Khó mấy cũng bám
Trường Tiểu học Hùng Lợi 2, xã Hùng Lợi thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Sơn. 99% học sinh của trường là con em dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%, giao thông đi lại chưa thuận tiện nên chất lượng giáo dục của trường cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Thầy giáo Đỗ Trọng Hòa, Trường Tiểu học Hùng Lợi 2 (Yên Sơn) hướng dẫn các em học sinh ôn tập bài.
Thầy giáo Nguyễn Quang Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hùng Lợi 2 là người có 35 năm công tác tại Hùng Lợi cho biết, bản thân chứng kiến các em học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường đến lúc trưởng thành. Thầy nhận thấy việc rút ngắn khoảng cách tri thức, kỹ năng sống giữa vùng miền, giúp các em có sự tự tin, tư duy mới, có lối sống văn minh... là điều hết sức quan trọng. Thầy đã dành rất nhiều thời gian và công sức để dạy và truyền thụ, thường xuyên chia sẻ với các thầy cô trong nhà trường cần những kỹ năng mềm cho các em.
Có lẽ, khó diễn tả được cảm xúc của những thầy cô cắm bản ở những điểm trường. Vừa đến khu vực trung tâm thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình), từ xa chúng tôi đã nghe tiếng đọc chữ ê a của các em lớp mầm non 4, 5 tuổi vang lên trong căn nhà cấp bốn giữa đại ngàn.
Tại điểm trường lẻ thôn Khuổi Trang nơi cô giáo Nguyễn Thị Diễm, giáo viên trường Tiểu học Xuân Lập công tác có 5 giáo viên bậc mầm non và tiểu học đều là giáo viên ở cách điểm trường 15 đến 30km. Quãng đường đến trường dù ngắn hay dài, họ đều phải leo lên những con dốc quanh co, khúc khuỷu, vượt qua những con suối. Mùa khô còn đỡ, mùa mưa thì thật là cơn ác mộng. Con đường dài hơn 10 km đã không ít lần chứng kiến cảnh cô giáo mắc kẹt giữa chừng, đi không được, lùi chẳng xong. Có cô vì đường khó đi quá phải bỏ cuộc, vứt cả xe ở vệ đường rồi đi bộ lên trường, hôm sau trời nắng ráo mới quay lại lấy xe.
Cô giáo đón trẻ mầm non tại điểm trường lẻ thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình).
Vì sự nghiệp "trồng người"
Thầy giáo Trần Thanh Chiến, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Thượng Nông (Na Hang) cho biết, năm học 2023 - 2024, nhà trường có tổng số 28 lớp với gần 800 học sinh, học tại 1 điểm trường chính, 4 điểm trường lẻ. Trường có trên 70% học sinh của nhà trường thuộc hộ nghèo, đặc biệt nhiều học sinh do bố mẹ đi làm ăn xa phải ở nhà với ông bà nên việc học tập không được chú trọng, dẫn đến có một số em phải bỏ học. Chính vì thế, nhà trường luôn coi học sinh như con, cố gắng quan tâm, chia sẻ những khó khăn để các em yên tâm học tập.
Vào mùa thu hoạch, học sinh vùng cao thường đi theo bố mẹ lên rẫy. Những lúc như vậy, các giáo viên ở nơi đây lại phải băng rừng, tìm đến từng nhà để đưa các em trở lại với trường. Thầy Chiến chia sẻ thêm: "Điều khó khăn nhất ở đây là nhận thức của phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số. Vì mải lo cuộc sống hàng ngày nên nhiều phụ huynh không coi trọng việc học của con cái. Vì vậy, tập thể giáo viên nhà trường thường xuyên động viên các em cố gắng, tạo ra môi trường gần gũi nhất để các em nhận thức tầm quan trọng của việc học".
"Trong ứng xử hàng ngày, khi mà các em xảy ra xung đột với nhau, chúng tôi sẽ trở thành những người cha, người mẹ để đứng ra hòa giải và hướng dẫn các em cách ứng xử sao cho có văn minh khi ở trong môi trường tập thể. Khi các em ốm đau thì chúng tôi chăm sóc tận tình. Bên cạnh đó, thầy cô còn là những "bác sĩ” tâm lý, động viên các em an tâm học tập, yên tâm đến trường, cô giáo Nguyễn Thị Bích, giáo viên trường Tiểu học Yên Thuận (Hàm Yên) cho biết.
Con đường hàng ngày các thầy cô giáo đến điểm trường thôn Khuổi Củng, Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình).
Em Nguyễn Minh Hoàng, thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, là con em một gia đình thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn. Do bố mẹ ly hôn nên em sống cùng ông bà ngoại, hiện em là học sinh trường Tiểu học Yên Thuận. Hàng ngày, em phải phụ với ông bà đi lên rừng kiếm củi, làm nương rẫy để kiếm cái ăn. Để Hoàng có điều kiện đến trường, các thầy cô còn góp tiền giúp đỡ em trong những năm học tập tại trường.
"Con rất vui và hạnh phúc khi được các thầy cô quan tâm và giúp đỡ. Con xin hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt hơn nữa để không phụ lòng cô thầy và ông bà”, em Hoàng chia sẻ.
Ông Chẩu Bình Yên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Yên Sơn cho biết: "Rất khó để diễn đạt hết công sức, sự yêu nghề của các thầy cô công tác nơi đây. Các thầy cô không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là những người cha, người mẹ luôn quan tâm, sẻ chia cùng học sinh. Ngoài ra, để hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, các thầy cô nơi đây đã thành lập mô hình "Những đứa con Công đoàn" để nhận đỡ đầu nuôi các em ăn học. Nhờ đó, chất lượng cũng như tỷ lệ chuyên cần đã được nâng cao, giảm thiểu học sinh bỏ học giữa chừng, góp phần thúc đẩy chuyên môn cũng như chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn".
Quả thực, có tận mắt nhìn thấy và lắng nghe những câu chuyện mới cảm nhận được những khó khăn, gian khổ và cả sự hy sinh vì sự nghiệp "trồng người" của các cô giáo vùng cao. Dù vất vả, gian nan đến mấy nhưng tất cả các cô đều có một điểm chung duy nhất - đó là lòng yêu nghề. Các cô chia sẻ rằng, dân bản sống tình cảm lắm! Những tình cảm chân thành đó như tiếp thêm động lực níu chân họ lại, thôi thúc họ làm điều gì đó để giúp nơi vùng cao này bớt khó khăn.
Gửi phản hồi
In bài viết