Bánh tro của người Sán Dìu được gói bằng lá chít, có màu hổ phách, hương vị thanh mát.
Bánh tro của người Sán Dìu rất công phu. Trước hết, người dân phải lấy cây rừng, thường gọi là cây “giong dịu”, sau đó phơi khô đốt lấy tro để cất trữ dùng dần. Tro sẽ hòa với nước vôi trong rồi lọc lấy nước tro để ngâm gạo nếp nương.
Bí quyết để bánh tro thơm ngon thì gạo làm bánh cũng được lựa chọn kỹ lưỡng. Đó là gạo nếp nương hoặc nếp cái hoa vàng dẻo thơm, vừa mới gặt còn dậy mùi hương. Gạo nếp sau khi vo sạch sẽ ngâm trong nước tro chừng 24 tiếng rồi rửa sạch với nước suối nguồn trong mát.
Người Sán Dìu gói bánh bằng lá chít. Họ lấy lá chít rửa sạch, lau khô rồi đặt lá vào một mặt phẳng, lấy gạo đã ngâm rải lên trên. Lượng gạo khi rải bằng khoảng 2 ngón tay là vừa. Tiếp đó, họ cẩn thận gói lại rồi dùng lạt buộc bánh cho thật chắc để bánh không bị rời ra. Bánh lần lượt xếp vào nồi, sau đó đổ nước ngập mặt bánh và bắt đầu đun trên bếp lửa khoảng 8 đến 10 tiếng thì vớt ra, để ráo. Vì bánh khá nhỏ, dễ bị nổi lên trên, khó chín đều nên đồng bào nơi đây thường đặt vật nặng lên bên trên bánh. Bên cạnh đó, khi luộc bánh phụ nữ Sán Dìu thường ngồi canh nồi bánh, nếu thấy nước cạn thì thêm nước sôi vào. Bánh tro khi chín có màu hổ phách, với lớp vỏ mỏng, dẻo dai và hương vị thơm ngon. Bánh tro chấm với mật mía là tuyệt nhất. Vị ngọt thanh của mật mía và hương vị đặc trưng của bánh hòa quyện, tạo thành một trải nghiệm không thể bỏ lỡ.
Trước kia, cuộc sống bộn bề gian khó nên người Sán Dìu thường chỉ làm bánh vào dịp lễ, Tết hay gia đình có việc trọng đại. Vào ngày Tết, đúng giờ giao thừa bánh được đặt lên ban thờ để dâng lên Gia tiên chào đón năm mới, cầu mong hạnh phúc, an bình. Ngày nay, thứ thức ngon ấy đã trở thành món ăn thường ngày, là món quà biếu của bao người xa quê.
Gửi phản hồi
In bài viết