Hương vị ngày Xuân

- Những ngày cuối năm, khi những cánh hoa đào hé nở khoe sắc, báo hiệu mùa xuân về cũng là lúc người xứ Tuyên nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Từ đầu tháng 12 (âm lịch) các gia đình đã bắt tay vào làm những món ăn truyền thống để dâng lên tổ tiên và chung vui trong họ hàng.

Vào dịp giáp Tết, các gia đình thường hay mổ lợn để mời anh em, họ hàng, làng xóm ăn tết. Lợn tết hầu hết được các gia đình tự nuôi, cho lợn ăn những thức ăn do chính mình làm ra như cám ngô, cám gạo, rau khoai... Đối 

với người Tày, người Dao còn có thịt lợn đen, loại lợn này được chăn thả tự nhiên, nên thịt săn chắc, thơm và bì rất giòn. Thịt lợn được chế biến thành nhiều món đa dạng như: thịt nướng, xào lăn với sả, muối chua… Vào các dịp lễ tết, thịt lợn còn được chế biến thành các món giò để cúng tổ tiên.

Ở vùng Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình… còn có món thịt lợn chua thơm ngon nức tiếng. Thành phần của thịt lợn chua gồm thịt ba chỉ thái miếng rồi ướp muối, trộn hỗn hợp với lá gia vị (lá riềng, lá gừng, lá trầu, lá cơm đỏ, loại lá chuyên dùng để xôi cơm) cùng với rượu. Tiếp đó, nấu cơm bằng gạo tẻ hoặc gạo nếp sau đó để nguội, bóp đều với thịt. Chuẩn bị một cái chum hoặc vại để xếp thịt vào. Lớp trên cùng cho cơm nguội dày, sau đó lèn thật chặt. Bịt kín nắp chum rồi ủ vài ngày (thời gian ủ từ 5 - 15 ngày tùy thuộc mục đích sử dụng và sở thích người ăn). Khi thịt đủ độ ngấu thì mang ra thưởng thức. Vị thơm của mỡ, vị giòn, sần sật của bì và thịt nạc tạo thành món ăn riêng độc đáo của người vùng cao.

Có nhiều món ăn trong dịp Tết, trong đó bánh chưng luôn là một phần không thể thiếu trong dịp Tết đến xuân về. Nếu bánh chưng của người Kinh có màu xanh, được gói theo hình vuông lớn, tượng trưng cho đất thì bánh chưng dài là ẩm thực độc đáo thể hiện rõ bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, Cao Lan. Còn đối với người Dao lại là bánh chưng gù, loại bánh đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận thì hình gù trên những chiếc bánh càng đẹp. Bánh mang hương vị ngọt thơm của gạo nếp nương, của đỗ xanh và ngậy bùi của thịt lợn, như quyện sánh bởi sự giao hòa của đất - trời. 

Mỗi vùng miền đều có những nét độc đáo riêng trong cách chế biến món ăn ngày Tết, nhưng vẫn có sự thống nhất theo tổng thể chung. Bởi mâm cơm ngày Tết chính là biểu tượng của sự sung túc, đủ đầy và thể hiện cả tấm lòng thành kính mà con cháu muốn tri ân, dâng lên ông bà, tổ tiên của mình. Cùng với đó, các món ăn ngày Tết của người Việt nói chung và người xứ Tuyên nói riêng còn gắn với những sự tích, truyền thuyết ý nghĩa, thể hiện nét văn hóa truyền thống dân gian lâu đời của nhân dân ta.

Cảnh Trực

Tin cùng chuyên mục