Hiện ra từ truyền thuyết...
Thượng Lâm có rất nhiều truyền thuyết. Qua bao thế hệ, những người già Thượng Lâm, Lâm Bình thường kể cho con cháu truyền thuyết Phượng hoàng về làm tổ trên vùng đất mình sinh sống. Truyền thuyết kể rằng, vùng đất này là nơi giao hòa giữa trời và đất, địa khí phong thủy, hữu tình. Vào một ngày, người dân trong vùng chợt nhìn thấy một đàn Phượng hoàng bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi để làm tổ. Nhưng chỉ có 99 ngọn núi đủ để 99 con đậu, còn một con bay lượn đi, lượn lại không tìm thấy chỗ đậu bèn vỗ cánh bay đi. Vậy là, cả đàn lại bay theo con chim đó, để lại dấu tích 99 ngọn núi với hình dáng chim Phượng hoàng, mỗi ngọn núi một thế đứng khác nhau tạo thành quần thể núi đá sinh động bao quanh lòng chảo Thượng Lâm trù phú.
Cánh đồng lúa Thượng Lâm.
Lòng chảo Thượng Lâm giờ là cánh đồng lúa quanh năm mùa màng tốt tươi. Hàng năm, vào ngày 15 tháng Giêng, UBND xã Thượng Lâm tổ chức Lễ hội Lồng Tông - lễ hội xuống đồng. Lễ hội xuống đồng là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng của người dân trong hòa hợp đất trời, âm dương, cầu mong cho cuộc sống khỏe mạnh, no đủ, vạn vật sinh sôi, ước nguyện một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Các lễ vật dâng cúng tại lễ hội đều là những sản vật do người lao động làm ra, thể hiện lòng biết ơn của con người với trời đất đã cho mùa màng bội thu, và thể hiện ước vọng của năm mới được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Khi các mâm lễ đã được đặt lên kệ tồng, thầy cúng (Pú Mo) kiểm tra lại và tiến hành các nghi thức cúng lễ với những bài khấn cầu thần nông, thần sông, thần núi,… phù hộ độ trì cho mùa màng tươi tốt, được mùa.
"Thung lũng vàng" Thượng Lâm - điểm đến du lịch cộng đồng
Phong tục tập quán trồng lúa nước của người dân xã Thượng Lâm có từ xa xưa. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, họ đã biết áp dụng nhiều biện pháp "dẫn thủy nhập điền", đưa nước về tưới cho ruộng lúa như đào đắp mương, bắc đường ống nước hoặc máng dẫn nước, đắp đập, làm guồng nước tự động. Trải qua những vất vả "một nắng hai sương", họ có được vụ mùa thắng lợi. Người Tày không quên nhắn nhủ con cháu nhớ đến công lao người làm ra hạt lúa: "Mặt khẩu cấu mặt hứa" (hạt gạo chín hạt mồ hôi), "Pát khẩu cấu tẻo vài" (Bát cơm chín đường cày)… Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, người nông dân biết ứng dụng phương pháp canh tác mới, tuy nhiên những câu tục ngữ về kinh nghiệm sản xuất vẫn được người Tày xã Thượng Lâm áp dụng.
Người dân xã Thượng Lâm thu hoạch lúa mùa.
Nếu như ở xã Hồng Thái (Na Hang), xã Xuân Lập (Lâm Bình) nổi tiếng với những bậc thang vàng rực mùa lúa chín thì ở xã Thượng Lâm lại là những cánh đồng lúa bằng phẳng, trải dài ngút tầm mắt. Đến với thung lũng Thượng Lâm, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng "bức bích họa" về cảnh sắc thiên nhiên mà còn được hòa mình vào không gian sinh hoạt, văn hóa, ẩm thực độc đáo của cư dân bản địa nơi đây... Từ lâu Thượng Lâm đã trở thành điểm đến du lịch cộng đồng được du khách yêu thích.
Nhiều năm nay, hình ảnh khách du lịch nước ngoài thong dong đạp xe khắp cánh đồng Thượng Lâm đã trở nên quen thuộc với bà con xã Thượng Lâm. Anh Hỏa Văn Ba, chủ Homestay Ba Ngân, xã Thượng Lâm cũng đã bước đầu thành công với mô hình du lịch nông thôn. Anh Ba cho biết, năm 2020 gia đình anh sửa lại ngôi nhà sàn của gia đình cho khang trang, thuận tiện, thể hiện được bản sắc dân tộc Tày từ kiến trúc đến không gian phòng ở và cảnh quan. Anh còn đầu tư 10 chiếc xe đạp để du khách tham quan cánh đồng Thượng Lâm...
Những ngày này, cánh đồng vàng xã Thượng Lâm tấp nập du khách đổ về "săn lúa" và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiếm có của vùng đất này trong mùa gặt. Được các dãy núi trùng điệp bao bọc, thung lũng Thượng Lâm bằng phẳng, rộng lớn; những dòng suối uốn lượn qua các cánh đồng lúa, rau màu... xen lẫn với những bản làng tạo nên vẻ đẹp riêng. Thung lũng Thượng Lâm bằng phẳng thuận lợi cho việc trồng lúa. Điều thú vị là tất cả các ruộng lúa ở đây được trồng không cùng một thời điểm nên có ruộng thu hoạch trước, ruộng thu hoạch sau, ruộng còn đang xanh... Người dân Thượng Lâm lại thường thu hoạch lúa bằng máy và không cùng lúc vô tình tạo thành những mảng màu đặc sắc, với những hình thù lạ mắt.
Anh Aiden Webb - một du khách người Anh cảm nhận: "Thung lũng Thượng Lâm rất khác với những vùng núi khác của Việt Nam mà tôi từng đến. Mùa thu ở đây đẹp đến ngỡ ngàng. Những cánh đồng lúa chín tạo nên một thung lũng tràn ngập sắc vàng. Từ trên cao nhìn xuống khung cảnh rất ngoạn mục, đặc biệt vào thời khắc bình minh hoặc hoàng hôn. Tại đây, chúng tôi còn được dự các lễ hội dân gian, nghe các nghệ nhân địa phương biểu diễn và thưởng thức các món ăn được làm từ lúa, gạo quê hương như bánh dày vừng đen, bánh chưng, cốm… trong những ngôi nhà sàn của người Tày. Tất cả đều rất thú vị”.
Món xôi ngũ sắc của người Tày xã Thượng Lâm.
Đồng chí Ma Công Khâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm cho biết, hiện nay xã Thượng Lâm có 264 ha lúa, có 21 hộ cung cấp dịch vụ homestay, đáp ứng chỗ ăn nghỉ cho hàng trăm du khách mỗi ngày. Vào buổi tối, ngay dưới sân nhà sàn bên đống lửa, du khách sẽ được nghe rất nhiều làn điệu như: hát Then đàn Tính, hát Cọi...; trải nghiệm làm bánh dày nhân vừng đen, bánh chưng, xôi ngũ sắc, giã cốm… là sản phẩm từ cây lúa nước. Đây cũng là bản sắc của người dân tộc Tày nơi đây. Mỗi năm Thượng Lâm thu hút khoảng 120.000 lượt khách tham quan trải nghiệm và khoảng 80.000 khách lưu trú. Việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng dựa trên một số sản phẩm vật thể, phi vật thể từ cây lúa nước đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế, nâng cao ý thức bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên của người dân địa phương.
Chúng tôi rời cánh đồng Thượng Lâm trong thoang thoảng hương thơm của lúa chín. Những câu hát Then, Cọi vút lên, bồng bềnh trong làn khói lam chiều, mang đến ấn tượng khó quên với những ai từng có dịp đến Thượng Lâm mùa lúa chín.
Gửi phản hồi
In bài viết