Ngoài hiên, từng cơn gió luồn qua mái tranh phả hơi lạnh vào nhà. Nhớ cái đói cồn cào những ngày giáp hạt tháng Ba, mót từng mẩu khoai, nhặt từng hạt thóc. Nhìn lũ con khát bữa cơm no mà mắt mẹ nhạt nhòa.
Nhớ những ngày theo cha lên rừng chặt gỗ làm nhà. Đôi chân trần của cha bập dầm đá núi và những vết rách trên bắp chân rỉ máu. Nhớ một lần theo mẹ đi kiếm măng, lạc lối giữa rừng già, đói khát, cả làng nháo nhác đi tìm. Nhớ những năm mất mùa thóc lúa, phiên chợ quê không có người bán gạo. Vượt cái đói, làng chia nhau từng củ khoai, củ sắn… Nhớ ngày đầu tiên rời quê ra thành phố học tập, giữa phố đông mà cứ khắc khoải nhớ nhà. Nhớ hình dáng mẹ mong manh quang gánh trên đồng. Nhớ lũ em thơ áo quần không đủ mặc, lúc nào cũng đói...
Rồi năm tháng trôi qua, cuộc sống nhiều thay đổi, nhưng nỗi nhớ một thời nghèo đói vẫn vẹn nguyên trong ký ức tôi.
Có ai đó nói rằng, cuộc đời mỗi người đều có nhiều điều để nhớ, có những nỗi niềm để thương và có cả một miền ký ức để làm nên bản ngã con người. Ai không có gì để nhớ, người đó thật bất hạnh. Nỗi nhớ với mỗi người mang một bản sắc khác nhau. Những người nặng tình, nặng nghĩa thường gồng gánh rất nhiều tâm trạng, luôn đau đáu những nỗi niềm cuộc sống. Và khi có một sự mất mát, nỗi đau ngấm vào tim vào miền ký ức sâu thẳm, cứ quặn thắt mãi không thôi.
Nỗi nhớ hàm chứa rất nhiều cung bậc. Nỗi nhớ cho ta biết yêu thương. Và yêu thương cho ta nỗi nhớ. Nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người yêu thường rất da diết, cồn cào. Càng nhiều ân tình, nỗi nhớ càng sâu đậm. Nhớ những đêm thu nắm bàn tay em nhỏ bé, soi vào trăng bối rối. Nhớ những đêm đông hun hút gió đồng, nơi quê nhà mẹ có lạnh không. Nhớ vầng trăng quê sáng trong tình bạn. Nhớ người thầy dạy ta nét chữ đầu tiên. Và hôm nay, ngồi bên mâm cỗ đầy, ta lại nhớ thủa nào chắt chiu từng hạt gạo...
Gửi phản hồi
In bài viết