Mái ấm cho người nghèo

- Giảm nghèo bền vững bắt đầu từ việc “an cư” là cách mà tỉnh đang thực hiện sau nhiều Đề án, Nghị quyết hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Hàng nghìn ngôi nhà đã được xây dựng, đồng nghĩa với từng ấy điểm tựa để các hộ còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Sau Đề án 308, trong năm nay, tỉnh cũng đã triển khai thêm nhiều chính sách chuyên biệt hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, đặc biệt là các hộ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Bắt tay ngay từ đầu năm

Tiếp nối thành công của năm đầu tiên thực hiện Đề án 308, năm 2023, các địa phương trong tỉnh phấn đấu xóa 1.133 nhà ở tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lê Ngọc Tân cho rằng, Đề án 308 đã tạo hiệu ứng to lớn trong nhân dân, đặc biệt là tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu về nhà ở.

Cán bộ công chức xã, chiến sỹ lực lượng vũ trang xã Tứ Quận (Yên Sơn) giúp đỡ hộ bà Nguyễn Thị Liễu
thôn Nhùng Dàm tháo dỡ ngôi nhà cũ.

Cuối tháng 3, gia đình bà Nguyễn Thị Liễu, thôn Nhùng Dàm, xã Tứ Quận (Yên Sơn) đã hoàn thành việc tháo dỡ nhà cũ để chuẩn bị làm nhà ở mới. Ngôi nhà vách đất, lợp mái cọ gia đình đã ở bao năm, ngày mưa gió chực chờ đổ sập. Từ sáng sớm, bà con trong thôn cùng cán bộ Mặt trận, dân quân và cán bộ UBND xã Tứ Quận đã có mặt để cùng gia đình bà tháo dỡ nhà.

Gia đình anh Triệu Văn Hà, thôn Nà Mu, xã Sơn Phú (Na Hang) cũng vừa được cán bộ công chức xã, MTTQ và cán bộ, công chức Đội Rừng phòng hộ, Phòng thống kê, Bưu điện huyện Na Hang hỗ trợ tham gia ngày công đổ bê tông nền nhà. Nhìn ngôi nhà đã được cứng hóa nền, các công trình vệ sinh sạch sẽ, anh Hà không giấu được niềm vui, khi niềm mơ ước bấy lâu của gia đình về một ngôi nhà sạch sẽ, thoáng mát được hoàn thành chỉ trong chưa đầy một ngày.

Gia đình anh Triệu Văn Hà, thôn Nà Mu, xã Sơn Phú (Na Hang) được hỗ trợ đổ bê tông nền nhà.

Nhà bà Liễu và nhà anh Hà là hai trong 265 ngôi nhà đã hoàn thành trong 3 tháng đầu năm nay tại các địa phương. Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh, việc xây dựng, sửa chữa nhà được thực hiện tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Lê Minh Tân, những địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi mà tâm lý chọn ngày làm nhà, chọn tuổi làm nhà, “kiêng” không làm nhà đầu năm - lại là những địa phương có số nhà mới hoàn thành xây mới, sửa chữa nhiều nhất. Cụ thể, trong 265 ngôi nhà mới, gồm 252 nhà làm mới và 13 nhà sửa chữa, nhiều nhất là Yên Sơn 94 nhà, Hàm Yên 53 nhà, Sơn Dương 52 nhà, Chiêm Hóa 30 nhà, Na Hang 24 nhà, thành phố Tuyên Quang 8 nhà và Lâm Bình  4 nhà.

Quan tâm đặc biệt

Trong số trên 26.700 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, số hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần đông.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, kết quả rà soát giai đoạn 2021 - 2025, đã có 2.096 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký làm mới, sửa chữa nhà ở. Trong đó, năm 2022 có  597 hộ có nhu cầu, năm 2023 là 775 hộ.  

Cùng với đó, ngày 28-2-2023,  HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ nhà ở và hoạt động thông tin thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, từ nguồn ngân sách địa phương, tỉnh sẽ hỗ trợ đối với hộ xây mới nhà ở 10 triệu đồng/hộ và sửa chữa nhà ở là 5 triệu đồng/hộ.

Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, Sở Xây dựng cũng đã hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Phạm vi hỗ trợ Đề án là huyện Na Hang và huyện Lâm Bình.

Cán bộ, người dân thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm (Hàm Yên) hỗ trợ ngày công giúp đỡ hộ nghèo dựng nhà mới.

Ông Phạm Quốc Chương, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, qua rà soát tại các địa phương này, số hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ là 1.675 hộ, trong đó, hộ nghèo là 1.528 hộ,  hộ cận nghèo là 147 hộ. Trong số này,  hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 1.462 hộ, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng là 1 hộ; hộ nghèo, cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội là 19 hộ; hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 40 hộ, còn lại là các hộ nghèo, cận nghèo khác.

Ngoài mức vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo quy định tại Quyết định 02/2022/QĐ-TTg ngày 18-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ cho xây mới nhà ở 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa nhà ở 20 triệu đồng/hộ; hỗ trợ từ ngân sách địa phương theo Nghị quyết 02 xây mới 10 triệu đồng/hộ, sửa chữa 5 triệu đồng/hộ; các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 2 huyện Na Hang, Lâm Bình sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng hàng Chính sách xã hội với mức tối đa 40 triệu đồng/hộ.
Theo Sở Xây dựng, ngay khi được UBND tỉnh phê duyệt Đề án, trong năm 2023, dự kiến các địa phương sẽ hỗ trợ 425 hộ, trong đó xây mới 192 hộ và sửa chữa 233 nhà.

Theo ông Phạm Quốc Chương, cùng với việc xây dựng Đề án, Sở Xây dựng cũng đã ban hành thiết kế mẫu nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh trên cơ sở phù hợp với văn hóa, vùng miền, phong tục tập quán của từng dân tộc, địa phương. Đồng thời, khái toán mức kinh phí tối thiểu để xây dựng nhà để các hộ dân có nhu cầu tham khảo và hạch toán chi phí xây dựng, sửa chữa nhà.

Việc huy động các nguồn lực để sửa chữa, làm mới nhà ở cũng đang được MTTQ các cấp tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ. Ngay trong quý I-2023, Ủy ban Dân tộc và Tỉnh ủy Đồng Nai đã trao hỗ trợ 3 tỷ đồng làm nhà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Đồng chí Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, đơn vị đang tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, vận động ủng hộ để có thêm kinh phí sửa chữa, làm mới nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu.

Sự chung tay vào cuộc này đang giúp Đề án 308 sớm hoàn thành mục tiêu đề ra và trở thành một trong những Đề án cán đích sớm nhất trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục