Nguy cơ thiếu nước

- Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết diễn biến vô cùng bất thường, các đợt nắng nóng xuất hiện với tần suất dày hơn, mức độ gay gắt hơn so trung bình nhiều năm. Tại Tuyên Quang, ngay trong những tháng đầu năm, hình thái thời tiết không tuân theo quy luật khiến sinh hoạt, sản xuất bị tác động mạnh, nguy cơ thiếu nước đã hiện hữu tại nhiều địa phương.

Tằn tiện từng hạt nước ít ỏi

Dù mấy bữa trước thời tiết có mưa nhưng cũng như muối bỏ biển, nhiều hộ dân của thôn Làng Nàng, xã Sơn Nam (Sơn Dương) vẫn phải vác can, thùng đi cả km để xin từng lít nước về dùng. Ông Huyên Văn Tám chia sẻ, như mọi năm thiếu nước chỉ vài ngày, mưa xuống là có nước, tằn tiện cũng đủ dùng. Nhưng năm nay, suốt từ tháng 4 đến giờ, giếng khoan của gia đình ông và nhiều hộ trong thôn bơm đến nóng máy cũng chỉ được 1 thùng nước 10 lít. Ông Huyên bảo: “Không chủ động được nguồn nước cực lắm! Lân la xin hết nhà này đến nhà khác. Khó khăn, vất vả mới xin được thùng nước nên mọi người đều phải tằn tiện từng gáo nước. Nước xin về chỉ để nấu ăn, đun nước uống; tắm, giặt phải bơm từ giếng đào quanh ruộng dù không được đảm bảo”.

Ngay địa bàn thành phố Tuyên Quang, người dân các thôn Bình Ca, xã An Khang; Hòa Bình, xã Thái Long cũng tất tả, ngược xuôi lo tìm nguồn nước để đảm bảo sinh hoạt tối thiểu. Ông Nguyễn Phú Viễn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hòa Bình, xã Thái Long  cho biết, địa hình, địa thế cộng thời tiết ít mưa nên hầu hết giếng của các hộ trong thôn đã cạn kiệt. Lần tìm nguồn nước, nhiều hộ đã năm lần bảy lượt thuê máy về khoan, chi phí lên cả trăm triệu đồng nhưng nước đâu chẳng thấy, chỉ thấy dày thêm nỗi lo. Ông Viễn bảo, ngay gia đình ông đã khoan, đào không dưới 3 giếng để lần tìm nguồn nước nhưng nước cũng chỉ về được chút ít ỏi. Theo lời ông Viễn, phục chờ nước về, thường trực để cắm máy bơm nhưng mỗi ngày cũng không nổi 20 lít nước để dùng.

Mực nước hồ thủy điện Tuyên Quang xuống ở mức thấp trong nhiều năm.

Nguồn nước phục vụ sản xuất cũng đang ở mức báo động đỏ. Ông Vũ Văn Tinh, Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang cho biết, thời điểm này năm ngoái mực nước trên hồ thủy điện ở cos 120 m, hồ thực hiện xả lũ để phát điện với công suất lớn nhưng năm nay nước xuống ở cos 91,2 m tức là thấp hơn năm ngoái 30 m.

Các hồ chứa quy mô nhỏ cũng phải thực hiện điều tiết nước phù hợp. Ông Ngô Quyền, Đội trưởng Đội Quản lý khai thác công trình thủy lợi Ngòi Là (Yên Sơn) cho biết, hơn một tháng nay đội Ngòi Là đã thực hiện cấp nước luân phiên sau khi mở nước 10 ngày lại đóng 1 tuần để giữ nước tích trữ cho vụ sau.

Theo các chuyên gia khí tượng và thủy văn, năm nay do tác động mạnh của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến rất phức tạp, các đợt nắng nóng xuất hiện khốc liệt hơn và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm; cường độ nắng nóng gay gắt hơn rất nhiều. Hiện tại dù mới bước vào mùa nắng nóng song nhiệt độ đã lên đến 37 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Nhiệt độ không khí trung bình 5 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 0,5 - 1,5 độ C. Nắng nóng kéo dài đồng nghĩa với lượng mưa thấp, tổng lượng mưa 5 tháng đầu năm đo được phổ biến thấp hơn từ 30 - 70% so với trung bình nhiều năm; dòng chảy trên hệ thống sông Lô, sông Gâm ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

Mực nước sông Lô xuống thấp khiến nhiều nhà phao, lồng bè nuôi cá lồng xã Đội Bình (Yên Sơn) nằm phơi trên cát.

Số liệu của Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh, mực nước đo được trên hệ thống sông Lô, Gâm tại Hàm Yên và Chiêm Hóa thấp hơn 10 - 20%; tại thành phố Tuyên Quang thấp hơn 30 - 40%, cụ thể trong các ngày 18, 27 và 28-5 mực nước sông Lô đã xuống đến mức 11,43 m, thấp nhất trong lịch sử, trong khi mực nước trung bình thời điểm tháng 5 là 15,53 m.

Chủ động ứng phó

Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh ta có nguồn tài nguyên nước dồi dào, với mạng lưới sông, suối khá dày đặc và chế độ thủy văn của sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Ngoài ra, còn có trên 500 sông ngòi nhỏ và trên 2.000 ao hồ có ảnh hưởng lớn đến nguồn nước mặt, nước ngầm. Tuy nhiên do tác động của biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự gia tăng dân số kèm theo nhu cầu khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất, đời sống… đã và đang khiến nguồn tài nguyên nước tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị suy giảm, ô nhiễm.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thái Long (TP Tuyên Quang) cho biết, xã cũng đã báo cáo với UBND thành phố, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thời đề xuất với Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang đầu tư xây dựng các công trình cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Trong khi chờ cấp trên và ngành chức năng quyết định, xã vận động người dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, chia sẻ nước cho các hộ khó khăn đảm bảo ổn định sinh hoạt.

Người dân thôn Thái Bình, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) ngóng chờ từng hạt nước để tưới lúa.

Giữ ổn định mực nước trên hệ thống sông Lô, sông Gâm, đồng thời đảm bảo kế hoạch sản xuất điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã tính toán, cân đối xả nước từ hồ thủy điện Tuyên Quang về vùng hạ lưu đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ông Nguyễn Văn Hà, xã Đội Bình (Yên Sơn) nhiều năm nuôi cá lồng tại sông Lô chia sẻ, dù nước hồ xả về cách nhật làm bà con vất vả phải kéo bè ra, vào nhưng còn hơn là nước sông cạn, nhiệt độ sẽ tăng lên, lưu tốc dòng sông kém sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cá.

Số liệu tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng nước khai thác, sử dụng nước mặt phục vụ cho phát điện là 610 MW, sinh hoạt và mục đích khác 91.462 m3/ngày đêm; nước ngầm 50.055 m3/ngày đêm. Nhận định của các chuyên gia, nhu cầu sử dụng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt về mùa nắng nóng. Đây là thách thức rất lớn không chỉ của tỉnh, thành nào mà của cả quốc gia và trên toàn cầu.

Trước những bất ổn về an ninh nguồn nước đối với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước; thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất, tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước…

Ông Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, UBND tỉnh đã ban hành danh mục hồ, ao không được san lấp và thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước. 78 nguồn nước, trong đó có 67 nguồn là suối, còn lại là sông và ngòi đã được thiết lập hành lang để bảo vệ cùng với đó là 548 ao, hồ không được san lấp.

Bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước vì sự phát triển bền vững, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23-6-2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, tỉnh ưu tiên dành nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình cấp nước đảm bảo số lượng, chất lượng nước sinh hoạt cho người dân trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; bảo đảm mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước một cách công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các rủi ro thiệt hại từ các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh cho biết trong; giai đoạn 2 từ năm 2021 - 2022 có thêm 26 công trình được đầu tư xây mới với tổng vốn 190 tỷ đồng, nâng tổng số công trình cung cấp nước trên địa bàn toàn tỉnh lên trên 300 công trình. Hiện Trung tâm đang tiếp tục rà soát, lập kế hoạch để đầu tư xây dựng các công trình nước sạch dựa trên kết quả từ nhu cầu của người dân, trong đó ưu tiên hàng đầu cho khu vực khó khăn về nguồn nước.

Đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, tỉnh cũng hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng thoát lũ theo thiết kế, trong đó ưu tiên đối với các công trình có nguy cơ rủi ro cao, lưu vực tập trung dòng chảy nhanh; xây dựng mới các đập, hồ chứa nước, công trình điều tiết nguồn nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước để tích trữ; nâng cấp, hiện đại hóa các công trình phòng, chống tác hại của nước, bảo đảm an toàn chống lũ kết hợp nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước. Trên cơ sở đó, thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, theo dõi, giám sát sử dụng nước để giảm thất thoát, lãng phí nước trong sinh hoạt và sản xuất đồng thời triển khai các giải pháp công nghệ bổ sung nguồn nước đối với sản xuất nông nghiệp tại các vùng khan hiếm nước, phù hợp với điều kiện nguồn nước.

Thực hiện giải pháp trước mắt, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến trồng rừng, giữ rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy, đây chính là giải pháp bền vững nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh, an toàn tài nguyên nước. Số liệu tổng hợp của ngành Nông nghiệp và Phát triển, hàng năm tỉnh trồng mới trên 11.000 ha rừng, duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 65%; bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái quan trọng.

Bên cạnh nỗ lực của tỉnh, ngành chuyên môn, người dân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ công trình nước, sử dụng tài nguyên nước hợp lý. Thực tế tại một số địa phương ý thức của người dân trong việc bảo vệ công trình nước chưa cao, tình trạng canh tác, chăn thả gia súc tại đầu nguồn nước vẫn tồn tại, chưa kể đến các công trình nước được xây dựng người dân tự ý đấu nối làm hư hỏng đường ống làm thất thoát nguồn nước; tình trạng khoan giếng tự do, xả thải rác vào diện tích nước mặt gây ô nhiễm nguồn nước cả trên mặt và nước ngầm.

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục