Giữ chân người lao động

- Xưa nay, các cụ vẫn có câu “trăm đồng tiền công không bằng đồng tiền thưởng”.

Thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động. Nhưng với người lao động, dù khó khăn bao nhiêu thì vẫn mong ngóng tiền thưởng Tết. Thưởng Tết ngoài giá trị vật chất, còn động viên tinh thần rất lớn với người lao động.

Ở góc độ doanh nghiệp, câu chuyện thưởng Tết còn là bài toán có nhiều lời giải. Bởi muốn người lao động gắn kết lâu dài, doanh nghiệp cần tính tới việc khen thưởng, dù ít hay nhiều. Có thể chỉ 500.000 đến 1 triệu đồng, nếu khá hơn thì là tiền lương tháng thứ 13.

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, từ nay đến đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều thách thức, ảnh hưởng đến tiền lương, thu nhập của lao động. Vì vậy, nếu thưởng Tết không đạt được như kỳ vọng, người lao động cũng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, bởi mục tiêu của quan hệ lao động là hài hòa, tiến bộ.

Phần thưởng, tiền thưởng vào dịp Tết là khoản lợi nhuận trong năm được các đơn vị, doanh nghiệp trích ra để thưởng cho người lao động. Điều này không quy định bắt buộc, nhưng đó là nét đẹp văn hóa trong quan hệ lao động, nên được đại đa số đơn vị, doanh nghiệp thực hiện hằng năm. 

Phần thưởng có thể là tiền, hoặc như tặng giỏ quà, tặng tiền tàu xe về quê đón Tết, bố trí xe đưa người lao động về quê, bố trí hợp lý thời gian nghỉ Tết để người lao động có lịch trình thích hợp, đặc biệt đối với lao động làm việc xa quê... Doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn coi thưởng Tết là cách giữ chân người lao động, để người lao động yên tâm, từ đó tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp, tăng năng suất làm việc trong năm tới.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục