Ngăn chặn bạo lực học đường

- Thời gian qua, trong cả nước xảy ra không ít những vụ bạo lực học đường để lại hậu quả đáng tiếc. Đây chính là hồi chuông cảnh báo cần phải có những giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường từ sớm trước khi xảy ra. Cùng với đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cũng chính là giải pháp hữu hiệu giúp loại bỏ bạo lực học đường từ trong trứng nước.

Phát hiện sớm những mâu thuẫn nhỏ

Thời gian qua nhiều vụ bạo lực học đường với mức độ ngày càng nghiêm trọng xảy ra trong cả nước gây xôn xao dư luận và bất ngờ vì những đối tượng gây nên những vụ bạo lực có tính chất hung hãn, côn đồ… lại chính là những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Điển hình như sự việc nữ sinh lớp 10 ở tỉnh Nghệ An tự vẫn nghi do bạo lực học đường xảy ra vào tháng 4 năm 2023; hoặc mới đây nhất một học sinh ở Nam Định bị bạn đâm tử vong do mâu thuẫn cá nhân hay vụ việc một học sinh lớp 8 trên địa bàn huyện Ứng Hòa (Hà Nội) bị nhóm bạn đánh hội đồng… Tất cả xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ rồi dẫn đến những vụ ẩu đả thậm chí là sử dụng những vũ khí gây nên thương tích và đau xót hơn là cái chết thương tâm đối với học sinh bị hại. Đây thực sự là những hồi chuông cảnh báo về bạo lực học đường đang có dấu hiệu gia tăng và hậu quả để lại là rất nặng nề, ảnh hưởng đến tính mạng, tâm lý, sức khỏe và chất lượng học tập của học sinh.

Trường Phổ thông Tuyên Quang phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền về an toàn giao thông, an ninh mạng và phòng chống bạo lực học đường.

Tiến sỹ Hà Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội, Trường Đại học Tân Trào cho biết, bạo lực học đường là hành vi ngược đãi, đánh đập, bạo hành; làm tổn hại đến sức khỏe, thân thể; sỉ nhục, lăng mạ đến danh dự và nhân phẩm; tẩy chay, cô lập, ruồng rẫy và những hành động gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tinh thần và thể chất của học sinh trong các trường học. Bạo lực học đường có thể nảy sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau ở gia đình,  nhà trường và xã hội (từ chính sự căng thẳng, từ mâu thuẫn, áp lực học tập đến ảnh hưởng của các phim hành động, học theo mạng xã hội, sự thiếu quan tâm, yêu thương, dạy dỗ từ người lớn….). Gia đình, nhà trường và xã hội cần sự thống nhất trong giáo dục học sinh; gia đình, nhà trường cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ, làm bạn cùng các em để nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm từ đó có định hướng, uốn nắn, giáo dục những hành vi sai trái ở học sinh và hạn chế bạo lực học đường.

Theo các chuyên gia về tâm lý, giáo dục, khi phát hiện những dấu hiệu của bạo lực học đường hoặc khi các em học sinh đã kêu cứu, nhất thiết nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp khẩn trương và quán triệt để hỗ trợ, tùy mức độ và sự đe dọa đến thể chất và tinh thần của các em mà có sự hỗ trợ phù hợp. Nếu nhà trường có sự phối hợp chậm trễ, thì gia đình cần có sự chủ động trong bảo vệ con em mình. Cùng với đó, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để ngăn chặn bạo lực học đường. Trẻ em, học sinh cần được dạy dỗ cách tự phòng vệ, việc không thể dùng bạo lực để bắt nạt bạn bè, việc thấu hiểu và đồng cảm với người khác. Chị Nguyễn Thị Thức ở phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) có 2 con đang học bậc THCS và THPT cho biết, mỗi ngày chị đều dặn các con phải biết “kính thầy, yêu bạn”, phải luôn thân thiện, hòa đồng. Khi gặp những dấu hiệu bị đe dọa cần báo cáo ngay với giáo viên hoặc bố mẹ để có biện pháp xử lý phù hợp, không nên giấu giếm, tự giải quyết vấn đề.

Giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường

Thực tế cho thấy, từ những mâu thuẫn nhỏ của học sinh nếu được giải quyết kịp thời sẽ tránh được bạo lực học đường với tính chất nghiêm trọng. Chị T.T.T. ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) có con đang học lớp 10 ở thành phố Tuyên Quang, có lần dịp đầu năm học thấy con đi học về hay sợ sệt về phòng là đóng kín cửa, đêm nằm ngủ mơ ú ớ như bị ai dọa đánh… Chị gặng hỏi mãi hóa ra con trai kể khi đến trường thường bị một anh lớp trên dọa nạt, véo má. Nghe xong câu chuyện chị không lu loa làm lớn chuyện mà bình tĩnh khi đưa con đến trường, chị nhờ cô giáo chủ nhiệm cùng Đoàn trường có hướng tuyên truyền, nhắc nhở em học sinh kia và từ đó trở đi con chị đi học đã tự tin và vui vẻ trở lại. Chị T. cho biết, mỗi ngày con đi học về thì phụ huynh cố gắng quan sát nếu thấy con có những biểu hiện khác thường thì phải nhẹ nhàng tìm hiểu để con có thể dễ dàng chia sẻ những chuyện ở trường. Từ đó phối hợp cùng nhà trường giải quyết những vấn đề nảy sinh từ trứng nước, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục con em mình.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh.

Trường học là môi trường đông người, mỗi học sinh một tính cách khác nhau do đó không tránh khỏi những va chạm hoặc những xích mích. Việc sớm hóa giải những mâu thuẫn nhỏ sẽ giúp ngăn chặn bạo lực học đường hiệu quả. Cô giáo Nguyễn Thị Dung, dạy môn Ngữ Văn, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh luôn được các học sinh trong trường coi như người mẹ thứ 2 của mình, cô còn được biết đến như một chuyên gia gỡ rối. Cô Dung bảo, do là học sinh ở nội trú nên giáo viên thường xuyên phải có mặt ở trường, sau giờ dạy trên lớp là tổ chức ôn tập, trực đêm ở ký túc xá… Có khi là những cãi vã, nói xấu hay trêu đùa, chọc tức… Chính vì thế giáo viên hoặc phải thường xuyên theo dõi để nắm bắt tâm sinh lý các em. Khi thấy các em có những biểu hiện khác lạ cần quan tâm hỏi han, có những biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc từ đó xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh hơn.

Bạo lực học đường luôn là vấn đề nhức nhối được cả nhà trường, cha mẹ học sinh và toàn xã hội quan tâm. Nhằm đảm bảo một môi trường an toàn cho các em học sinh có thể phát triển tốt cả về thể chất lẫn tâm hồn, bên cạnh việc giáo dục kiến thức thì nhà trường, thầy cô còn cần phải có các kỹ năng nhận biết những dấu hiệu mất an toàn hoặc bạo lực học đường đối với học sinh để có các biện pháp phối hợp với nhà trường và phụ huynh, phòng tránh và đảm bảo an toàn cho học sinh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thậm chí có những giải pháp  hỗ trợ cụ thể từ các lực lượng chức năng, từ những người xung quanh để khi nạn nhân của bạo lực học đường kêu cứu sẽ được hỗ trợ kịp thời.Việc tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa về phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục pháp luật, kỹ năng sống cho học sinh… là rất cần thiết giúp học sinh biết tự bảo vệ mình cũng như phát triển toàn diện và ngày càng trưởng thành hơn.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục