Ngày 26 tháng 6 năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái. Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển cây lâm sản, cây dược liệu ngoài gỗ dưới tán rừng đạt trên 2.000 ha; giai đoạn 2026 - 2030, duy trì và phát triển trên 3.500 ha cây lâm sản, cây dược liệu ngoài gỗ dưới tán rừng.
Theo cuốn Địa chí Tuyên Quang, trong 3.200 loài cây cỏ có thể dùng làm thuốc và cung cấp dược liệu cho ngành dược nước ta, Tuyên Quang có khoảng 700 loài thuộc 139 họ, 6 ngành thực vật bậc cao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 460 ha cây dược liệu được trồng theo các chương trình, dự án và trồng tự phát trong dân. Trong đó, cây dược liệu dưới tán rừng có khoảng hơn 100 ha, phần lớn tập trung ở các huyện vùng cao như Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa... với các loại cây đặc trưng như giảo cổ lam, khôi nhung, xạ đen, thảo quả... Ở huyện Lâm Bình có 3 hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng khu vực lòng hồ thủy điện cũng đã nhận hợp đồng trồng thử nghiệm 50 cây dược liệu. Huyện đang đẩymạnh quy hoạch vùng sản xuất, định hướng khai thác gắn với bảo tồn cây dược liệu quý như lan kim tuyến, đẳng sâm, trà hoa vàng... Cây cà gai leo ở xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương hay mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng ở xã Thái Sơn (Hàm Yên), trồng cây khôi nhung ở Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) cũng đã được nông dân tích cực tham gia và mang lại nguồn thu nhập.
Những kết quả bước đầu về phát triển các mô hình trồng cây dược liệu ngoài gỗ dưới tán rừng đáng được khích lệ như tạo việc làm cho người lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở nông thôn, tăng nguồn thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân, hình thành các hợp tác xã hoặc nhóm sản xuất để cùng nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm về trồng cây dược liệu, sơ chế, bảo quản, quảng bá sản phẩm... Người dân cũng cần được hỗ trợ về vốn, đầu ra cho sản phẩm để tận dụng, khai thác hiệu quả "kho báu" từ thiên nhiên.
Gửi phản hồi
In bài viết