Về miền đất thiêng

- Tràng Đà có những ngôi đền cổ thờ Mẫu linh thiêng bậc nhất xứ Tuyên. Nơi đây còn có những dãy núi đá vôi trải dài tít tắp, dòng sông Lô uốn lượn và làng mạc bình yên.

Những ngôi đền cổ thờ Mẫu

Ở xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) có 3 ngôi đền cổ gồm: Đền Thượng, thuộc xóm 8; đền Cấm thuộc xóm 9 và đền Ghềnh Quýt thuộc xóm 6. Đây đều là những ngôi đền gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu - một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt.

Theo quan niệm dân gian, trong “Tam tòa thánh Mẫu” thì Mẫu Thượng Thiên (ở Hà Nội, Nam Định) cai quản chung; Mẫu Thượng Ngàn (ở Lào Cai) cai quản miền rừng núi; Mẫu Thoải (ở Tuyên Quang) cai quản vùng sông nước. Cũng theo quan niệm dân gian thì sông nước gắn liền với sự sinh sôi, nảy nở. Nếu muốn cầu cho mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, tài lộc đầy nhà thì họ thường cầu lên Mẫu Thoải. Ấy thế là vào những ngày đầu xuân hàng năm, người dân nô nức từ các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng… hành hương về Tuyên Quang.

Điểm dừng chân đầu tiên của hành trình du lịch tâm linh ở Tràng Đà là đền Thượng. Ngôi đền vừa được sửa chữa, xây dựng các hạng mục phụ trợ. Ông Bùi Văn Tuấn, Tổ trưởng Tổ Quản lý Đền Thượng, xã Tràng Đà cho biết: Việc sửa chữa, mở rộng cửa phía đông, xây thêm thêm một số hạng mục phụ trợ nhằm tạo thêm điểm nhấn cảnh quan cho ngôi đền. Đền Thượng nằm tại chân đỉnh núi Dùm, một bên dựa vào núi, bên dưới là dòng sông Lô uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy ngôi đền tạo nên khung cảnh thanh bình, linh thiêng. Đền Thượng hiệu Sâm Sơn Linh Từ được xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê (giữa thế kỷ XVIII),  được coi là một đền thiêng và được các đời vua triều Lê,  triều Nguyễn sắc phong các mỹ tự. Hiện nay, nhà đền còn lưu giữ nhiều cổ vật và đạo sắc phong vào các đời vua triều Lê, Nguyễn... Đền Thượng còn được coi là một trong các đền thờ chính của Mẫu Thoải.

Đền Thượng thuộc xóm 8, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang).

Sau khi hành lễ đền Thượng, theo tuyến tham quan du khách đi về hướng Bắc chừng khoảng 500 m tới đền Cấm thuộc xóm 9, xã Tràng Đà. Ngôi đền tọa lạc trên một khu đất cao dưới chân núi Cấm Sơn, trong dải núi Dùm. Nơi đây yên tĩnh, tạo ấn tượng cho khách đến với cảm giác uy nghi, linh thiêng, cổ kính. Đền thờ Bà Chúa Cấm. Trong tiềm thức tâm linh về sự riêng biệt của đền Cấm, du khách thường nhắc đến sự linh thiêng của Bà Chúa Cấm (hay còn gọi là Chúa Bà) - Mẫu Thượng Ngàn, Cô bé cửa rừng. Cùng với giá trị văn hóa, kiến trúc, đền Cấm mang phong cách tín ngưỡng cổ, dấu ấn thời Nguyễn. Với nhiều di vật, hiện vật có những đường nét, mảng khối và màu sắc thể hiện sự tài hoa, thẩm mỹ sáng tạo của con người Tuyên Quang.

Điểm cuối trong hành trình lễ Mẫu những ngôi đền ở Tràng Đà là đền Ghềnh Quýt thuộc xóm 6, xã Tràng Đà. Đền thờ Mẫu Thoải. Niên hiệu Khải Định (1924) đã sắc phong “Sắc phong cho xã Tràng Đà, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang theo lệ trước thờ phụng Ngài... và phong tặng Ngài là Trang ngự Thượng đẳng thần”. Như vậy, căn cứ vào sắc phong có thể khẳng định đền Ghềnh Quýt được xây dựng vào thời Nguyễn, kiến trúc hình chữ Đinh.

Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch

Những ngôi đền có cảnh quan đẹp, nằm bên dòng Lô thơ mộng đang dần trở thành lợi thế trong phát triển du lịch của xã Tràng Đà. Những ngày đầu mở cửa trở lại, khôi phục lại hoạt động du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng, lượng du khách đến tham quan tại các điểm ở Tràng Đà đã bắt đầu tăng trở lại. Đặc biệt vào dịp đầu năm, thứ 7, chủ nhật lượng khách du lịch tăng vọt. Nhờ du lịch phát triển đã giúp nhiều người dân xã Tràng Đà có thu nhập từ dịch vụ du lịch.

Gia đình bà Trần Tú Lan, xóm 7, xã Tràng Đà đã hơn 10 năm gắn bó với nghề bán hàng khu vực đền Thượng. Những ngày mới mở cửa hàng, bà chủ yếu bán hàng nước, trứng luộc, bánh kẹo... Khoảng 5 năm trở lại đây, du khách đến Tràng Đà du lịch tâm linh nhiều hơn, nhu cầu tiêu dùng đa dạng nên cửa hàng của bà cũng bày bán thêm nhiều các sản phẩm đặc sản khác như mật ong rừng, măng khô, gạo nếp... Nhiều khách du lịch sau khi sử dụng sản phẩm nông sản ở đây thấy ngon, giá hợp lý nên đã gọi điện liên hệ với bà được bà gửi theo xe khách về tận Hà Nội, Nam Định và cả Nghệ An, Hà Tĩnh.

Du khách mua hàng tại gian hàng ở khu vực đền Thượng.

Bà Lan cho biết, nhờ khách du lịch đến chiêm bái ngôi đền mà người dân như bà có thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Ý thức được điều đó nên khi bán hàng, bà luôn chọn bán các sản phẩm nông sản có chất lượng, giá hợp lý. Khách đến tham quan và dâng hương tại đền được bà hướng dẫn các thủ tục sắm lễ sao cho phù hợp; hướng dẫn đường đi lối lại; kể cho khách nghe các thông tin liên quan đến lịch sử ngôi đền và tín ngưỡng thờ Mẫu.

Chị Nguyễn Thị Thủy du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Đền Thượng là điểm đến không thiếu trong hành trình lễ Mẫu của chị. Năm nào chị cũng về đây lễ bái tại các đền thờ Mẫu, cầu một năm may mắn, bình an, làm ăn tấn tới. So với trước đây thì hiện nay tại điểm du lịch đã có nhiều đặc sản miền núi như mật ong rừng, măng khô, tinh dầu xả... để du khách lựa chọn. Tuy vậy, chị cũng mong muốn là những sản vật ở đây cần chú ý đến việc đóng gói bao bì, tem nhãn, có nguồn gốc rõ ràng để khách du lịch yên tâm hơn khi mua những sản phẩm được bày bán tại các điểm du lịch.

Đồng chí Vũ Thị Thu Hoài, Chủ tịch UBND xã Tràng Đà cho biết, chủ trương phát triển du lịch bền vững của địa phương là làm sao đảm bảo hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường theo hướng du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch. Xã quan tâm phát triển nông sản đặc sản của địa phương như quả hồng mọng, na núi đá, mật ong rừng, măng khô, trứng gà... Những hoạt động trên đã góp phần đưa du lịch trên địa bàn xã đi vào nền nếp, từng bước đa dạng, phong phú sản phẩm du lịch, kết hợp khai thác thế mạnh về nông sản ở địa phương.

Ngoài sức hấp dẫn của 3 ngôi đền cổ thờ Mẫu linh thiêng thì đến xã Tràng Đà, du khách còn được tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Chính Pháp đang được xây dựng trên địa phận xóm 9. Thành phố Tuyên Quang đã quy hoạch Khu du lịch sinh thái Núi Dùm - Cổng Trời rộng hơn 2.000 ha với hệ thực vật phong phú, đa dạng có vai trò như “lá phổi xanh” của thành phố. Nơi đây có hang động đẹp như hang Bà Cún, hang Dơi, hang Ngà Voi, dốc Ông, dốc Ba..., trong đó Hang Dơi là hang động đẹp nhất thu hút nhiều du khách tham quan.

Hiện nay, thành phố Tuyên Quang đang mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển cụm du lịch sinh thái Núi Dùm - Cổng Trời. Qua đó nhằm khai thác và bảo tồn những tiềm năng du lịch của thành phố, từng bước nâng cao đời sống của người dân, tạo ra những sản phẩm mới về du lịch.

Phóng sự: Cảnh Trực

Tin cùng chuyên mục