Không ai phủ nhận những giá trị và những tác dụng từ sách, nhưng thực tế lại cho thấy ở nước ta đã có đến vài thế hệ mất đi văn hóa đọc. Ngày nay với sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới, văn hóa đọc càng có nguy cơ mai một. Lớp trẻ hầu như chỉ làm bạn với màn hình điện thoại và các thiết bị điện tử khác. Nên có những câu chuyện nực cười về việc có bậc phụ huynh cấm không cho con chơi với Sếchxpia, hoặc có sinh viên ngành Khoa học xã hội ra trường vẫn hỏi Nguyễn Du là ai.
Để khôi phục văn hóa đọc hiện nay, bên cạnh các cách thức truyền thống như thư viện, hiệu sách… nên chăng cần thay đổi cách tiếp cận, tận dụng tối đa các tiện ích của công nghệ thông tin, truyền thông xã hội. Không nên cứng nhắc cách đọc là phải cầm quyển sách giấy mà bỏ qua việc nghe sách (audiobook) hoặc đọc sách điện tử (ebook). Các hình thức sách dựa trên công nghệ, sách tương tác là cách thức tiếp cận nhanh với các em thiếu nhi hay bạn trẻ thích sử dụng mạng.
Mặt khác, cần phát huy và đổi mới hơn nữa vai trò của nhà trường, gia đình đối với việc đọc sách của học sinh. Nên giao bài tập về đọc sách và theo dõi việc đọc sách của học sinh, hướng các em tham gia những nhóm đọc sách và thảo luận về sách của các nhà xuất bản trên mạng xã hội nhằm giúp việc đọc sách có chiều sâu hơn, khiến đời sống của tác phẩm lâu dài hơn và cũng khiến việc đọc sách hấp dẫn hơn khi mọi người được cùng thảo luận về cuốn sách mà mình yêu thích.
G.Létxinh - nhà triết học nổi tiếng người Đức từng nói: “Ai đọc sách mà không biết được nhiều hơn những điều viết trong sách, người đó mới sử dụng sách có một nửa. Sách làm trí tuệ con người sâu sắc hơn và sáng sủa hơn”. Chính vì vậy, cần thay đổi theo hướng đặt việc đọc vào việc tiếp thu tri thức và sáng tạo tri thức. Trong nhà trường, giáo viên thay vì giảng cho học sinh về lịch sử địa phương, hãy yêu cầu các em tìm kiếm thông tin để thiết kế một stories về những di tích lịch sử của tỉnh để giới thiệu cho bạn bè. Tự khắc các em sẽ tìm đọc để thu thập thông tin, chuyển từ tâm thế tiếp thu tri thức thụ động, sang chủ động tìm kiếm thông tin, từ sách trong thư viện, kể cả trên net...
Với sự phát triển của Internet hiện nay, phát triển văn hóa đọc không nên chỉ quan tâm đến các thư viện truyền thống mà cần khai thác chính từ các phương tiện truyền thông mới, tạo các “đường dẫn” để đưa người đọc đến gần với việc đọc chủ động, để trở thành những người đọc thường xuyên và tự nhiên.
Gửi phản hồi
In bài viết