Xây dựng giá trị nhân văn của bảo hiểm nhân thọ

- Mới đây, vụ việc đóng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) 74 năm của một nữ diễn viên có thể mất hàng tỷ đồng mà cô đã đóng theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nếu kết thúc hợp đồng sau 3 năm đóng tiền đang khiến dư luận quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của vụ việc do tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ chưa tư vấn cụ thể, cặn kẽ và người tham gia BHNT chưa nắm bắt đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng. Nhìn từ vụ việc này có thể thấy cần phải nâng cao chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng trong hoạt động kinh doanh BHNT và người dân cũng cần nhận thức đúng, đủ về vai trò, ý nghĩa, bản chất của việc tham gia BHNT. Từ đó cùng xây dựng giá trị nhân văn của hoạt động BHNT.

Phó thác cho tư vấn viên

Hiện nay, không ít người tham gia BHNT khi được hỏi có đọc kỹ hết các điều khoản trong hợp đồng, có hiểu cặn kẽ quyền lợi của mình trong hợp đồng BHNT hay không đều trả lời là “không” hoặc “không hiểu lắm”. Chị N.T.H, tổ 6, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) tham gia BHNT được 8 năm với mức đóng 6 triệu đồng/ năm. Chị H cho biết, chị mua BHNT qua một người quen giới thiệu, tư vấn nên khi nhận hợp đồng, chị cũng chỉ xem qua loa, vì cho rằng “có đọc cũng không hiểu gì nên có chuyện gì thắc mắc cứ gọi cho tư vấn viên là xong”.

Hay như trường hợp của anh L.M.H, tổ 1, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) dù tham gia đóng BHNT được 3 năm nay với mức đóng trên 12 triệu đồng/năm, anh cũng chỉ được tư vấn viên hướng dẫn về các quyền lợi của anh được hưởng khi xảy ra các rủi ro, còn việc nếu muốn dừng đóng, dừng tham gia, hủy hợp đồng, thủ tục như thế nào và các quyền lợi anh được hưởng ra sao, anh cũng không nắm được.
Trên thực tế, không ít người khi tham gia BHNT chủ yếu do cả nể nên phó thác, đặt cả niềm tin vào mối quan hệ thân quen, vì vậy mà không đọc kỹ hợp đồng hoặc ngại đọc. Chính sự phó thác này dẫn tới nhiều hệ lụy không đáng có. Đó là người tham gia BHNT không nắm được một số điều khoản rất quan trọng trong hợp đồng, khi kê khai phải trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai nếu xảy ra tranh chấp hoặc điều khoản khi hợp đồng phát hành sẽ có 21 ngày cân nhắc để tham gia hay không tham gia BHNT, hủy hợp đồng mà không mất phí… Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp kê khai không trung thực về sức khỏe của bản thân, giấu bệnh hoặc không biết có thời gian 21 ngày để cân nhắc việc tham gia BHNT dù đã ký hợp đồng. Sự phó thác này cũng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người tham gia BHNT khi muốn dừng việc đóng BHNT hoặc không hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất, vai trò, ý nghĩa của việc tham gia BHNT.

Người dân tìm hiểu về các sản phẩm của BHNT.

Không ít người khi tham gia BHNT cho rằng đây là một khoản đầu tư, tiết kiệm sinh lời trong tương lai sau một thời gian đóng tiền mà quên mất ý nghĩa và bản chất thực sự của BHNT là một khoản dự phòng khi gặp rủi ro như tai nạn, ốm đau, thương tật, mất sức lao động, tử vong...

Nhân văn phải đi liền với đạo đức nghề nghiệp

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 50 doanh nghiệp, chi nhánh đăng ký ngành nghề đại lý bảo hiểm và có tới hàng nghìn người là tư vấn viên bảo hiểm.

Tại Điều 86, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, cá nhân là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực, hành vi dân sự đầy đủ; có chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cấp được phép hoạt động đại lý bảo hiểm.

Không đòi hỏi bằng cấp, trình độ văn hóa, lại không bó hẹp về thời gian và không gian làm việc, đây được coi là nghề tay trái mang tính chất thời vụ hấp dẫn với những người làm nghề tự do. Tuy nhiên, tư vấn viên làm nhiều ngành nghề khác nhau với những trình độ khác nhau cũng là một khó khăn trong công tác tư vấn BHNT. Việc áp doanh số, chỉ tiêu cho các tư vấn viên đã gây ra tình trạng phải ký hợp đồng bằng mọi giá. Do đó, có những điều khoản rất quan trọng trong hợp đồng mà tư vấn viên bỏ qua, lờ đi, không giải thích tường tận, cặn kẽ với khách hàng, bởi nếu khách hàng biết những điều khoản đó sẽ do dự việc ký hợp đồng. Chẳng hạn như quy định về việc kê khai rõ tiểu sử sức khỏe, bệnh tật, không ít tư vấn viên không hướng dẫn người tham gia kê khai trung thực bởi nếu kê khai trung thực thì có thể dẫn tới việc phải thẩm định hồ sơ, tiểu sử sức khỏe của người tham gia, thời gian ký hợp đồng sẽ chậm lại.

Bên cạnh đó, đa số tư vấn viên hoạt động bán thời gian nên sự tâm huyết, trách nhiệm trong công việc chưa nhiều. Một số tư vấn viên có tâm lý chỉ cần có chứng chỉ hành nghề sau khi đào tạo ngắn ngày là được. Sau khi có chứng chỉ, chưa thực sự đầu tư nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp.

Nhân viên Văn phòng BHNT Hanwha Life Tuyên Quang tư vấn cho khách hàng các sản phẩm BHNT.

Bất cứ công việc, ngành nghề nào cũng có đạo đức nghề nghiệp. Bảo hiểm nhân thọ là dịch vụ đem lại giá trị thiết thực, nhân văn đối với người tham gia. Bởi vậy, người tư vấn cũng phải có đạo đức nghề nghiệp, có như vậy, giá trị nhân văn của hoạt động này mới được phát huy.

Siết chặt, chấn chỉnh các  hoạt động kinh doanh BHNT

Trước những bức xúc của dư luận và “lùm xùm” trong hoạt động BHNT, vừa qua Bộ Tài chính đã có nhiều chỉ đạo nhằm siết chặt công tác quản lý và rà soát, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh BHNT. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định và quy trình, thủ tục đảm bảo rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền lợi của khách hàng; quản lý chất lượng đại lý trong quá trình tư vấn và ký kết hợp đồng bảo hiểm tại các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Cục Quản lý giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rà soát lại quy trình bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Để từ đó có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng, hạn chế tình trạng nhân viên, đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm.

Theo chị Đặng Vân Anh, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn về BHNT, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, các công ty BHNT cần chú trọng chất lượng ngay từ khâu tuyển dụng và tìm người toàn tâm toàn ý với nghề, phát triển nhân sự theo chiều sâu, chất lượng cao, có kế hoạch đào tạo định kỳ để nâng cao kỹ năng cũng như đạo đức nghề nghiệp. Tư vấn viên cần được trang bị đầy đủ kiến thức về bảo hiểm và pháp luật kinh doanh bảo hiểm để có thể giải thích cho khách hàng hiểu ý nghĩa, vai trò và giá trị của BHNT. Đồng thời tư vấn viên cần tư vấn cho khách hàng đúng với những kiến thức được học, đúng với bản chất tốt đẹp của BHNT, không thể vì doanh số, vì “hoa hồng” mà bán BHNT bằng mọi cách.

Anh Bùi Vũ Tiến Cần, Giám đốc Văn phòng BHNT Hanwha Life Tuyên Quang chia sẻ, việc siết chặt công tác quản lý và rà soát lại toàn bộ quy trình hoạt động BHNT của Bộ Tài chính là yêu cầu cần thiết hiện nay nhằm đảm bảo cho hoạt động này thực hiện đúng quy định, giúp người dân có cách nhìn đúng về vai trò của BHNT trong đời sống.

Hoạt động BHNT nếu được thực hiện đúng quy định sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân khi không may xảy ra rủi ro. Đây là một trong các hoạt động an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân văn cao. Do đó cần được quản lý một cách chặt chẽ bởi cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý Nhà nước. Đồng thời người dân cần tìm hiểu kỹ về hoạt động này trước khi tham gia, ký kết hợp đồng.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục