Nguyên nhân chính là do nhu cầu giao thông lớn, tỉ lệ sử dụng phương tiện cá nhân cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi hạ tầng giao thông đô thị còn thiếu và chưa hoàn thiện, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng còn thấp… Ngoài các nguyên nhân trên thì ý thức chấp hành giao thông không tốt của người tham gia giao thông cũng là nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn.
Do vậy, việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ góp phần hạn chế ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên để biết “văn hóa giao thông là gì?” và tham gia như thế nào để thể hiện sự văn hóa thì không phải ai cũng hiểu và thực hiện đúng.
Chúng ta có thể hiểu văn hóa giao thông theo nhiều cách khác nhau, nhưng nói đơn giản nhất đó là ý thức tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, chấp hành đúng, tự giác và gương mẫu đối với Luật Giao thông đường bộ. Để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông thì việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.
Do vậy, ngay từ hôm nay, khi bước chân ra khỏi nhà bạn hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như: đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; không đi xe trên vỉa hè, bóp còi inh ỏi, đi ngược chiều; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông…
Như vậy, tiêu chí hàng đầu của văn hóa giao thông đó chính là sự tự giác rồi mới đến tuân thủ đúng luật. Trong văn hóa giao thông, chúng ta luôn đề cao ý thức tự giác của mỗi cá nhân. Khi văn hóa giao thông được nâng cao, mỗi người cũng sẽ tự tạo ra môi trường giao thông hòa đồng và thân thiện, góp phần giúp đất nước ngày càng phát triển và văn minh tiến bộ hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết