Thầy ra thầy, trò ra trò

- Hiện nay, ta có thể bắt gặp nhiều khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” rất to trong các trường học, nhưng cũng dễ thấy ngày càng nhiều vụ việc vi phạm đạo đức trong nhà trường. Việc tôn sư trọng đạo không được như trước đây.

Có người giải thích, thời phong kiến, đạo học được coi trọng hơn, vì giáo dục chỉ dành cho số ít, nên người thầy là biểu tượng của tri thức. Hồi đó chương trình giáo dục đơn giản, với mục tiêu học để làm quan, nên người thầy và người học biết rất rõ mục tiêu và ý nghĩa công việc mình làm. Tinh thần của đạo học, của lẽ sống là tinh thần kiếm tìm đạo lý ứng xử, đạo lý làm người. Nên việc học trở nên có đạo, nên mới tôn sư trọng đạo.

Ngày nay, việc dạy việc học đã trở thành việc phổ biến, đại trà, số người dạy, người học cũng nhiều hơn. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, người thầy không còn độc quyền trong việc nắm giữ và trao truyền tri thức. Ấy là chưa kể, nhiều người đang coi giáo dục như một dịch vụ thuần túy của thị trường, nhà trường bị coi là nơi cung cấp dịch vụ, còn người học là khách hàng thụ hưởng. Thêm vào đó, vẫn còn phổ biến tình trạng kiểm tra, đánh giá những kiến thức học thuộc, trừng phạt để duy trì sự tuân thủ, hay sa những hoạt động nặng về giả - diễn, những giải pháp mang tính đối phó. Nên chất lượng giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo bị ảnh hưởng.

Từ khi học môn Giáo học pháp trong trường sư phạm, chúng tôi đã vô cùng cảm phục nhà sư phạm vĩ đại Makarenko (1888 -1939). Được giao phụ trách trường giáo dục Gooc-ki gồm những trẻ chưa ngoan, trong 16 năm, ông đã đào tạo hàng nghìn đứa trẻ chưa ngoan thành  công dân tốt, phần lớn sau này thành những cán bộ ưu tú trong giáo giới, trong quân đội, trong công nghiệp, trong y tế.
Vì sao được như vậy? Nguyên tắc căn bản của Makarenko là kết hợp lòng tôn trọng giá trị con người và những yêu cầu cao đối với con người. Người ta nói trẻ em là những đóa hoa. Makarenko nói thêm rằng: “Muốn có những đóa hoa đẹp phải kịp thời dùng kéo cắt những cành khô hoặc dùng thuốc sát trùng mà tưới cho hoa”.

Mặt khác, ông cũng coi trọng giáo dục trong tập thể, cả tập thể học sinh và tập thể giáo viên. Triết lý của Makarenko là không có một người nào hoàn toàn hư hỏng, “trẻ em hư hỏng chỉ chứng tỏ rằng thầy giáo đã thất bại mà thôi”.

Chính vì vậy, hơn bao giờ hết cần chú trọng giáo dục đạo đức trong nhà trường, cả đạo đức người dạy và người học. Đến như Đảng ta là tổ chức ưu tú nhất của những người cách mạng ưu tú nhất, còn đưa mệnh đề đạo đức là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; không lý gì các nhà trường lại chỉ coi trọng dạy kiến thức văn hóa, trọng văn hơn trọng lễ.

Người thầy đồng hành cùng học trò, giúp học trò có được sự trưởng thành thực sự thông qua việc học, và đặc biệt, giúp học trò đối mặt với các câu hỏi căn cốt của việc học, việc sống, việc làm người... thì người thầy luôn được tôn sư.

Nhà trường tập trung vào việc dạy cho học trò cách nghĩ, cách học, cách sống, cách làm việc, cách từng bước trưởng thành, cách yêu thương mình và người khác, cách bảo vệ tự nhiên, cách tạo giá trị cho xã hội... trong sự hồn nhiên và chân thật, theo đúng nhịp bước của sự trưởng thành, thì ngành giáo dục sẽ giữ được vị thế của mình, và luôn được xã hội kính trọng.

Và muốn nhà trường dạy thật, học thật, thi thật, sống thật; thì trong xã hội cũng phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, phát triển thật.

Và trước hết, mỗi gia đình, mỗi người làm cha mẹ cần phải thực hiện điều này, thay vì " trăm sự nhờ thầy" hoặc coi nhà trường như đơn vị cung cấp dịch vụ.

Có như vậy, mới bớt đi những câu chuyện bi hài trong giáo dục, thầy ra thầy, trò ra trò và chấn hưng đạo học.

Thái An

Tin cùng chuyên mục