Khi cái tôi quá lớn

- Chúng tôi có 20 năm trong hôn nhân. Để có một gia đình bình yên như hôm nay thì cũng đã có khoảng thời gian dài với những bất đồng, mâu thuẫn. Cả vợ và chồng đều không chấp nhận sự khác biệt của nhau, phải tranh cãi bằng được để tìm ra ai đúng, ai sai và nhiều lúc không ai chịu nhận lỗi về mình. Dỗi dằn, tức tối, khó chịu và “chiến tranh lạnh” diễn ra thường xuyên.

Trong một việc cụ thể, nếu tôi cho rằng mình đúng thì tất nhiên là tôi sẽ bảo vệ quan điểm của mình bằng được. Ngược lại, xét về một khía cạnh khác, người bạn đời cũng cho rằng anh ấy đúng. Ban đầu là tranh luận, sau đó đến cự cãi rồi to tiếng. Không chỉ ở một việc, trong nhiều việc khác cũng vậy dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng có lúc tưởng không thể hàn gắn. Kể câu chuyện gia đình mình với các chị lớn tuổi hơn thì nhận được lời khuyên: “Vợ chồng nhiều lúc cũng không cần phải rạch ròi, phân biệt ai đúng, ai sai đâu, miễn là đừng để gia đình thiếu đi sự vui vẻ, đầm ấm”. Tôi đã từng không đồng tình: “Em không thể chịu được nếu em đúng mà chồng em không công nhận điều đó”. Nhưng giờ thì tôi đã quá hiểu.

Một nhà tâm lý học người Mỹ cho rằng: “Sai lầm lớn nhất của nhiều người là chúng ta tưởng rằng để có sự hòa hợp, hai vợ chồng phải giống nhau. Chúng ta quên mất một điều cơ bản là, vợ chồng không phải hai người bạn cùng giới mà là hai người khác giới. Hai người đó không bao giờ giống nhau cả. Mong muốn người này giống người kia để hòa hợp nhau là ảo tưởng. Tốt hơn hết hãy xem họ khác nhau như thế nào để sống chung với sự khác nhau đó. Nghĩa là biết chấp nhận để hòa hợp với nhau”.

Khi cái tôi quá cao thì rất khó để lắng nghe hay đặt mình vào vị trí của người bạn đời để thấu hiểu. Trong gia đình, nếu người chồng có cái tôi cao thì lại thành gia trưởng, bảo thủ, còn người vợ thì trở thành ích kỷ, cằn nhằn, mọi việc chỉ làm theo ý thích của mình. Không bao giờ muốn lắng nghe và nhìn nhận quan điểm của người khác chính là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn vợ chồng. Nhất là khi xảy ra tranh luận, không ai muốn đặt cái tôi của mình xuống để xem người bạn đời của mình muốn gì, cần gì thì mâu thuẫn luôn tiếp diễn.

Tôi đã từng nghe nói về các giai đoạn trong hôn nhân, như giai đoạn đầu là đam mê, rồi đến hiện thực hóa, sau đó đến khủng hoảng, nổi loạn... Tất cả các cặp vợ chồng đều phải trải qua giai đoạn đầy khó khăn khi phải thích nghi với nhau. Hai con người vốn ở hai môi trường sống khác nhau, thậm chí đối lập nhau, có cá tính, thói quen, lối sống khác nhau nên khi cùng chung sống dưới một mái nhà không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, va chạm. Cảm thông, chia sẻ, biết lắng nghe, không cố chấp là nền tảng của sự hòa hợp trong cuộc sống gia đình.

Đức Anh

Tin cùng chuyên mục