhà hàng “Ba chữ lồng”, chúng tôi tản bộ ra đầu đường chờ xe đến đón. Vài quán bày ghế trên vỉa hè bán hàng, thấy chúng tôi đứng lố nhố, chủ quán ra nói nhẹ nhàng: “Mời các anh chị cứ ngồi cho đỡ mỏi, không phải trả tiền ghế đâu ạ”. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, ngạc nhiên quá và đáng yêu quá. Rồi chúng tôi say sưa đi theo các xe đèn và nắm tay người không quen mà nhảy đến lúc chân mỏi nhừ. Nhìn thấy mấy cháu công an đang làm nhiệm vụ, chúng tôi hỏi đường về khách sạn, các cháu không những nhiệt tình chỉ dẫn mà còn vẫy tắc-xi đưa chúng tôi về chỗ ở. Cô bạn tôi về Thái Nguyên vẫn xuýt xoa nắc nỏm khen các cháu công an Tuyên Quang “đẹp trai quá”.
Người Tuyên Quang nhiệt tình lắm, mấy anh em trong Trại gật gù với tôi nhận xét đó. Hạnh, hội viên đến từ Lạng Sơn kể: Bọn em xuống ô tô, lớ ngớ chả biết cách gọi tắc-xi để về Trại. Có một bác ngồi quán nước thấy thế bảo để bác gọi hộ. Tắc-xi đi được một đoạn lại thấy bác gọi hỏi lái xe là đã đưa khách đến nơi chưa? Thật là chu đáo.
Cũng nhờ sự thịnh tình đó của người Tuyên Quang mà chúng tôi được đến Chiêm Hóa, nơi có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình nổi tiếng. Trong cánh rừng tầng trên ngàn ngạt tán cây cổ thụ, tầng dưới xanh mướt lá cọ, những hạt sương đu đưa trên vô vàn chiếc võng mạng nhện, chúng tôi cảm nhận sự bình yên tuyệt đối. Dấu chân chúng tôi nhẹ đặt lên dấu chân của tiền nhân. Bầu trời thẫm ký ức, mắt ai cũng ngời ngợi cảm phục khi lật giở từng trang lịch sử lưu giữ ở nơi này.
Và bất ngờ lại đợi tôi không hẹn trước. Khi lên tham quan đền Bách Thần (thị trấn Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa), chúng tôi được các mế trông coi đền mời uống nước vối, thụ lộc hoa quả, bánh kẹo. Nhưng tôi lại muốn uống cà phê và đi tìm nước sôi. “Chờ tí nhé”, một mế vội vàng san nước vào bình siêu tốc, vội vàng cắm điện. “Nước sôi rồi”, mế reo lên, bảo tôi “pha cà phê đi”. Cử chỉ nhỏ mà tôi muốn ôm lấy mế để nói lời cảm ơn.
Tôi đọc sách thấy tiền nhân gọi Chiêm Hóa là “miền gái đẹp”, nhưng tôi thấy phụ nữ Tuyên Quang ai cũng đẹp, bởi sự an nhiên dịu hiền trên nét mặt. Như cháu gái bán trà, nước ngọt trong Khu du lịch Bản Ba (xã Trung Hòa). Chúng tôi ngồi tràn quán, nhờ chụp ảnh, nhờ đun nước pha trà, cháu nhanh nhẹn giúp với nụ cười dịu dàng. Như chị chủ hàng phô-tô trên đường Phạm Văn Đồng, nhận bản thảo tôi gửi qua Zalo, chỉnh trang thể thức, đóng quyển ngay ngắn, mang đến tận nơi không lấy tiền ship. Như các mế người Cao Lan với nụ cười hiền hậu múa “Xúc tép” trong tiếng ống nứa gõ “tắc xình, tắc tắc xình”. Như cô bạn đồng nghiệp ở Báo Tuyên Quang tặng tôi cuốn “Phác thảo văn hóa Tuyên Quang” do Báo biên soạn và phát hành ngay buổi đầu gặp gỡ. Tôi đã đọc ngấu nghiến cuốn sách và thầm cảm ơn cử chỉ tế nhị, thông minh của bạn.
Thật khó quên cảm giác phiêu lãng khi ngồi trên chiếc bè tre lợp lá cọ bồng bềnh trên mặt hồ Ngòi Là (xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn) vào lúc chạng vạng tối. Mặt trời dành tặng hồ tia sáng lộng lẫy nhất trước khi chìm vào chốn xa xăm. Nước hồ sẫm tím cùng màu hoa súng. Đôi chim lạc bạn cất tiếng gọi thảng thốt khiến lòng người mênh mang. Tôi miên man nghĩ về vẻ đẹp tráng lệ của vùng hồ, vùng đất giàu tiềm năng du lịch này. Cách thành phố chỉ chừng 20 cây số, nơi này sẽ là điểm đến cho những chuyến picnic gia đình, cặp đôi; các buổi họp lớp đông vui. Không chỉ có hai chiếc hồ đẹp mê hồn, quanh nơi này còn có thác, có đền cổ, có nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Dao, Cao Lan; nhiều món ăn đậm chất dân tộc như ốc luộc, hoa súng nộm, cá lục nướng, măng nứa xào… Vậy mà, nói như Bí thư Đảng ủy xã Chân Sơn thì từ năm 2021 về trước, làm du lịch với bà con ở đây là khái niệm hết sức xa lạ, trong khi tiềm năng thiên nhiên, lịch sử, văn hóa khá dồi dào. Nhưng chỉ sau 2 năm quyết tâm làm du lịch, Chân Sơn đã có 20 nhà xây homestay. Khoảng 3.000 khách trong nước đã đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực và tham gia văn nghệ với bà con.
Chúng tôi xúm quanh chiếc bàn bày đồ tre đan, nắc nỏm khen những bàn tay phụ nữ khéo làm nên chiếc mâm, chiếc bát, lẵng đi chợ, bình hoa... Người này mua một cái, người kia mua hai cái, thoáng chốc, số đồ đan hết nhẵn. Thật bất ngờ và cảm động khi huyện Yên Sơn “chiêu đãi” chúng tôi một đêm văn nghệ đậm bản sắc. Tôi ngạc nhiên tự hỏi: Sao nhiều người cảm xúc mà viết về Yên Sơn đến thế. Có đến hàng chục ca khúc ngợi ca mảnh đất này: “Đất thiêng”, “Tình đất”, “Hương sắc Tuyên Quang”, “Yên Sơn một vùng quê”... Nhạc sĩ Trần Sòi, thành viên của Trại, khi biết sẽ được đến Yên Sơn đã phổ nhạc bài thơ “Trở về Yên Sơn” của nhà thơ Tạ Bá Hương và trình bày bài hát “nóng hổi” này trong đêm giao lưu. Bí thư Huyện ủy Yên Sơn, ông Phạm Ninh Thái đã xúc động ôm nhạc sĩ thay lời cảm tạ. Cuộc đón tiếp trọng thị của Yên Sơn với chúng tôi đã cho thấy lãnh đạo huyện thật lòng khao khát phát triển du lịch và kỳ vọng khả năng quảng bá vào các cây bút dự Trại. Chúng tôi nói với nhau, nhất định phải viết nhiều về Yên Sơn, cùng nhau “đánh thức” vùng đất còn mơ màng này. Vẻ đẹp tráng lệ của hồ Ngòi Là, của những vạt rừng xanh biếc bên bóng núi và nhất là tình người đằm thắm sẽ là sức hút với du khách ưa sinh thái, ưa trải nghiệm và sống chậm cùng thiên nhiên.
Bảy ngày ở Tuyên Quang trôi qua thật nhanh. Đêm cuối rời Trại, chúng tôi ngồi bên nhau, người đọc thơ, người hát, người kể đã viết xong truyện ngắn, phôi thai đề cương tiểu thuyết. Tôi nhớ nhất một khổ thơ trong bài “Thành Tuyên” của Đinh Tiến Hải (Bắc Giang):
Bây giờ là mùa Thu
Hoa sử quân tử già đang tỏa hương
Trên xứ Tuyên thành cổ
Có tiếng chim gọi bầy
Từ tro tàn gạch đá rêu phong
Như tiếng gọi linh hồn người xưa vọng lại…
Về Thái Nguyên rồi mà lòng tôi vẫn neo lại xứ Tuyên. Neo ở nụ cười, ở cử chỉ dịu dàng thân thiện. Vâng, chỉ những thứ li ti đời thường thôi, mà sao nhớ lâu đến thế!!!.
Minh Hằng
(Hội VHNT Thái Nguyên)
Gửi phản hồi
In bài viết