Liên kết phát triển du lịch

- Tuyên Quang nằm ở trung tâm của vùng núi phía Bắc nên có nhiều thuận lợi để liên kết tỉnh, vùng, khu vực phát triển du lịch. Tăng cường liên kết để phát triển du lịch sẽ góp phần đưa du lịch được kết nối liên hoàn, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh riêng có của Tuyên Quang.

Giá trị tài nguyên du lịch phong phú

Không chỉ có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, hệ sinh thái đa dạng, Tuyên Quang còn là địa danh gắn với quá trình hình thành dân tộc và đất nước. Nơi đây là nơi khởi phát, hội tụ và giao thoa văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc sinh sống lâu đời. Tất cả những tài nguyên và giá trị này được hội tụ ở mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng đã tạo nên các giá trị tài nguyên du lịch phong phú. Đó là các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng, văn hóa tâm linh, văn hóa dân tộc bản địa; tài nguyên du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giá trị sinh thái nông nghiệp. Từ đó tạo ra sự cạnh trạnh riêng để kết nối với các tỉnh, thành, khu vực khác trong phát triển du lịch.

Du khách trải nghiệm bơi mảng trên hồ Nà Nưa, Tân Trào (Sơn Dương). 

Xác định các giá trị tài nguyên cũng như tiềm năng, thế mạnh để liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, vùng và khu vực, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như hệ thống giao thông đường bộ, dịch vụ viễn thông, hệ thống điện lưới... Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 tuyến quốc lộ đi qua, tạo thành mạng lưới liên hoàn, thông suốt, kết nối giữa Tuyên Quang với các tỉnh, vùng trong cả nước; kết nối các huyện, thành phố, các điểm, khu du lịch thuận lợi. Hạ tầng viễn thông từng bước được đầu tư và phát triển quy mô trên nền tảng kỹ thuật số viễn thông, bưu chính. Bên cạnh đó, Tuyên Quang cũng ban hành nhiều nghị quyết, chính sách khuyến khích, thu hút phát triển du lịch.

Chính những yếu tố thuận lợi này cùng với tài nguyên sẵn có là động lực, tiền đề để xây dựng các tua, tuyến liên kết trong du lịch giữa Tuyên Quang với các tỉnh trong vùng chiến khu Việt Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang hay các tỉnh khác như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định trong một lần lên Tuyên Quang rằng,  với những tài nguyên sẵn có, nếu Tuyên Quang có sự liên kết, hợp tác vùng mới có thể khẳng định và đưa nét riêng có của mình vươn xa và lan tỏa rộng rãi hơn.

Du khách tham quan hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.

Xu hướng tất yếu

Liên kết để phát triển du lịch liên tỉnh, liên vùng, liên khu vực được xem là xu hướng tất yếu ở cả hiện tại và tương lai. Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch có sự tham gia tích cực của các tỉnh trong khu vực và cả nước. Trong 2 năm 2022, 2023, tại thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị truyền thông về Năm Du lịch và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất, lần thứ II. Trong năm 2022, tỉnh dã tổ chức Hội nghị truyền thông về Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên. Trong lĩnh vực hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Tuyên Quang  - Hà Giang với chủ đề “Huyền thoại sông Gâm”. Đồng thời tổ chức đón các đoàn Famtrip, Presstrip đến khảo sát, tìm hiểu thị trường, kết nối các tua, tuyến giữa Tuyên Quang với các tỉnh khác. Tỉnh đã làm việc với Công ty Cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, công ty đã thực hiện khảo sát, xây dựng và triển khai sản phẩm đưa Tuyên Quang từ “điểm dừng” trở thành “điểm đến” trong hành trình tua của Vietravel.  Mới đây, Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh cũng phối hợp với Khu ATK Định Hóa (Thái Nguyên), các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành tổ chức chương trình liên kết, quảng bá phát triển du lịch liên khu, liên vùng và giới thiệu các sản phẩm du lịch tại Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm với chủ đề “Mỹ Lâm - đến để nhớ”.

Du khách tham quan Làng Văn hóa Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Ảnh: Quang Hòa.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết trong du lịch, hiện Trung tâm Xúc tiến đầu tư  tỉnh đang chuẩn bị các bước để ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Vĩnh Phúc, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội. Theo đó, ngoài liên kết hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, các bên còn xây dựng chương trình du lịch “Thủ đô Văn hiến - Thủ đô Kháng chiến” giữa Tuyên Quang và Hà Nội, chương trình du lịch: Hà Nội - Tam Đảo - Tây Thiên (Vĩnh Phúc) - Sơn Dương - Tân Trào (Tuyên Quang); tour du lịch thăm chiến trường xưa: Chiến khu Ngọc Thanh - Tam Đảo - Tây Thiên - Tân Trào - ATK Định Hóa...

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc và có tính liên ngành, liên vùng. Do đó cần xác định lợi thế của từng địa phương để xây dựng các tua, tuyến tham quan, du lịch phù hợp. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch theo vùng với không gian và quy mô tương đồng, có đặc điểm thống nhất về tài nguyên, địa lý, hiện trạng phát triển du lịch để bổ trợ với nhau. Các địa phương cần tăng cường và duy trì, thúc đẩy các hoạt động liên kết, hợp tác, đặt mối liên kết với các tỉnh lân cận, có quy hoạch, kế hoạch liên kết du lịch mang tính khả thi.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục