Nhớ hồi nhỏ, vào mỗi dịp Trung thu, ở nhà trông nhà chỉ hóng món bánh xèo mẹ mua. Bánh xèo được để trong cái làn rách màu đỏ được khâu lại bằng chạc xác rắn lấy từ bì đựng xi măng. Chiếc làn treo trên chiếc xe đạp cọc cạch mẹ tôi dùng để đi chợ, đi làm đồng mỗi ngày. Bánh xèo thơm phức, ngon nhất khi có nhiều nhân đỗ xanh, phủ nhiều đường bên ngoài. Sáng sớm, mẹ mua những chiếc bánh xèo ngon nhất ở chợ để dành đến tối, khi trăng sáng nhất, tròn nhất, mẹ bày chiếc mâm ra giữa sân, có bánh kẹo, bánh nướng và những chiếc bánh xèo gây nghiện để lũ trẻ chúng tôi phá cỗ, ngắm trăng. Vừa phá cỗ, lũ trẻ chúng tôi còn chơi các trò chơi dân gian như Rồng rắn lên mây, trốn tìm, chuột nhử mèo…
Ngày đó, nhà nào khá giả mới mua được một vài chiếc đèn ông sao, vậy là cả đám trẻ chúng tôi rủ nhau đi rước đèn từ đầu ngõ đến cuối ngõ, cùng nhau hát vang bài hát Dung dăng dung dẻ. Chiếc đèn ông sao tuy đơn giản, bé nhỏ nhưng khiến cho lũ trẻ chúng tôi vô cùng thích thú. Đến giờ nhìn thấy những chiếc đèn ông sao là cả ký ức về Trung thu khi còn nhỏ lại ùa về.
Đó là ký ức đẹp đẽ về vầng trăng tuổi thơ của tôi cũng như bao lứa trẻ lớn lên sau lũy tre làng. Bây giờ trẻ em được quan tâm và tạo điều kiện hơn nhiều vào mỗi dịp Tết Trung thu. Quê tôi giờ đây có cả Lễ hội Trung thu với rất nhiều mô hình đèn Trung thu khổng lồ dành cho trẻ em và Nhân dân diễn diễu được làm từ những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Tôi về thủ đô, nhiều người bạn ngỏ ý muốn về quê tôi để được tham gia vào lễ hội ấy, tự trong lòng mình tôi không khỏi tự hào. Càng ngày cuộc sống càng đổi thay và tiến lên, vì thế trẻ em ngày càng được quan tâm vào dịp Tết Trung thu để mỗi mùa trăng các em được sống trong bầu không khí đoàn viên, yêu thương, chia sẻ.
Dù là như vậy thì trong mỗi chúng ta đều lưu giữ một vầng trăng tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo. Vầng trăng tuổi thơ níu giữ tâm hồn mỗi người để ta được sống lại, được trở về với quê hương, nguồn cội, tình thân dù đã đi qua nhiều thăng trầm của cuộc đời.
Gửi phản hồi
In bài viết