Sao cho đúng

- Đầu năm học mới luôn là khoảng thời gian bận rộn và tốn kém đối với các bậc phụ huynh. Việc chuẩn bị đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục... cùng với các khoản đóng góp khác khiến nhiều gia đình cảm thấy khá căng thẳng về tài chính. Câu chuyện này, dù không phải mới mẻ nhưng dường như năm nào cũng nhận được nhiều ý kiến. Thậm chí, đầu năm học, ngành Giáo dục đã có những văn bản hướng dẫn rất cụ thể nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra.

Theo quy định, trong năm học, các nhà trường được thực hiện các khoản thu bắt buộc và khoản thu tự nguyện. Trong đó, các khoản thu bắt buộc thường gồm học phí, tiền bảo hiểm y tế, tiền trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh. Nhiều khoản thu còn lại, được xem là khoản thu tự nguyện, trong đó sẽ tập trung vào các khoản như tiền xã hội hóa, tiền quỹ lớp, tiền quỹ hội phụ huynh... 

Ở vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế khó khăn, có gì dùng nấy phụ huynh gần như không phải đóng góp gì. Ở thành phố, thị xã, thị trấn, điều kiện kinh tế tốt hơn, ai có điều kiện cũng muốn con mình được học ở trường, lớp khang trang sạch đẹp được trang bị đầy đủ hơn, nhưng Nhà nước mới chỉ đầu tư được cơ bản. Vì vậy, phụ huynh muốn con mình được học tập trong điều kiện tốt hơn như lớp có điều hòa, ti vi, máy chiếu... thì phải đóng thêm tiền. Nhưng khổ nỗi, trong lớp mấy chục học sinh không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đóng góp thêm, nên đã trở thành nỗi lo của phụ huynh.

Do vậy, bên cạnh việc thực hiện các khoản thu theo đúng quy định của ngành Giáo dục, nhiều phụ huynh bày tỏ việc thu, chi của nhà trường hay lớp học cần được công khai, thu chi đúng và đủ sao cho phù hợp với điều kiện cha mẹ học sinh, trường lớp. Điều này cũng nhờ vào sự công minh, liêm khiết, sự phối hợp chặt chẽ của Ban Giám hiệu nhà trường, cô chủ nhiệm và cha mẹ học sinh. Mục đích là nhằm tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho tất cả các con, không vì vụ lợi để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử giữa các con trong môi trường giáo dục.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục