Tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng văn hóa học đường tại nhiều địa phương còn có những hạn chế nhất định. Tình trạng bạo lực học đường, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy có dấu hiệu gia tăng ở một bộ phận học sinh, sinh viên. Do bị tác động của mặt trái kinh tế thị trường, mối quan hệ “thầy - trò” ở một số nơi có những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực… Đây thực sự là những “điểm trừ” về văn hóa của ngành giáo dục nói chung, văn hóa học đường nói riêng, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Tiếp cận từ góc độ thực tiễn, văn hóa học đường không phải là vấn đề gì đó cao siêu mà là những việc làm cụ thể đi liền với những nội dung, đối tượng cụ thể trong môi trường sư phạm. Muốn dạy học trò nên người, nhà giáo cần phải tu dưỡng đạo đức, giữ gìn nhân cách, cân nhắc ứng xử, thái độ phải đủ làm gương cho học trò; không ngừng bồi dưỡng, tăng cường các yếu tố thuộc về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo, đúng với tinh thần “mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Các thầy, các cô phải như người cha, người mẹ thứ hai, thường xuyên quan tâm tới tâm, sinh lý, nguyện vọng chính đáng của học sinh; khơi gợi, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ…
Đối với phụ huynh, cần chia sẻ, đồng hành với thầy cô. Coi trọng tính gắn kết giữa nhà trường với gia đình trong xây dựng văn hóa học đường. Kịp thời phát hiện và giúp các em điều chỉnh những nhận thức, hành vi có biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa. Bản thân từng phụ huynh cũng phải là tấm gương về cách hành xử văn hóa từ trong gia đình cho các con noi theo, từ đó mới có “con ngoan, trò giỏi”, những công dân có ích cho xã hội n
Gửi phản hồi
In bài viết