Chú tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, quê gốc ở Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên. Hồi còn nhỏ tôi đã được nghe bà nội kể rằng, sở dĩ ông bà phải rời quê dắt díu nhau lên Tuyên Quang sinh sống là vì khi trước các cụ trong nội tộc họ Phùng (nội tộc của ông nội cha tôi) đã tham gia Khởi nghĩa Bãi Sậy (Đây là một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp), nên bị giặc Pháp truy lùng, phải đổi sang họ Nguyễn và ly tán khắp nơi. Sau cách mạng Tháng 8 thành công, các anh chị em trong gia tộc mới lấy lại họ Phùng.
Chú tôi là con trai thứ ba (sau cha tôi) trong gia đình có 6 anh, chị em. Trong 4 anh em trai, thì 3 người tham gia quân đội. Cha tôi và chú út đã may mắn được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Còn chú đã hy sinh anh dũng khi đang độ tuổi thanh xuân, độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Giấy báo tử chú được gửi cho gia đình ghi: “Liệt sỹ Phùng Tiến Lân, sinh năm 1924; Cấp bậc: Trung đội trưởng; Đơn vị C1, D3, E209 (Trung đoàn Sông Lô); Đã hy sinh ngày 25 tháng 11 năm 1949, tại Đồn Suối Rút, huyện Mai Đà, tỉnh Hòa Bình (nay là huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình); trong trường hợp: Chiến đấu đánh đồn”. Chú đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Bằng Tổ Quốc ghi công.
Trong những lá thư chú gửi về nhà mà gia đình còn giữ được luôn thể hiện rõ ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm, tình yêu Tổ quốc, quê hương, gia đình sâu sắc. Đặc biệt, lá thư cuối cùng là bài thơ “Bầm ơi” chú gửi về cho mẹ, có những câu thật cảm động: …“Bầm ơi con vẫn nhớ luôn/Nhớ bầm con chẳng dám buồn nữa đâu/Tình dài, nghĩa nặng, ơn sâu/Chữ trung cần trước, hiếu sau cũng vừa”…. “Người còn thì của hãy còn/Làm sao cho xứng là con cái nhà/Để con gắng sức xông pha/Dù cho máu đỏ sắc pha cờ hồng/Thương con mẹ chớ phiền lòng/Để con yên chí gắng công diệt thù!” …
Mặc dù khoảng cách Hòa Bình - Tuyên Quang chỉ gần 150 km, vậy mà sau gần nửa thế kỷ đi tìm, năm 1995 nhờ sự kết nối thông tin và nhiệt tình giúp đỡ của những người lính ở Hội CCB huyện Đà Bắc, gia đình chúng tôi đã tìm thấy phần mộ của chú được quy tập, an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình… Và 74 năm sau ngày chú hy sinh, gia đình chúng tôi đã quyết định xin được đón chú trở về Tuyên Quang để chú được gần cha, mẹ, anh em và các cháu thuận tiện việc thăm nom, hương khói.
Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt chú tôi diễn ra trong không gian của khói hương, của tiếng nhạc bi hùng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nhà chiều ấy tuy thiếu vắng bóng dáng của ông bà nội tôi, cha mẹ tôi và các bác, các cô, các chú tôi, nhưng xin linh hồn chú được an ủi bởi chú đã có các cháu trong gia tộc và có gia đình lớn là quê hương, là đất mẹ Việt Nam. Chú sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Tuyên, tuổi thanh xuân theo tiếng gọi của Tổ quốc chú ra đi vì dân, vì nước, nay đất mẹ ôm chú vào lòng và ru mãi giấc ngủ ngàn năm.
Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cùng đồng đội, người thân và nhân dân đón chú về với đất mẹ thân yêu!
Nhìn màu đỏ thắm của lá cờ Tổ quốc phủ trên hài cốt của chú, trong sâu thẳm lòng tôi trào dâng niềm xót thương chú vô hạn; càng thấm thía, trân trọng hơn giá trị của độc lập, tự do được đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Xin được kính cẩn nghiêng mình trước linh đài, dâng nén hương lòng tri ân sâu sắc chú và các liệt sĩ anh hùng!
Chú ơi, sự trở về của chú dẫu có muộn màng nhưng vô cùng ý nghĩa! Chú cùng đồng đội của mình như những giọt phù sa thầm lặng bồi đắp cho đất mẹ để Tổ quốc mãi trường tồn!.
Gửi phản hồi
In bài viết