Nét mới của mùa lễ hội năm nay
Sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, nhà nhà tự cách ly, năm nay dịch bệnh gần như được khống chế, kiểm soát hoàn toàn, hầu hết người dân đều được tiêm phòng vắc xin an toàn. Tết Quý Mão năm nay người dân hân hoan chào đón năm mới trong không khí bình thường, ai cũng muốn đi hội.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các lễ hội truyền thống đầu xuân trên địa bàn tỉnh đều diễn ra trong không khí phấn khởi của nhân dân. Các lễ hội đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân địa phương, quảng bá tiềm năng thế mạnh, đồng thời cũng là giải pháp kích cầu để thu hút khách du lịch. Để phấn đấu du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, thì huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn cũng phải lấy du lịch làm trọng tâm phát triển.
Lễ hội là cơ hội để các xã, thị trấn quảng bá, bán sản phẩm của địa phương mình.
Nét mới của mùa lễ hội năm nay có thể thấy rõ nhất ở công tác tổ chức. Nếu như Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa trước đây chỉ diễn ra trong 1 ngày mồng 8 tháng Giêng. Xong phần lễ, tan phần hội là kết thúc lễ hội. Việc níu chân du khách là rất khó. Xuân Quý Mão năm nay, huyện Chiêm Hóa đổi mới tổ chức Lễ hội Lồng tông trong 3 ngày, từ ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng với nhiều hoạt động hấp dẫn như Hội chợ xuân, Giải đua xe đạp địa hình, Thi khâu quả còn đẹp, Chương trình văn nghệ đặc sắc.
Anh Nguyễn Văn Bé, du khách Hải Phòng cho rằng, năm nay anh và gia đình được trải nghiệm trọn vẹn không gian văn hóa của đồng bào Tày Chiêm Hóa. Chỉ cần dạo quanh các gian hàng trưng bày, anh Bé có thể hiểu được phần nào bản sắc văn hóa, tiềm năng thế mạnh của người dân nơi đây.
Không chỉ lễ hội diễn ra ở cấp huyện, Chiêm Hóa khuyến khích các xã trên địa bàn khôi phục các lễ hội truyền thống. Ngày mồng 10 tháng Giêng năm nay xã Linh Phú tổ chức Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn cùng nhiều hoạt động như tung còn, bóng chuyền, văn nghệ, chiếu phim tư liệu, nhảy lửa.
Cũng như Chiêm Hóa, huyện vùng cao Lâm Bình, ngoài lễ hội Lồng tông cấp huyện tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng Giêng, các xã trên địa bàn cũng tổ chức lễ hội nhằm đánh thức tiềm năng của địa phương.
Đồng chí Chẩu Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An (Lâm Bình), Trưởng Ban tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc xã Bình An xuân Quý Mão 2023 (ngày 12 tháng Giêng) tại thôn Tiên Tốc cho biết, ngày hội có nghi lễ cúng ở đền Pù Chùa, cúng cầu mùa và dựng cây nêu, hội chợ quê, liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc, các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian.
Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa mang đầy bản sắc địa phương.
Ở xã bên cạnh Bình An là Phúc Sơn (Lâm Bình) thì tổ chức Ngày hội Văn hóa thôn Bản Biến vào ngày 13 tháng Giêng. Hoạt động lễ hội, ngày hội đã xuống đến cấp thôn càng làm phong phú hơn nữa đời sống tinh thần của nhân dân. Chính quyền xã Phúc Sơn mong muốn qua hoạt động này thức dậy tiềm năng du lịch cộng đồng của thôn Bản Biến, đưa du lịch của địa phương lên một tầm cao mới.
Trở lại thành phố Tuyên Quang, Hội đua thuyền trên sông Lô năm nay được tổ chức vào ngày mồng 4 Tết, có đầy đủ tay đua của 15 xã, phường trên địa bàn. Trước kia thành phố Tuyên Quang có 13 xã, phường, sau khi sáp nhập xã Kim Phú, phường Mỹ Lâm vào thành phố Tuyên Quang đã hình thành lên 15 đội đua thuyền. Mỗi tốp đua có 3 đội, chia thành 5 lượt đua. Quy mô số đội được nâng lên, làm cho Hội đua càng đông vui, sôi động, tạo dấu ấn đậm nét trong lòng du khách.
Du lịch tâm linh là chủ đạo
Ở xứ Tuyên, mỗi mùa có một thế mạnh du lịch riêng, trong đó mỗi dịp Tết đến xuân về, du lịch tâm linh hướng về cội nguồn vẫn là chủ đạo. Trong dịp Tết Quý Mão 2023 Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đón trên 20.000 lượt du khách đến tham quan, dâng hương. Bà Nguyễn Thị Hồng dẫn một đoàn khách từ tỉnh Hải Dương lên tham quan chiến khu xưa khẳng định, Tân Trào là trái tim cách mạng của cả nước, Thủ đô Khu Giải phóng - Thủ đô Kháng chiến, mỗi tên đất, tên làng ở đây đều gắn với một thời oanh liệt. Về với Tân Trào là về với cội nguồn dân tộc, nhớ về Bác Hồ, Trung ương Đảng, các vị tiền bối cách mạng. Đây thực sự là địa chỉ đỏ giáo dục lớp lớp thế hệ người Việt Nam ta. Bà Hồng cho rằng, Tân Trào vẫn giữ được dáng vẻ xưa với không gian rừng đặc dụng xanh mướt, lấp ló là quần thể nhà sàn homestay thôn Tân Lập. Về Tân Trào du xuân mùa này, bà cảm thấy như được trở về với nguồn cội.
Nhiều trò chơi dân gian được tái hiện trong các lễ hội xuân.
Cùng với các điểm du lịch lịch sử, về nguồn, những ngôi chùa cổ kính vùng sơn cước thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách. Tuyên Quang có khoảng trên 30 ngôi chùa, trong đó có chùa Bảo Ninh Sùng Phúc xã Yên Nguyên; chùa Nhùng xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) có từ thời Nhà Lý. Hiện chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đang lưu giữ tấm Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia. Còn lại hệ thống chùa đều xây dựng ở thời Trần, Lê và các triều đại phong kiến sau này chứng tỏ Phật giáo vào Tuyên Quang rất sớm. Những ngôi chùa hàng nghìn năm tuổi ở đó chứa đựng nhiều giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống của dân tộc. Mùa du lịch tâm linh năm nay có lẽ Thiền Viện Trúc Lâm Chính Pháp xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) đang là điểm nhấn tham quan, dâng hương, vãn cảnh lý tưởng. Tuy vẫn trong giai đoạn xây dựng chưa hoàn thành, nhưng vẻ đẹp của Thiền Viện đã lan tỏa gần xa.
Đền ở Tuyên Quang chủ yếu thờ Mẫu Tam Phủ là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải. Bên cạnh đó một số đền còn thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ông Nguyễn Phi Khanh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của tỉnh cho biết, Thờ Mẫu là văn hóa tín ngưỡng rất thuần Việt. Tuyên Quang, nhất là thành phố Tuyên Quang rất có duyên với những ngôi đền nổi tiếng. Chính tỏ cư dân nơi đây tôn sùng Thánh Mẫu. Đầu tiên du khách có thể đi đền Trình, đền Cấm, rồi mới vào hệ thống đền trung tâm. Đầu tháng 2 âm lịch, lễ rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La sẽ là tâm điểm của mùa lễ hội đền.
Màn thi đấu quyết liệt của Hội đua thuyền trên sông Lô năm nay.
Ở Tuyên Quang ngoài hệ thống đền cổ, còn có nhiều ngôi đền tên rất lạ, nghi lễ thờ cúng cũng bản địa hóa. Như đền Bách Thần (Chiêm Hóa) thờ cúng cả trăm vị thần. Nào là thờ thiên thần như mây, mưa, sấm, chớp; nào nào thờ địa thần như sông, núi; nào là thờ nhân thần là các vị anh hùng dân tộc, người có công với đất nước.
Tiềm năng, thế mạnh du lịch của Tuyên Quang còn lớn, nhất là mảng du lịch lễ hội, du lịch tâm linh đầu xuân. Ngành du lịch Tuyên Quang phấn đấu năm 2023 sẽ đón khoảng 2,5 triệu lượt du khách. Để cụ thể hóa mục tiêu đó, các địa phương cũng đang quyết tâm thực hiện. Những nét mới, điểm nhấn trong mùa lễ hội xuân năm nay đang là một tín hiệu vui để hiện thực hóa con số này!.
Gửi phản hồi
In bài viết