Hai nguyên liệu quan trọng nhất để chế biến món xôi trám đen chính là gạo nếp và trám đen. Gạo nếp phải chọn loại hạt to, tròn, chắc mẩy. Để món ăn thêm phần hấp dẫn và có được hương vị đặc trưng, các bà nội trợ nên tìm mua gạo nếp nương của đồng bào vùng cao là chuẩn nhất. Gạo nếp vo sạch rồi ngâm nước từ 6 - 8 giờ để gạo ngậm no nước khi đồ xôi dẻo mềm. Sau đó đổ ra rổ cho ráo nước, xóc 1/2 thìa cà phê muối cho đậm vị và thêm chút dầu ăn trộn đều để tạo độ bóng.
Trám có hai loại trám trắng và trám đen. Chọn trám đen làm xôi là ngon nhất vì trám đen có vị ngậy và bùi. Lựa chọn quả trám đen tươi rửa sạch, cho vào âu cùng với nước ấm (nước om trám là "3 sôi, 2 lạnh" để nước khoảng 70 - 80 độ là đạt), đậy vung kín cho tới khi trám mềm thì vớt ra, tách đôi, bỏ hạt. Quả trám đen ỏm ngon nhất là lúc bẻ đôi có thể tách bỏ hạt một cách dễ dàng và để lộ phần thịt trám có màu tím pha hồng còn phần cùi trám thì mềm, dậy mùi thơm ngậy ngậy, chua chua.
Khi xôi và trám đều đã được làm chín, trộn 2 nguyên liệu lại với nhau. Có nhiều cách để làm xôi trám đen như: xôi khi đồ chín có thể ăn kèm luôn với trám đã ỏm; đem bóc vỏ đen của trám hoặc giữ nguyên, lấy phần thịt bỏ hạt, rồi nghiền nhuyễn trộn đều với xôi đã đồ trước đó, rồi đem đồ lại trên chõ một lần nữa khoảng 10 phút đến khi xôi chín có mầu hồng tím. Khi đồ xôi một số gia đình trộn thêm thịt băm xào sẵn với trám để tăng thêm độ đậm đà…
Thưởng thức món xôi trám đen lúc nóng hổi sẽ vô cùng hấp dẫn. Mùi thơm ngào ngạt của hương lúa nếp vùng cao quyện với mùi thơm dịu nhẹ của trám sẽ khiến bất cứ ai cũng ngất ngây. Chấm xôi với muối vừng hoặc ăn kèm thịt chua đã chế biến khiến bạn thưởng thức mãi không chán. Món ngon này có thể mang theo khi đi du lịch hay dùng cho bữa sáng và điểm vào mâm cỗ đều mang dư vị riêng.
Gửi phản hồi
In bài viết