Cứ cho đi trước đã

- Bị đau bụng đã mấy ngày mà không rõ nguyên nhân, lại thêm miệng nôn, trôn tháo, nên bà Vân phải nhập viện, vào khoa cấp cứu. Khi bác sỹ đến khám, thấy bà Vân nằm ôm bụng, co ro như con mèo hen trên giường, bác sỹ hỏi: Người nhà đưa bà đến đây đâu? Bà Vân trả lời giọng nghèn nghẹn: Tôi bị đau quá, vội gọi xe ôm đi đến đây nên không có ai đi cùng.

Lúc bác sỹ đi ra khỏi phòng, các bệnh  nhân trong phòng hỏi thăm, bà Vân cho biết: Bà đã 68 tuổi, chồng mất hơn chục năm rồi. Hiện bà đang ở một mình, vì ông bà không có con cái. Anh chị em ruột, họ hàng nội ngoại của bà cũng nhiều, nhưng bà không muốn phiền hà họ. Mà thực ra, nếu có gọi điện nhờ vả chắc cũng không có ai. Các anh chị em của bà đều đã có tuổi, mà cũng không khỏe khoắn gì. Các cháu thì đều bận công việc, hoặc ở xa, hoặc có lý do gì đó.

Nhiều lần bà bệnh phải đi viện cũng vậy. Những lúc cực chẳng đã bà đành nhờ cậy cô hàng xóm, nhưng nhờ vả người ta nhiều cũng thấy ngại… Nói tới đây bà Vân bỗng dừng lại hồi lâu, rồi thở dài, chép miệng: Khi mình còn trẻ, còn khỏe mình có thể giúp người nhà việc này việc kia chẳng ngần ngại, so đo gì. Giờ mình già yếu rồi, chẳng làm được gì nữa, nên mỗi khi có việc muốn nhờ vả ai đó lại thấy khó mở lời vô cùng. Thôi thì, mình có thân thì phải tự lo thôi, lúc nào không đi được, không thể tự lo được thì hẵng hay…

Đang chuyện thì bác sỹ quay lại phòng bảo bà Vân cho số điện thoại của người nhà để khi cần bệnh viện liên lạc. Nhưng rồi, một lúc sau bác sỹ lại đến phòng bệnh đề nghị bà Vân gọi người nhà đến ngay để làm các thủ tục, ký giấy cam kết và đưa bà đi chụp chiếu, nội soi dạ dày… Bác sĩ giải thích rằng, bệnh viện vừa liên lạc với số điện thoại bà đưa nhưng không thấy ai trả lời. Thế là bà Vân đành gọi điện cho cô hàng xóm. Khoảng 15 phút sau cô hàng xóm nhà bà Vân đến, bác sỹ trách cô… Lúc đó, mọi người mới biết là bà Vân đã cho bệnh viện số điện thoại của cô hàng xóm. Thế nên, lúc đầu thấy số điện thoại lạ gọi cô hàng xóm không nghe.

Sau khi ký giấy cam kết và đưa bà Vân đi chụp, chiếu, nội soi xong, về phòng cô hàng xóm nói với bà: Lần sau có việc gì bà cứ gọi ngay cho con nhé. Hôm nay, may mà con đến kịp làm các thủ tục để chiều các bác sỹ mổ cho bà. Viêm ruột thừa, nếu không mổ kịp thời để vỡ ra là phức tạp và nguy hiểm lắm bà ạ. Giờ bà nghỉ ngơi đi con chạy ù về nhà chuẩn bị các thứ rồi vào với bà ngay. Bà cứ yên tâm nhé.

Ca phẫu thuật của bà Vân thành công tốt đẹp. Bà Vân phải nằm viện thêm 3 ngày nữa mới được về. Trong những ngày bà nằm viện cô hàng xóm thường xuyên có mặt chăm lo cho bà chu đáo, tận tâm như con gái chăm mẹ vậy. Ai trong bệnh viện biết chuyện cũng bảo bà Vân thật may mắn và nhìn cô hàng xóm nhà bà với ánh mắt đầy thiện cảm…

Qua trò chuyện, tôi biết cô hàng xóm nhà bà Vân cũng hoàn cảnh lắm. Là mẹ đơn thân, công việc không ổn định, cuộc sống của hai mẹ con cô cũng khá vất vả, khó khăn. Nhưng thấy hoàn cảnh bà Vân đã có tuổi, lại sống một mình, nhiều lúc trái gió trở trời, ốm đau chẳng có ai bên cạnh, cô rất thương cảm. Cô thường xuyên qua lại, thăm hỏi, trò chuyện với bà, có việc gì cần là cô giúp ngay. Cô nói với tôi: Cháu nghĩ, ở đời ai cũng cần sự giúp đỡ khi gặp hoạn nạn khó khăn, không phải cứ giàu có mới giúp được. Mình không có kinh tế để giúp thì mình giúp làm những việc mình có thể làm. Mình cứ cho đi trước đã, nhất định mình sẽ nhận được những điều tốt đẹp về sau. Cháu luôn tin như thế bà ạ.

Phải, cứ cho đi trước đã, rồi nhất định sẽ nhận được những điều tốt đẹp về sau. Lời chia sẻ mộc mac, chân tình của cô hàng xóm nhà bà Vân làm cho khóe mắt, sống mũi nơi tôi thấy cay cay. Quy luật nhân quả như vậy đấy. Dường như ai cũng biết, ai cũng hiểu điều đó, nhưng có mấy ai làm được như cô hàng xóm nhà bà Vân. Tôi thực sự thấy nể phục và biết ơn cô hàng xóm nhà bà Vân. Nể phục, bởi tôi chưa bao giờ làm được điều mà cô ấy đã làm. Biết ơn, bởi vì cô ấy đã góp phần gieo những mầm thiện nhân, tốt đẹp cho cuộc đời vốn vẫn còn không ít những tham sân si, mà mỗi chúng ta không dễ gì buông bỏ.

Hoài Thu

Tin cùng chuyên mục