Mùa mật ngọt

- Sang đông, khi những cánh đồng mía bắt đầu ngả vàng, lá ở ngọn ngắn và bé lại, lóng mía dài tối đa, thân mía căng ra là lúc mía vào độ chín.

Ngang qua cánh đồng mía, nghe đám lá xào xạc trong gió đông, tôi lại nao nao nhớ về mùa mía chín của tuổi thơ. Nhớ lắm mùi mật mía thơm ngào ngạt bay lên từ những chiếc lò nấu thủ công, đủ làm cả mớ bụng rỗng tuếch của đám học trò giờ tan trường sôi lên ùng ục, nước miếng tứa ra. Đang cơn đói cồn cào mà được uống ngụm mật mía thì đời chả khác được ở cõi tiên luôn!

Nhớ làm sao vị ngọt đậm đà của mật mía nơi đầu lưỡi, nhớ cả những vết trầy xước khắp mặt, mình mẩy, tay, chân do lá mía quẹt vào. Mùa mía chín, lũ trâu, bò lại có thêm lượng thức ăn dồi dào cho những ngày gió bấc mà cánh đồng cỏ cũng sắt lại để chịu đựng giá rét.

Cây mía dùng để ép nước nấu mật không mềm như mía xương gà hay mía tím nhưng ngọt gắt. Mấy cậu bạn háu ăn, dùng luôn răng để róc vỏ mía bị đám vỏ cứng cứa vào môi vào lợi chảy cả máu. Lũ con gái dùng dao róc mía cẩn thận, lại còn khoanh thành từng khẩu rồi mới cho vào miệng. Chúng tôi chậm rãi nhai từng khẩu mía, chắt sạch dòng nước ngọt ngào, cho đến khi khẩu mía trong miệng chỉ còn là cái bã ráo sạch mới thôi. Tôi luôn nhớ lời mẹ dặn: Cây mía chắt chiu chất đất cả năm ròng mới tạo ra được vị ngọt cho đời, các cháu ăn mía chớ nhả bã sớm mà phí hoài cây mía, uổng công lao người trồng mía!

Đối với người nông dân, cây mía thật hữu ích làm sao. Lá mía làm thức ăn cho trâu, bò, hoặc để nhóm bếp; thân mía ép để nấu mật; bã mía cũng làm thức ăn cho gia súc hoặc bón cho cây trồng; ngọn mía dùng để nhân giống cho vụ mới. Ngay cả đám gốc đã được chặt sát đất, chỉ cần bón phân, vun lại là chúng lại nảy mầm xanh tươi cho vụ sau.

Cứ đến mùa mía chín là nhà bác tôi giống như một công trường vậy. Để có những hũ mật mía thơm ngon dùng cả năm, nhà bác trồng bạt ngàn mía. Khi mía vào độ ép, bác cọ rửa sạch cỗ "máy ép" gồm hai trụ làm từ thân cây gỗ lớn. Máy được đục, đẽo dàn bánh răng cưa truyền lực dựng song song với nhau.

Trụ gỗ to có rãnh ngang gắn với thanh gỗ dài để buộc vào cổ trâu, khi trâu đi vòng quanh sẽ kéo "máy" quay, tận dụng lực đó đút mía vào giữa để ép lấy nước. Lúc này mía được đốn về chất đầy sân. Bác chọn ba con trâu to khỏe nhất vào việc. Máy ép chạy ngày đêm để giữ độ tươi của mía, trâu này mệt lại thay trâu khác. Người cấp mía vào máy, người bỏ xác mía ra, người vận chuyển nước mía ra lò nấu thành mật… các công đoạn hết sức nhịp nhàng. Tôi cũng phụ giúp các anh chị đun lò nấu mật.

Nấu một mẻ mật mất hơn buổi, phải hết sức cẩn thận, nếu cho củi nhiều, lửa to quá để mật trào ra là phí công sức của bao nhiêu người. Người canh mật cũng phải nhanh tay dùng chiếc vợt đan mắt mau bằng tre liên tục hớt bọt, váng nổi lên. Mật nấu xong rồi lại được lọc cặn cẩn thận qua nhiều lớp vải màn. Công đoạn hớt váng, lọc càng kỹ lưỡng, mật càng trong và sánh mịn, giữ được hương vị thơm ngon dài ngày.

Nấu xong vụ mật mía cũng gần đến Tết. Những hũ mật thơm ngon là nguyên liệu để nhà bác tôi nấu chè, làm các loại bánh, kẹo. Nào bánh gai, bánh mật, bánh khảo, bánh bỏng, chè lam, bánh trôi, rồi kẹo kéo, kẹo lạc, kẹo bột… Mật mía còn được dùng để chan cơm nguội, chấm xôi nếp, chấm sắn luộc. Tôi nhớ có lần em tôi ăn sắn luộc không chấm mật bị say nôn thốc nôn tháo, bác tôi hòa vài thìa mật vào cốc nước ấm cho em uống, em khỏi ngay lập tức. Bác dặn mãi rồi mà lũ trẻ chúng tôi cứ quên, rằng ăn sắn luộc lúc đói dứt khoát phải chấm mật, nếu không dễ bị say. Thi thoảng chúng tôi vẫn hay bị đau bụng không rõ nguyên do, bác lại hòa cho chút mật uống là khỏi. Mật mía khi ấy đã chuyển từ món ăn thành bài thuốc chữa bệnh rất hiệu nghiệm.

Bây giờ người dân quê tôi trồng nhiều mía hơn nhưng toàn bộ mía được bán cho nhà máy đường. Còn rất ít nơi giữ lại được lò nấu mật thủ công truyền thống. Lũ trẻ bây giờ cũng có nhiều loại mía mềm để ăn vặt, chứ không phải ăn loại mía ép mật cứng ngắc như chúng tôi ngày xưa nữa. Một ngày đông tôi trở về thăm quê, bãi đất trước đây được bác tôi dựng lò nấu mật thủ công giờ trở thành vườn cây ăn quả. Bác tôi đã về với tổ tiên. Nhớ lắm những mùa mật ngọt tuổi thơ trên núi cao ngày ấy!.

Thèn Hương

Tin cùng chuyên mục