Bánh dày nhân vừng đen

- Đến với các huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang), du khách không thể không thưởng thức bánh dày nhân vừng đen của người Tày. Đây là món bánh đặc sản người Tày thường làm vào các dịp lễ, tết hoặc để thiết đãi khách quý khi đến nhà chơi. 

Người phụ nữ Tày làm bánh dày nhân vừng đen rất công phu và tỉ mỉ. Họ chọn gạo làm bánh phải là loại gạo nếp nương, hạt đều đem đãi sạch rồi cho vào đõ gỗ để xôi lên chừng 30 phút. Khi những hạt gạo nếp vừa chín đều, dẻo, phụ nữ Tày cho vào cối sạch để giã nhuyễn.

Thời gian giã nhuyễn cũng phải mất gần 1 giờ đồng hồ và rất công phu. Nhịp giã bánh phải đều tay. Những người Tày trong một gia đình thường giúp nhau giã bánh dày. Để có nhân vừng đen làm bánh dày, người Tày phải tra vừng trên nương từ tháng 3, 4 hàng năm và đến tận tháng 7, tháng 8 mới cho thu hoạch và dự trữ để dùng suốt trong cả một năm.

Hạt vừng đem rang trên lửa nhỏ, luôn phải đảo cho vừng vừa chín mà không cháy. Khi vừng chín, tỏa ra mùi thơm nhẹ thì bắt đầu mang giã nhỏ. Thế nhưng bánh dày có nhân thơm ngon không chỉ bởi hạt vừng mà còn bởi một nguyên liệu không thể thiếu đó chính là mật mía. Người Tày không trộn vừng đen với nước đường đã nấu để làm nhân bánh, bởi như thế nhân bánh sẽ mất đi mùi thơm mà dùng mật mía để hòa với vừng đen. Mía được dóc vỏ, đem ép lấy nước sau đó đem nấu cho đến khi quánh và sánh lại rồi được người Tày dự trữ cẩn thận trong can, chai nhựa dùng để làm bánh dày quanh năm. Người Tày thường gói bánh dày nhân vừng đen bằng lá chuối đã được hơ qua lửa cho mềm, dai và có mùi thơm.

Ngày nay, dù đã có máy xay bột nhưng nhiều gia đình người Tày ở vùng cao Lâm Bình, Na Hang vẫn còn giữ cách làm bánh dày nhân vừng đen truyền thống để làm nên những chiếc bánh thơm ngon và mang hương vị đặc trưng của dân tộc mình.

Dương Cầm

Tin cùng chuyên mục