Nhà văn người Dao Bàn Tài Đoàn khẳng định: Tuyên Quang là vùng đất có hai loài cá tiến Vua nổi tiêng là Dầm Xanh và Anh Vũ. Cá chỉ sống ở khu vực dòng sông Lô, Gâm nước chảy siết, có nhiều khe đá ngầm. Đã biết bao giấy mực của các nhà thơ, nhà văn có nhắc tới hai loài cá quý hiếm này, song để thưởng thức nó không phải ai cũng có cơ hội. Chính cái vẻ “hiếm có khó tìm” đó đã đưa món ăn cá Dầm Xanh, Anh Vũ càng trở lên bí hiểm, khiến nhiều người tò mò. Họ tìm hiểu qua sách, báo, mạng xã hội thì biết cá Dầm Xanh, Anh Vũ thuộc họ nhà chép, chuyên ăn rêu tảo. Thịt cá thơm ngon hảo hạng, giúp bồi bổ cơ thể và chữa bệnh. Tin vui từ ngành Thủy sản tỉnh, mấy năm gần đây đã nhân giống thành công loài cá quý, thả ra sông, tái tạo nguồn lợi. Hy vọng với sự quý hiếm, bí hiểm của hài loài cá tiến Vua sẽ hấp dẫn du khách tìm hiểu về nét ẩm thực xứ Tuyên xưa và nay.
Cá Dầm Xanh tiến Vua đặc sản của Tuyên Quang.
Nhấp một chén chè nóng, nhà báo, nhiếp ảnh gia Đỗ Hùng khề khà: Tôi đã đi nhiều nơi, nhiều vùng đất nhưng không thể quên được hương vị chè xứ Tuyên. Các loại chè tôi đều uống, song thích nhất vẫn là chè Shan tuyết ở Na Hang, Lâm Bình. Đây là giống chè cây to cổ thụ, mọc lâu năm ở trên đồi cao, ưa khí hậu mát mẻ. Thu hoạch người ta phải đeo gùi trèo lên ngọn để hái. Búp chè Shan thường mập, khi sao cánh hơi to. Khi uống nước chè màu mật ong, vị chát chuyển sang ngọt với hương thơm khó tả. Ai đã từng uống chắc chắn dần dần sẽ nghiện loại chè này. Với danh tiếng bay xa vậy, chè Shan tuyết xứ Tuyên còn được Thủ tướng Chính phủ làm quà biếu nguyên thủ quốc gia khi sang thăm Việt Nam. Một trong những xã có chè Shan tuyết như Hồng Thái (Na Hang) còn tổ chức thi hái chè, nhằm thu hút văn nghệ sỹ, khách du lịch quảng bá cho loại ẩm thực nổi tiếng này.
Từ ngành điện về hưu, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Đại Hồng rất say sưa với văn hóa của địa phương. Trong đó ông nghiên cứu kỹ về nét văn hóa ẩm thực xứ Tuyên. Theo ông Tống Đại Hồng, người Tày là dân tộc thiểu số đông nhất, chủ nhân xa xưa của vùng đất này. Nên văn hóa Tày gần như bao trùm văn hóa xứ Tuyên, trong đó ẩm thực là một ví dụ. Người Tày ở Tuyên Quang có hai khẩu vị chính là chua và đắng. Những món có vị đắng có thể kể ra như chè đắng, canh đắng, măng đắng. Còn vị chua là thịt chua, măng chua, canh chua, nước chấm mẻ chua. Nếu như khách du lịch ở miền Nam thích vị ngọt của đường, khách miền Trung thích vị cay của ớt lên Tuyên Quang khá ngạc nhiên, tò mò với khẩu vị chua và đắng của bà con nơi đây. Sự khác biệt, phong phú về văn hóa ẩm thực vùng miền, địa phương, dân tộc, cũng là thế mạnh cho tỉnh phát triển du lịch.
Cuộc thi làm bánh trứng kiến gói lá ngõa của phụ nữ huyện Lâm Bình.
Ở Tuyên Quang những người tiên phong quảng bá cho ẩm thực quê hương chính là những nhiếp ảnh gia. Ngoài thơ, văn, nhạc, họa, thì nhiếp ảnh có một thế mạnh riêng, cho công chúng có một cái nhìn trực quan. Nhiếp ảnh gia Mạnh Cường ưa thích ảnh phong cảnh, chân dung, đời thường, trong đó anh dành một khoảng lớn cho sáng tác ảnh về ẩm thực xứ Tuyên. Vì theo anh làm nổi bật được ẩm thực xứ Tuyên chính là thể hiện được bản sắc của địa phương. Các loạt ảnh chụp ảnh cam sành, vịt bầu Hàm Yên; bưởi Soi Hà, hồng ngâm Xuân Vân (Yên Sơn); bánh gai, thịt chua, mắm cá ruộng Chiêm Hóa; chè Shan tuyết, rượu ngô, bún khô Na Hang; xôi ngũ sắc, bánh trứng kiến, thịt trâu khô, cá nướng Lâm Bình…lần lượt được “ra lò”. Đi mỗi xã, mỗi thôn hay mỗi dân tộc ở Tuyên Quang lại được thưởng thức nét văn hóa ẩm thực riêng. Như món thịt sấy khô treo gác bếp của người Mông khác người Dao và người Nùng. Có thể cũng là thịt lợn, song cách chế biến của mỗi dân tộc làm cho khẩu vị của nó khác nhau. Nên ẩm thực của Tuyên Quang chính là “vườn hoa” đa sắc màu.
Người ta có câu “miếng ngon nhớ lâu” quả thật đúng. Nhiều người nhớ mãi Tuyên Quang với món bánh gai Chiêm Hóa chẳng hạn. Cũng như đi Nghệ An người ta phải ăn cháo lươn, đi Huế ăn cơm hến, đi Ninh Bình ăn cơm cháy, thịt dê. Những năm gần đây Tuyên Quang tổ chức Lễ hội Thành Tuyên gắn với Lễ hội Bia Hà Nội và Ẩm thực xứ Tuyên. Các huyện, thành phố đều có gian hàng ẩm thực đặc trưng để hưởng ứng, giới thiệu, quảng bá. Được các nhà báo, văn nghệ sỹ thổi hồn truyền cảm hứng, làm cho danh tiếng ẩm thực xứ Tuyên càng bay cao, bay xa.
Gửi phản hồi
In bài viết