Đạo lý và trách nhiệm!

- Tháng 7 hằng năm đồng bào cả nước lại hướng về những người Mẹ Việt Nam Anh hùng, những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với một niềm tri ân sâu sắc. Đây cũng là dịp để cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân thăm hỏi, tặng quà tri ân các gia đình chính sách thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta.

Tại Tuyên Quang, công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đã được các địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm lo cho gia đình chính sách, mỗi tổ chức đoàn thể, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và nhiều cá nhân cũng đã có những việc làm thiết thực trong hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Cụ thể như: tặng sổ tiết kiệm; nhận đỡ đầu mẹ liệt sĩ, thương binh nặng; tạo việc làm cho con em gia đình thương binh, liệt sĩ... tất cả đã tạo nên phong trào xã hội hóa chăm sóc gia đình chính sách, người có công. Qua đó đã huy động được một nguồn lực không nhỏ để giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Cùng với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, việc huy động, bố trí nguồn lực hỗ trợ sửa chữa, làm nhà ở cho người có công được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, mang nhiều ý nghĩa. Hằng năm, từ nguồn đóng góp hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã giúp cho hàng trăm hộ gia đình chính sách có điều kiện sửa chữa, làm nhà ở mới. Mỗi ngôi nhà được làm mới, sửa chữa, đã giúp cuộc sống của người có công vơi đi vất vả, khó khăn, tạo động lực để các gia đình vươn lên, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Chăm lo cho các gia đình chính sách không chỉ thể hiện lòng tri ân mà còn là đạo lý, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với những người đã không tiếc xương máu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, để đất nước ta có nền độc lập như ngày hôm nay.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục