Những chuyên gia về xã hội học đã chỉ ra rằng, tỷ lệ ly hôn, ly thân đều có xu hướng gia tăng như một xu hướng trong tương lai cũng như trong các điều kiện phát triển của hiện tại. Có khoảng 70% đơn ly hôn do phụ nữ đứng tên. Sự chịu đựng trong một thời gian dài và quan niệm dễ cưới, dễ bỏ khiến tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cao. Đối với nhiều cặp đôi trẻ, thiếu những kỹ năng quan trọng khi bước vào cuộc sống hôn nhân, yêu sớm, cưới vội cũng là một nguyên nhân góp phần vào sự gia tăng của tỷ lệ này.
Ngoài ra còn có nguyên nhân từ việc phụ nữ ngày càng tự chủ hơn về mọi mặt và sự tiện lợi do khoa học kỹ thuật mang lại đã làm giảm bớt vai trò của người đàn ông trong gia đình và xã hội.
Việc gia tăng ly hôn mang rất nhiều mặt trái, trong đó có việc chăm sóc con cái không đầy đủ, dẫn đến những khiếm khuyết về cả tâm lý lẫn giá trị truyền thống trong những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn. Hầu hết những đứa trẻ trong các gia đình ly hôn thường ít nhiều bị ảnh hưởng về tâm lý và hạn chế khả năng hoà nhập cộng đồng sau này. Bản sắc truyền thống gia đình Việt Nam do vậy sẽ bị giảm sút, sâu xa hơn còn giảm sút cả sự kết nối của họ hàng, quốc gia, dân tộc.
Do vậy, cần tăng cường các biện pháp truyền thông để thấy được rõ vai trò, trách nhiệm theo Luật Hôn nhân và Gia đình, sẵn sàng bỏ qua cái tôi cá nhân để chăm lo gia đình và con cái. Nếu bậc làm cha mẹ hiểu rõ trách nhiệm gia đình, trách nhiệm xã hội của bản thân sẽ nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc vun đắp hạnh phúc gia đình cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ phát triển thành công dân tốt trong xã hội.
Tổ ấm hạnh phúc chính là động lực để mỗi cá nhân vui sống và cống hiến, sáng tạo. Trân trọng, bảo vệ hạnh phúc gia đình cũng chính là bảo vệ sự bình yên của xã hội, bảo vệ nền tảng văn hóa của Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết