Vì bên đó cũng có một cậu bé cùng tuổi nổi tiếng gan lì và nghịch. Những cuộc vật lộn, đánh nhau xước sát mặt mày, quần áo tả tơi diễn ra như cơm bữa. Mỗi bận như vậy, về nhà tôi thường bị mẹ cho ăn vài roi rất đau. Bộ quần áo tôi mặc, mỗi tuần lại thêm vài mụn vá, xanh có, đen có, trắng có, trông như bàn cờ ca rô. Mẹ tôi rất buồn, vì nhiều bận đi làm chưa về đến nhà, hàng xóm đã sang mách tội…
Những giờ học trên lớp, tôi thường hay mất trật tự, trêu chọc đứa bạn ngồi bàn trước. Có lần tôi buộc nắm bông cỏ may vào thành ghế, khiến quần áo cô bạn dính đầy hoa cỏ. Lại có lần bí mật rắc cả nắm quả ké lên tóc, khiên cô bạn khóc suốt cả buổi học. Tôi từng vài lần bị cô chủ nhiệm phạt đứng tại chỗ cả tiết học. Thế nhưng chỉ được vài hôm, tôi lại bày ra cách nghịch ngợm khác.
Một hôm, khi cả lớp đứng dậy chào cô giáo giờ vào lớp, tôi lén đặt lọ mực tím vừa mở nắp vào chỗ ngồi của bạn... Lần đó, tôi bị cô giáo phạt về muộn 30 phút. Chỉ còn một mình ngôi thu lu ở góc lớp. Trên bục giảng, cô giáo chủ nhiệm ngồi lặng im hồi lâu. Hai cô trò không nói lời nào. Không khí rất căng thẳng. Bỗng tôi bắt gặp ánh mắt rất buồn của cô hướng về phía tôi. Đến lúc này, tôi cảm thấy mình thật có lỗi, lại lo sợ về nhà bị mẹ đánh đòn. Mấy giây trôi qua trong bối rối, tôi đứng lên chắp hay tay trước mặt ấp úng:
- Thưa cô ! Em biết lỗi rồi ạ. Em hứa ...
Cô giáo chủ nhiệm cũng đứng lên, nhìn tôi với ánh mắt rất lạ. Cô không hề trách mắng, đôi mắt cô ngân ngấn lệ. Cô bước xuống từ bục giảng tiến về phía tôi, vỗ nhẹ vào vai tôi ân cần nói.
- Em đã biết lỗi như vậy, cô rất vui. Cô tin là em sẽ tiến bộ. Cô biết, em không phải học sinh hư, em là cậu học trò thông minh. Cô nghĩ rằng, em đã có một bài học để không còn khiến cha mẹ buồn…
Sau buổi đó, tôi có sự tiến bộ rõ rệt, không còn các trò nghịch dại. Nhưng cái tính láu táu thì vẫn chưa sửa được. Một hôm, cô chủ nhiệm bị ốm, thầy hiệu trưởng trực tiếp dạy lớp tôi môn toán thay cô. Hôm đó, thầy cho cả lớp làm bài kiểm tra. Tôi làm xong bài rất sớm, nhưng không thể ngồi yên, tôi cứ quay qua trái, rồi sang phải và nhoài cả người về phía sau để mách bạn cách giải bài toán khó. Thấy vậy, thầy hiệu trưởng nghiêm nét mặt và bảo tôi mang bài lên nộp, rồi nhắc nhở phải trật tự.
Hôm đó, bài kiểm tra của tôi dù đúng hết, nhưng bị trừ một điểm ý thức. Những buổi học toán lớp tôi lại được thầy hiệu trưởng trực tiếp dạy. Sau vài lần dạy lớp tôi, một hôm khi tan buổi học thầy bảo tôi ở lại. Thầy giao thêm một số bài tập khó (bài toán sao) để tôi về nhà làm. Biết gia đình tôi khó khăn, nhiều buổi tối, thầy hiệu trưởng xách đèn bão qua nhà hướng dẫn tôi cách giải các bài toán khó. Một hôm, thầy hiệu trưởng đến tận nhà tôi báo tin tôi được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi của huyện. Mẹ tôi vui lắm, nước mắt cứ chảy dài.
Những hình ảnh, khoảnh khắc đó cứ theo tôi suốt những năm học phổ thông. Khi tôi thi đỗ đại học, thầy giáo hiệu trưởng cấp I của tôi năm nào đã nghỉ hưu. Tối hôm trước ngày tôi về thành phố nhập trường đại học, mẹ tôi bắt một con gà sống thiến, đong mấy bơ gạo cho vào chiếc túi vải, rồi bảo tôi mang biếu thầy giáo hiệu trưởng cấp I đã nghỉ hưu ở cách nhà tôi chừng hơn cây số. Mẹ bảo, nếu không có thầy giáo hiệu trưởng cấp I ngày nào tận tình hướng dẫn con học, thì con không có ngày hôm nay…
Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, tôi cũng có những thành công trong sự nghiệp. Những thành công đó dù nhỏ bé, nhưng những bước đi đầu tiên trên con đường sự nghiệp của tôi luôn có bóng dáng của cô giáo chủ nhiệm, công lao của thầy giáo hiệu trưởng cấp 1 năm xưa.
Cuộc đời mỗi người, không ai lớn lên mà không có những người thầy dạy dỗ, dìu dắt ta từ tấm bé. Không có ai thành công mà không có một người thầy dẫn đường, chỉ lối, giúp ta nhận ra cái đúng, cái sai; khuyến khích ta vươn lên trong gian khó. Cách chúng ta thành công không phải bắt đầu từ những con chữ, mà học cách làm người.
Gửi phản hồi
In bài viết