Nếu như Cúp bóng đá thế giới đầu tiên diễn ra năm 1930 chỉ được một tờ báo thể thao đưa tin có 18 dòng; thì đến nay Cúp thế giới đã khiến tất cả các báo, các phương tiện truyền thông, kể cả các báo không phải thể thao cũng đều quan tâm. Những thần tượng thể thao lớn trở thành những công dân toàn cầu mà mọi người đều biết và ngưỡng mộ. Thể thao là đại sứ, hiện thân, đại diện cho một đất nước; gắn kết mọi người với nhau, kể cả khi không cùng quốc gia.
Những cường quốc lớn cạnh tranh nhau không chỉ ở vũ khí hạt nhân, ở GDP hay mức độ ảnh hưởng đối với thế giới; mà còn cạnh tranh nhau về số lượng huy chương Olympic, ở việc có chân trong FIFA hay Ủy Ban Olympic - như một thước đo chế độ nào ưu việt hơn.
Qatar, một đất nước rất nhỏ bé và giàu có chỉ từ khi mua được Câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain mới tăng vọt số lượng các bài báo, phim tài liệu về đất nước này, khiến Qatar được biết đến nhiều trên trường quốc tế. Đây là điều mà trước đó, tiền bạc, diện tích và số dân không mang lại được cho xứ này.
Hoa Kỳ thì trông cậy vào thể thao bằng việc cử các nhà vô địch đến các nước để truyền bá hình ảnh. Trung Quốc cũng dùng Thế vận hội mùa hè 2008 để chứng tỏ họ là trung tâm thế giới. Putin dùng sự kiện Thế vận hội mùa đông Sotchi 2014 để lấy lại hào quang sau khi Thế vận hội Matxcơva 1980 dưới thời Liên Xô bị tẩy chay. Luân Đôn trở thành điểm đến du lịch hàng đầu thế giới năm 2013, ngay sau năm tổ chức thành công Thế vận hội Luân Đôn 2012. Việt Nam ta cũng giành được rất nhiều thiện cảm của bạn bè quốc tế sau SEA Games 31 vừa qua.
Thể thao giờ là một thành tố của đất nước phát triển. Sức mạnh thể thao kích thích sự ngưỡng mộ chứ không phải sự bài bác. Chính vì vậy, cần làm cho thể thao trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người, mỗi nhà, mỗi quốc gia; thay vì là yêu cầu có tính phong trào. Mặt khác, cũng cần đầu tư xứng đáng cho thể thao thành tích cao. Có như vậy mới góp phần đưa thể thao Việt Nam vào vòng đua cùng các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết