Luật sư Đàm Quốc Cường.
Phóng viên (P.V): Thưa ông, xin ông có thể nói rõ hơn cho độc giả biết về những quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ? Pháp luật hiện hành có quy định như thế nào trong việc xác định các quyền lợi có thể được bảo hiểm này?
Luật sư Đàm Quốc Cường: Theo quy định tại khoản 2, Điều 9, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành thì quyền lợi được bảo hiểm là: “quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm”.
Theo quy định của khoản 3, Điều 9, Luật Kinh doanh bảo hiểm, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng phải gắn với đối tượng được bảo hiểm. Khoản 1, Điều 31, Luật KDBH quy định: “Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và tai nạn con người”.
Khoản 2, Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm, “Bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau đây: Bản thân bên mua bảo hiểm; Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm; Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng; Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm”.
Theo quy định của khoản 1, Điều 22, Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm sẽ bị tuyên bố vô hiệu nếu tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Có nghĩa là, nếu bên mua bảo hiểm có khả năng dự báo về một quyền lợi có thể bị “tổn thất” trong tương lai thì họ hoàn toàn có quyền “đầu tư” để hạn chế những tổn thất như vậy có thể xảy ra. Ngược lại, nếu tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm thì coi như dự báo về tổn thất là sai. Do đó, bên bảo hiểm không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, quy định của pháp luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành bắt buộc người mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm là không cần thiết, cản trở sự tham gia bảo hiểm của người có nhu cầu.
Theo quy định của điểm a, khoản 1, Điều 23, Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt hiệu lực nếu tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm nhưng trong quá trình thực hiện, quyền lợi có thể được bảo hiểm đã không còn tồn tại. Để hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực, người mua bảo hiểm có thể thỏa thuận chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cho người có quyền lợi có thể được bảo hiểm tiếp theo.
Văn phòng Luật sư Quốc Cường tư vấn cho khách hàng.
P.V: Trong trường hợp người mua bảo hiểm ký hợp đồng bảo hiểm, nhưng sau đó mới phát hiện một số điều không giống với tư vấn thì họ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình, thưa ông?
Luật sư Đàm Quốc Cường: Trong hợp đồng bảo hiểm, có một số mốc thời gian mà khách hàng có thể nhầm hoặc hiểu chưa rõ là thời hạn bảo hiểm/thời hạn hợp đồng và thời hạn đóng phí.
Thời hạn bảo hiểm/Thời hạn hợp đồng là khoảng thời gian khách hàng được bảo hiểm theo hợp đồng đã ký kết.
Thời hạn đóng phí là khoảng thời gian khách hàng cần đóng phí để được bảo hiểm. Trong đó, thời hạn đóng phí tối đa có thể bằng với thời hạn của hợp đồng bảo hiểm, tuy nhiên đối với sản phẩm liên kết đầu tư, các công ty bảo hiểm thường thiết kế cho phép khách hàng có thể lựa chọn khoảng thời gian đóng phí ngắn hơn thời hạn hợp đồng.
Nếu có sự nhầm nhẫn, khách hàng nên thương thảo với công ty bảo hiểm tìm giải pháp rồi mới lựa chọn phương án hủy hợp đồng, bởi đã quá thời gian có quyền hủy bỏ hợp đồng theo luật (thời gian cân nhắc hủy bỏ hợp đồng là 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm theo điều 35, Luật Kinh doanh bảo hiểm).
Khi mua bảo hiểm người mua cần chú ý tìm hiểu để am hiểu về bảo hiểm, về nhu cầu của mình để lựa chọn sản phẩm bảo hiểm trên vô vàn sản phẩm bảo hiểm của nhiều công ty bảo hiểm trên thị trường. Phải chọn tư vấn viên, đại lý bảo hiểm có uy tín. Những người này cần đứng từ góc nhìn của khách hàng và tư vấn hết tất cả khía cạnh, đưa ra được hết tất cả ưu điểm, nhược điểm của các sản phẩm bảo hiểm. Để làm sao khách hàng có cảm nhận an tâm và không có cảm giác bị đánh tráo khái niệm, có cảm giác bị lừa.
P.V: Theo ông, trước khi đặt bút ký vào các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, khách hàng cần lưu ý gì để tránh những rủi ro?
Luật sư Đàm Quốc Cường: Để tránh rủi ro, theo tôi trước hết khách hàng cần lựa chọn công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín là yếu tố quan trọng hàng đầu sau khi đã quyết định loại bảo hiểm cần mua. Cần tìm hiểu thông tin về pháp lý, lịch sử hình thành, mô hình hoạt động, cách thức vận hành của công ty đó.
Nghiên cứu đặc điểm các loại bảo hiểm nhân thọ: Bảo hiểm nhân thọ có nhiều gói phù hợp với từng nhu cầu khác nhau; Cần phân tích và so sánh các loại bảo hiểm để tìm gói bảo hiểm phù hợp nhất. Nếu trong quá trình lựa chọn có nhiều băn khoăn có thể tham khảo lời khuyên từ các đơn vị tư vấn tài chính để có quyết định chính xác và phù hợp với mong muốn của bản thân.
Nên cân nhắc tình hình tài chính của bản thân: Tình hình tài chính hiện tại, nhu cầu tài chính trong tương lai là những điều cần lưu tâm. Nếu muốn thực hiện một mục tiêu trong tương lai, phải lên kế hoạch và hoạch định tình hình thu nhập, khả năng tiết kiệm của bản thân.
Tìm hiểu thủ tục hợp đồng bảo hiểm nhân thọ: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là yếu tố quan trọng nhất trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên, cần xem xét thật kỹ các thông tin được kê khai trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như thông tin cá nhân, gói bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.
Điền các thông tin vào hợp đồng chính xác: Ngay sau khi ký kết thì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ có hiệu lực, vì vậy đảm bảo đã kê khai thông tin trung thực và chính xác. Công ty bảo hiểm sẽ dựa vào những thông tin được khai để tính phí cũng như chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Nếu có bất kỳ sai sót nào trong việc cung cấp thông tin, sẽ gặp rắc rối về sau. Thông tin cá nhân của người mua, người thụ hưởng, tình trạng sức khỏe và thông tin của gói bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm là những mục cần lưu ý.
Tìm hiểu kỹ các quyền lợi của hợp đồng: Các quyền lợi khi tham gia bảo hiểm sẽ được kê khai trong hợp đồng, cần tìm hiểu cụ thể các quyền lợi của mình khi mua bảo hiểm để biết được các quyền cơ bản, tổng quyền lợi, mức chi trả, mức lãi suất... để có thể áp dụng và bảo vệ các lợi ích của mình. Ngoài ra, cần tham khảo quyền lợi bổ trợ, bởi đây cũng là mục quan trọng trong hợp đồng.
Các trường hợp chi trả, bồi thường: Không phải bất cứ trường hợp rủi ro nào xảy ra trong quá trình tham gia bảo hiểm nhân thọ đều được chi trả hoặc bồi thường. Vậy nên, bên cạnh việc tham khảo về quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, cần tìm hiểu kỹ những trường hợp bồi thường, chi trả, không bồi thường trong hợp đồng.
Phí bảo hiểm nhân thọ và thời gian đóng phí: Mức phí bảo hiểm nhân thọ sẽ có sự khác nhau đối với từng gói bảo hiểm. Cần tìm hiểu phí và thời gian được quy định trong hợp đồng để nắm các thông tin này. Người tham gia bảo hiểm nhân thọ cần phải đóng phí bảo hiểm đúng thời gian để tránh các rủi ro không đáng có.
Hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ: Nếu hủy hợp đồng, sẽ mất đi những quyền lợi được ghi trong hợp đồng cũng như các loại phí bảo hiểm đã đóng. Hợp đồng có quy định chi tiết về việc bảo hiểm chưa hình thành giá trị hoàn lại trong hai năm đầu tham gia bảo hiểm. Nếu gặp khó khăn hoặc có vấn đề về tài chính, có thể đề xuất giảm phí đóng bảo hiểm hoặc gia hạn, tái khôi phục lại hợp đồng sau thời gian cụ thể để giảm thiệt hại.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Quản lý chặt nhân viên tư vấn
Bà Lê Thị Khánh Vân,
Trưởng Phòng kinh doanh, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam - Chi nhánh Tuyên Quang 2
Đảm bảo quyền lợi của khách hàng, Dai-ichi Life Việt Nam đã rà soát lại tổng thể các quy trình bán hàng, quy trình dịch vụ khách hàng đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật. Dai-ichi Life Việt Nam cũng yêu cầu đến tất cả các tư vấn viên bảo hiểm công khai thông tin về hoạt động nghiệp vụ của bảo hiểm, đặc biệt là công khai thông tin liên quan đến nội dung khách hàng cần lưu ý đối với từng sản phẩm bảo hiểm. Trên cơ sở đó, tư vấn, hướng dẫn tận tình nhưng không gây phiền hà cho khách hàng. Dai-ichi Life Việt Nam cũng đã thiết lập, phân công cán bộ thường trực để tiếp nhận xử lý các phản ánh, thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm trên tinh thần giải quyết kịp thời quyền lợi của khách hàng...
Nhân viên tư vấn bảo hiểm phải có tâm
Ông Tô Ngọc Tuân,
thôn Hoa Lũng, xã Đại Phú (Sơn Dương)
Tôi đã tham gia bảo hiểm nhân thọ để đề phòng những rủi ro. Khi tôi có ý định mua bảo hiểm, rất nhiều tư vấn viên đã chủ động liên hệ để tư vấn. Mặc dù đã tìm hiểu rất kỹ về các điều khoản nhưng để hiểu hết bộ quy tắc bảo hiểm thì không phải là chuyện dễ. Vì vậy, tôi mong muốn các công ty bảo hiểm sẽ có đội ngũ tư vấn bảo hiểm thực sự am hiểu về lợi ích, quyền lợi của bảo hiểm. Nhân viên phải được trang bị đầy đủ kiến thức về bảo hiểm và pháp luật kinh doanh bảo hiểm để có thể giải thích rõ những thuật ngữ, điều kiện điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm cũng như những khúc mắc bấy lâu mà khách hàng chưa được giải đáp. Và quan trọng nhất, đội ngũ tư vấn phải có tâm, chân thành, tử tế và biết bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Có như vậy bản thân tôi và các khách hàng khác sẽ yên tâm, tin tưởng hơn khi tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Hiểu rõ các điều khoản để đảm bảo quyền lợi
Bà Vũ Thị Thùy Dương,
phường An Tường (TP Tuyên Quang), nhân viên tư vấn bảo hiểm AIA Việt Nam
Giữa muôn hình vạn trạng của bảo hiểm nhân thọ, để tránh những rủi ro thì mỗi cá nhân hãy là người mua bảo hiểm thông minh bằng cách lựa chọn tư vấn viên tận tâm, có đạo đức nghề nghiệp. Từ đó giúp bản thân hiểu rõ ý nghĩa, vai trò và giá trị của bảo hiểm trong việc bảo vệ người tham gia, người phụ thuộc. Người có nhu cầu tham gia bảo hiểm cũng cần trao đổi rõ với nhân viên tư vấn về khả năng tài chính, nhu cầu của bản thân để lựa chọn đúng sản phẩm phù hợp, không lựa chọn bảo hiểm nhân thọ là kênh đầu tư tài chính có lãi. Bên cạnh đó, mỗi khách hàng cũng cần chắc chắn đã đọc và hiểu rõ nội dung, điều khoản trong hợp đồng, có trách nhiệm với chữ ký của mình trước khi ký kết.
Gửi phản hồi
In bài viết